Truyền thông Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông báo động với đội tuyển điền kinh nước này trong bối cảnh "thất bại ê chề" ở giải điền kinh vô địch thế giới 2023 diễn ra tại Budapest vừa qua và ASIAD 19 ở Hàng Châu sẽ khởi tranh sau đây chưa đầy 20 ngày.
Tại giải thế giới năm nay, đội tuyển điền kinh Trung Quốc cử 41 VĐV tranh tài ở 17 nội dung thi đấu và chỉ giành đúng... 2 tấm HCĐ. Đây là lần đầu tiên sau 20 năm Trung Quốc không thể giành nổi chỉ 1 tấm HCV hay HCB ở giải điền kinh VĐTG.
Chẳng nói đâu xa, ở giải VĐTG năm ngoái tại Oregon (Mỹ), điền kinh Trung Quốc còn giành được 6 tấm huy chương. Trong đó Wang Jia'nan trở thành nam VĐV Trung Quốc đầu tiên vô địch thế giới nội dung nhảy xa với thông số 8m36. Và nữ VĐV Feng Bin vượt qua nhiều cái tên sừng sỏ để đăng quang nội dung ném đĩa với thành tích 69m12.
Nhưng năm nay đích thực thất bại thảm hại khi cả Wang và Feng đều không thể bảo vệ tấm HCV thế giới. Thông số 68m20 chỉ giúp Feng xếp thứ 3 ở môn ném đĩa nữ trong khi Wang còn đứng tận thứ 5 nội dung nhảy xa nam.
Riêng Gong Lijiao dù lần thứ 9 giành huy chương thế giới, nhưng tấm HCĐ đẩy tạ nữ của VĐV 34 tuổi này cũng là bước lùi ở cuối sự nghiệp sắp đến ngưỡng "nghỉ hưu". Đó là bức tranh tương phản ghê gớm khi điền kinh Trung Quốc không trình làng được gương mặt trẻ nổi bật nào ở sàn đấu thế giới.
Và tô điểm thêm cho sự thất bại toàn tập là màn trắng tay ở nội dung đi bộ 35 km nam - nữ, 20km nữ, nơi các VĐV Trung Quốc luôn được xem như ứng viên vô địch nặng ký.
"Không thể thích nghi với thời tiết, đường đua là hệ quả dẫn tới thành tích kém cỏi, trong khi các VĐV châu Âu đã tiến bộ rất nhanh, duy trì phong độ cao cả trong thi đấu lẫn tập luyện. Rõ ràng, hơn 2 năm qua do dịch Covid-19 khiến việc tham dự các giải đấu quốc tế bị thu hẹp rất nhiều đã ảnh hưởng tới phong độ thành tích VĐV Trung Quốc", những VĐV đi bộ hàng đầu của nước này là Ma Zhenxia và Liu Hong chua chát thừa nhận sau giải thế giới.
Sự thật, những gì bộ đôi VĐV đi bộ Ma - Liu chia sẻ cũng là vấn đề với toàn bộ đội tuyển điền kinh nước này, để giờ chính truyền thông Trung Quốc phải gióng hồi chuông báo động khi Olympic Paris chỉ còn cách 1 năm và đặc biệt ASIAD 19 ở Hàng Châu sẽ bắt đầu sau đây 20 ngày.
Mục tiêu của điền kinh Trung Quốc ở kỳ ASIAD 19 trên sân nhà tới đây rất rõ ràng, đó là xếp nhất toàn đoàn và đạt chuẩn, giành tối đa có thể các suất dự Olympic 2024. Đó là lý do điền kinh Trung Quốc ém quân, không cử đi toàn bộ đội hình chính thi đấu ở các nội dung chạy tốc độ, chạy cự ly trung bình và tiếp sức đồng đội..., cả ở giải thế giới lẫn giải vô địch châu Á tại Thái Lan hồi tháng 7.
Thực tế đây là chiến thuật không mới của Trung Quốc, nhờ vào nguồn VĐV dồi dào. Tuy nhiên, khi chính truyền thông nước nhà chỉ ra những vấn đề bất cập từ việc VĐV khó tham dự nhiều giải quốc tế để đạt phong độ ổn định, hay việc thiếu hụt trầm trọng các tài năng trẻ thực sự, xem ra sẽ không dễ dàng để Trung Quốc duy trì vị thế số 1 ở nội dung điền kinh tại ASIAD 19 tới đây.
Trong quá khứ, điền kinh Trung Quốc luôn dẫn đầu ASIAD suốt từ Đại hội kể từ năm 1986 trở lại đây. Nhưng khi Nhật Bản, Ấn Độ, Qatar, Iran ngày càng thách thức, còn Bahrain theo đuổi kế hoạch nhập tịch ồ ạt các ngôi sao gốc Phi đã vươn lên trở thành thế lực đáng gờm, Á vận hội ở Hàng Châu sẽ rất khó khăn với điền kinh Trung Quốc, dù có lợi thế sân nhà.
Tại ASIAD 2018 điền kinh Trung Quốc giành 34 tấm huy chương trong đó có 12 HCV để xếp nhất toàn đoàn. Tuy nhiên, Bahrain cũng đã áp sát phía sau với 10 tấm HCV còn Ấn Độ có 8 HCV.
Tại Á vận hội năm nay, Trung Quốc sẽ không có tượng đài chạy 100m châu Á Su Bingtian. Chân chạy 34 tuổi này hồi tháng 6 vừa qua đã tuyên bố nghỉ hết năm để điều trị chấn thương. Riêng việc thiếu vắng Su Bingtian đã khiến Trung Quốc mất cơ hội giành HCV danh giá nhất đại hội ở nội dung 100m nam. Bên cạnh đó đội hình 4x100m nam cũng khó có cửa tranh chấp huy chương.