Đùng một cái, VTV tuyên bố không mua bản quyền ASIAD 2018. Lý do thì xưa như trái đất: giá quá cao. Còn khán giả yêu bóng đá thì ngơ ngác: vậy chúng tôi sẽ xem những "nam thần" U23 Việt Nam như thế nào đây?
Thật ra thì chẳng có gì bất ngờ nữa cả. VTV hay cả các nhà đài khác đều tự biến mình thành chú bé chăn cừu luôn miệng kêu "có sói". Champions League đắt quá! Không mua. Giải Ngoại hạng Anh nhiều tiền quá! Nghỉ xem nhé. Bản quyền World Cup 2018 vài trăm tỉ đồng. Thôi thì cùng hát bài "Bé ơi ngủ ngoan đêm đã khuya rồi"…
Nhưng sự thật thì tất cả các giải đó, chúng ta đều được xem. Và tất nhiên, các nhà đài thì đều được lợi. Với vụ bản quyền World Cup thì bỗng nhiên xuất hiện hai nhân vật cứu rỗi là tập đoàn Vingroup và Viettel- hai đại gia bây giờ. Truyền hình thế thao bây giờ không còn là câu chuyện giữa nhà đài - người xem mà còn là sự hiện diện rõ nét hơn, nổi bật hơn: bên thứ ba. Đó là các doanh nghiệp.
Liệu bản quyền ASIAD thì sao? Lý do thì rất khách quan, kiểu như đơn vị giữ bản quyền - Công ty KJSMWORLD CORP có trụ sở tại Hàn Quốc đặt giá quá cao cho gói độc quyền các môn thi đấu tại ASIAD. Trong khi đó, VTV muốn mua gói không độc quyền để phát miễn phí như các kỳ Olympic, ASIAD, SEA Games trước đây… Nhưng KJSMWORLD CORP không đồng ý.
Có lẽ KJSMWORLD CORP chỉ có thể bán trọn gói chứ thực ra, cả đoàn thể thao hoành tráng dự ASIAD nhưng bóng đá mới là đáng quan tâm, nhất là có sự hiện diện của ông Park và các học trò U23 Việt Nam. Nói ra thì hơi phũ phàng nhưng đó là sự thật.
Vậy thì nghỉ xem ư? Có thể có, có thể không. Không là bởi nhà đài, VTV cũng chẳng có trách nhiệm ràng buộc gì phải mua bản quyền ASIAD 2018 bằng mọi giá rồi phát cho nhân dân xem. Câu chuyện kinh tế cả. Lãi thì làm, không thấy lãi thì cắt.
Nhưng "có" thì nó dẫn ra mấy khả năng. Một là VTV các đơn vị kinh doanh truyền trả tiền như VTVcab hay K+, nơi mà VTV có cổ phần dường như đang diễn, đang đánh võng theo đúng kịch bản hồi World Cup rồi thì cũng có đại gia nhảy vào. Hai là miếng bánh U23 Việt Nam quá thơm và cực kỳ khó bỏ. Và điều này hoàn toàn dẫn đến câu chuyện K+ "buộc phải" mua bản quyền và phát độc quyền trên kênh của mình.
Mặc dù lãnh đạo K+ cũng đã khảng khái nói với báo chí rằng: "Từ trước đến nay, chúng tôi chưa bao giờ có ý định mua bản quyền các Đại hội thể thao như SEA Games, ASIAD, Olympic. Bản quyền truyền hình các Đại hội này vốn đều được bán không độc quyền, tạo điều kiện cho các quốc gia có thể mua, phục vụ khán giả và mọi năm VTV đều mua được. Vậy mà không hiểu sao giờ họ lại thương mại hóa tất cả thể này…" và "Nếu những Đại hội như ASIAD mà đối tác chào giá cao cho gói độc quyền chứ quyết không bán gói không độc quyền để phát miễn phí thì có lẽ khán giả cũng nên tẩy chay đi".
Nói tẩy chay thì dễ quá. Song, nếu việc được xem U23 Việt Nam là quyền lợi của người xem hàng tháng trả tiền cho K+ thì liệu việc họ không mua bản quyền ASIAD có dẫn đến chuyện giảm giá cước thuê bao tháng cho khách hàng không?
Thực tế thì người xem dù là đối tượng trả tiền nhưng luôn nắm đằng lưỡi dao. Giống như câu chuyện VTVcab hồi đầu năm cắt cái rụp toàn những kênh yêu thích của khán giả như Star Movies, HBO, Cinemax, FoxSport1, FoxSport2, AXN, RED, CNN, BBC, Cartoon Network, Disney Channel… nhưng cuối cùng "chẳng ai bị làm sao" dù Bộ Công thương sau đó có khẳng định: "VTVcab cắt 22 kênh là vi phạm nghiêm trọng hợp đồng"…
Nhân nói chuyện phim ảnh, thì hóa ra mấy cái rạp ở Việt Nam đang chiếu bộ phim "Nhiệm vụ bất khả thi" phần 6 với tựa tiếng Việt là "Sụp đổ" (Mission: Impossible - Fallout). Vẫn là anh chàng Tom Cruise - thực tế bây giờ là "bác Tom" gần 60 tuổi - trong vai Ethan Hunt. Nhưng phải nói, Hollywood giỏi móc tiền từ khán giả.
Thế nên, vụ bản quyền truyền hình ASIAD sẽ hồi hộp như phim và (một lần nữa) - tin tôi đi, sẽ không là "nhiệm vụ bất khả thi" đâu.
Ethan Hunt sẽ xuất hiện đúng lúc, dù dưới mặt nạ giả tạo. Vấn đề là ai sẽ bị móc tiền từ trong túi mà thôi.