Hai chuyến xe buýt lỡ của Quách Công Lịch và việc vinh danh ASIAD 2018

thứ ba 4-9-2018 15:56:32 +07:00 0 bình luận
Lễ vinh danh Đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tại ASIAD 2018 diễn ra tối 2/9 như một sự tri ân dành cho các VĐV, nhưng đó mới chỉ là bề nổi.

Lễ vinh danh Đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu tại ASIAD 2018 diễn ra tối 2/9 như một sự tri ân dành cho các VĐV, nhưng đó mới chỉ là bề nổi.

Hai chuyến xe buýt lỡ của Quách Công Lịch

Tập luyện cả một năm trời chỉ để chạy vài chục giây đến vài phút là câu chuyện của những VĐV điền kinh như Quách Công Lịch. Bán kết nội dung 400m rào nam, Công Lịch bật chạy và ở ngay rào đầu tiên, người anh giật lên, bắp đùi phải không còn nghe lời nữa khi chấn thương chèn ép dây thần kinh toạ tái phát.

Quách Công Lịch thất thần khi phải dừng bước ở nội dung 400m rào nam quá sớm. Nguồn: VTC3.

Anh rời đường chạy với gương mặt nhăn nhó vì đau. Cũng chính vết thương ấy khiến Công Lịch không thể về làng VĐV Kemayoran cách sân đấu 20km một cách nhanh chóng. Anh lỡ hai chuyến xe buýt chở VĐV vì có quá đông người, trong khi bản thân không thể đứng quá lâu. Nếu là Quách Công Lịch khoẻ mạnh anh sẽ không phải chờ đợi như thế.

Hình ảnh của Quách Công Lịch phải bỏ cuộc giữa chừng, tập tễnh lên xe buýt cho thấy sự nghiệt ngã của thể thao đỉnh cao. Trung bình Công Lịch tập luyện 2 tiếng/ngày, 730 tiếng/năm chỉ để chuẩn bị cho gần 1 phút ngắn ngủi tại ASIAD 2018. Thế nhưng, anh thất bại quá sớm.

Quách Công Lịch chỉ là một ví dụ cho sự nghiệt ngã ấy. VĐV Wushu Trần Xuân Hiệp cũng phải bỏ cuộc nội dugn Trường quyền vì chấn thương và để lỡ huy chương. Đỗ Hùng Dũng lỡ cơ hội đá những trận đấu loại trực tiếp quyết định cho Olympic Việt Nam vì gãy ngón chân cái,…

Đó là những VĐV có chấn thương hiện rõ. Tại ASIAD 2018, không thiếu những VĐV điền kinh, TDDC, hay võ thuật đến với các phần thi đấu mà không có được thể trạng tốt nhất. Ánh Viên, niềm hy vọng ASIAD 2018 còn bật khóc trong phòng thay đồ sau thất bại ở nội dung 400m hỗn hợp cá nhân nữ, đó lại là chấn thương về tinh thần.

Hai chuyến xe buýt lỡ của Quách Công Lịch và việc vinh danh ASIAD 2018 - Ảnh 2.

Hình ảnh này của Ánh Viên lột tả đầy đủ từ thất bại, áp lực đến sự cô đơn mà một VĐV phải trải qua. Ảnh: Hoàng Quỳnh/Thanh niên.

Thế nhưng, chưa nói đến sự chăm lo về đời sống tinh thần và sức khoẻ. Ngay khi trở về Việt Nam, Quách Công Lịch đăng tải dòng trạng thái với ngụ ý muốn giải nghệ. Anh nhắc đến sự phân biệt đối xử giữa các môn, về mức lương 4,5 triệu đồng/tháng bèo bọt và từ đấy nếu không đạt thành tích ở các giải đấu quốc tế trong năm thì gần như sẽ không có được sự thay đổi về thu nhập.

Công Lịch sau đó nói rằng đó là dòng trạng thái được viết lên khi tâm trạng quá buồn bã. Anh sẽ suy nghĩ kỹ vì điền kinh vẫn là đam mê của bản thân. Thế nhưng, khi thất bại đi cùng thất vọng kéo dài, thiếu thốn động lực là điều tất yếu. Đam mê là một phần nhưng có khi nào đó là sự bất lực khi đã chót theo đuổi và không còn con đường nào khác để đi.

Giá trị của lễ vinh danh

Ngay đêm 2/9, lễ vinh danh Đoàn thể thao Việt Nam tại SVĐ QG Mỹ Đình được diễn ra. Đó là chương trình ghi nhận sự cống hiến và nỗ lực của những VĐV thể thao nhưng không hẳn đã tạo nên một hiệu ứng tốt.

Xếp thứ 17/37 trên bảng tổng sắp huy chương chưa phải thành tích tốt nhất của Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD. 4 HCV trong đó đã có 2 HCV của Pencak Silat, môn võ được bổ sung do Indonesia làm chủ nhà, được đánh giá chỉ là câu chuyện nhất thời. Đây chưa phải một kỳ ASIAD thành công với thể thao Việt Nam, chỉ có Bùi Thị Thu Thảo hoàn thành mục tiêu giành HCV trong số 5-7 người được kỳ vọng.

Có câu hỏi đặt ra, lễ vinh danh này được tổ chức một phần do Olympic Việt Nam thi đấu thành công? Câu hỏi không hẳn vô lý và trước đây, Đoàn thể thao Việt Nam đã từng có mấy lần được vinh danh như vậy. Từ đây, 4 năm nữa, ASIAD tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc), liệu có lễ vinh danh như vậy nếu chỉ những tấm huy chương, những thành tích nổi bật từ những môn thể thao ngoài bóng đá?

Hai chuyến xe buýt lỡ của Quách Công Lịch và việc vinh danh ASIAD 2018 - Ảnh 4.
Olympic Việt Nam mới là chủ thể chính của lễ vinh danh Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại ASIAD 2018? Ảnh: Vietnamnet.

Thể thao đề cao tính fair-play nhưng hiện thực nó đã không công bằng ngay giữa những VĐV này với những VĐV khác. Dĩ nhiên, thật khó để tạo nên sự công bằng khi có những môn thể thao được đầu tư và tài trợ khủng nhưng nỗ lực để khoảng cách không còn quá xa nhau là điều có thể làm được.

4 năm trước, Việt Nam dự định tổ chức ASIAD 2018 với chi phí 150 triệu USD. Con số không thực tế ấy đã được kiểm chứng ở việc Indonesia tổ chức ASIAD năm nay và tiêu tốn hơn 2 tỷ USD. Gấp khoảng 14 lần và vẫn còn nhiều chê bai.

Thế nhưng, thể thao Việt Nam vẫn cần một cú hích như SEA Games 2021 để có thể thay đổi chí ít là cơ sở vật chất hiện tại, đảm bảo điều kiện tập luyện cho VĐV thêm một giai đoạn nữa trước khi nghĩ đến những câu chuyện về tiền lương, ăn ở, hay yếu tố tinh thần và sức khoẻ.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm