Theo thống kê từ Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF), trong 4 trận vòng bảng và 2 trận ở bán kết, tuyển Việt Nam ghi 9 bàn thắng từ 6 cái tên khác nhau: Quang Hải, Công Phượng, Tiến Linh (cùng 2 bàn), Phan Văn Đức, Hoàng Đức, Bùi Tiến Dũng (cùng 1 bàn).
Trong đó, có ba trận, những Chiến binh Rồng Vàng tịt ngòi. Đó là trận hòa 0-0 trước Indonesia ở vòng bảng; thua Thái Lan 0-2 và hòa 0-0 ở bán kết. Ba bàn thắng còn lại được ghi trong các chiến thắng 2-0 trước Lào, 3-0 trước Malaysia và 4-0 trước Campuchia.
Để ghi 9 bàn thắng, các cầu thủ Việt Nam tung ra 108 pha dứt điểm, trong đó có 24 cú sút trúng đích; trung bình 12 cú sút, có một bàn thắng.
Ở trận ra quân gặp Lào, tuyển Việt Nam sút 23 lần, 6 đi trúng khung thành. Bước sang trận gặp Malaysia, các chân sút của áo đỏ có tỷ lệ chuyển hóa bàn thắng khá cao. Ba pha lập công được ghi chỉ sau 14 cú sút.
Trận đấu gặp Indonesia là màn trình diễn kém cỏi của hàng công khi tung ra 21 pha dứt điểm, nhưng chỉ 1 trúng đích. Ở trận cuối vòng bảng gặp Campuchia, hàng công tìm lại cảm giác ghi bàn khi có 4 bàn thắng sau 22 cú sút (7 trúng đích).
Ở hai trận bán kết gặp Thái Lan, mỗi trận, tuyển Việt Nam sút 14 lần, có tổng cộng 6 pha dứt điểm trúng đích nhưng không ghi bàn thắng nào.
Trong số 4 đội vào bán kết, Indonesia có tỷ lệ chuyển hóa bàn thắng hiệu quả nhất. Các học trò của HLV Shin Tae Yong tung ra 114 pha dứt điểm, 37 trúng đích và ghi đến 18 bàn thắng. Indonesia chỉ cần 6,3 cú sút để ghi 1 bàn thắng.
Chủ nhà Singapore có số cú sút khá “khiêm tốn” với 76 pha dứt điểm, 33 đi trúng đích, ghi 10 bàn thắng. Tỷ lệ chuyển hóa thành công là 7,6 cú sút/bàn. Tuyển Thái Lan đạt thông số 8 cú sút/bàn khi có 96 pha dứt điểm (40 trúng đích) và ghi 12 bàn thắng.