Từng suýt chết đuối khi tập thuyền vì… không biết bơi
Đến giờ Phạm Thị Thảo vẫn chưa hề biết bơi, dù hằng ngày cô vẫn phải đối diện với những rủi ro sông nước do đặc thù của môn chèo thuyền. Sự sợ hãi ấy được phát hiện năm 2008, khi cả đội đang tập luyện thì Thảo xin phép nghỉ sớm rồi một mình chèo thuyền trở về.
Đến giữa hồ Tây, chiếc thuyền bất ngờ bị thấm nước và chìm dần. Trong sự hoảng loạn, Thảo cố gắng bám chặt vào thuyền rồi kêu cứu trong sự sợ hãi tột cùng. Và may mắn cho cô, một vài đồng đội gần đó nghe thấy những tiếng kêu thất thanh, tức tốc đưa thuyền đến giải cứu. Khi đó Thảo đã uống no nước và chỉ còn nổi lên mỗi chỏm tóc.
Qua lần “thoát chết” đó, Thảo được các huấn luyện viên ra nhiệm vụ phải bơi bằng được trong vòng một tháng, hoặc phải chấp nhận chia tay đường đua với sông nước. Tuy nhiên, dù rất quyết tâm và nỗ lực học bơi, cô gái quê Thái Bình vẫn chỉ bơi được đúng 20m rồi lại chìm ngay.
Thảo đã phải khóc hết nước mắt xin được cho ở lại để vừa tập đua thuyền vừa học bơi. Các thầy lúc đầu cũng dự tính loại Thảo nhằm bảo đảm an toàn, song cuối cùng quyết định tạm bỏ qua vì thấy tội cho học trò, và quan trọng hơn là tiếc tố chất hiếm có của Thảo. Hiểu rõ tình thế hiểm nghèo của mình, tay chèo sinh năm 1989 lao vào tập luyện... như điên để lấy khả năng, thành tích bù lại cho khiếm khuyết ấy.
Tuyển thủ Việt Nam giành nhiều huy chương ASIAD nhất lịch sử
Giống như nhiều bé gái quê lúa Thái Bình, Phạm Thị Thảo mơ trở thành cầu thủ bóng chuyền. Nhưng vì chiều cao khiêm tốn, trải qua nhiều lần dự tuyển cô đều bị đánh trượt. Duyên thể thao của Thảo bắt đầu bén từ một lần dự tranh Hội khỏe Phù Đổng, năm lớp 12. Lúc đầu khi được đề nghị tập luyện môn rowing, Thảo từ chối thẳng thừng. Ông thầy Nguyễn Văn Sáu đã phải mất tới hai tháng, qua vài lần về tận nhà mới “kéo” được cô nữ sinh có sải tay dài lạ thường cho đội rowing.
Khởi đầu, Thảo cũng chẳng thích thú gì với cái món cả ngày gò lưng gắng sức chèo chiếc thuyền rất dài mà hẹp bề ngang, chỉ ngồi cho vững đã mất cả vài tháng kỳ công. Nhưng, cái nghiệp đua tốc độ cùng sóng nước đã ngấm vào máu Thảo lúc nào chẳng hay, nhất là khi nó sớm chứng tỏ sự phù hợp đặc biệt với cô gái đầy mạnh mẽ này. Do Thái Bình không sẵn điều kiện nên ngay từ đầu ngành thể thao đã phải gửi Thảo cùng một số đồng đội lên Hà Nội tập nhờ.
Đã 15 năm nay, không chỉ xa nhà biền biệt mà tay chèo đất lúa còn luôn phải vượt khó chịu khổ giống hệt như một “phu hồ”. Cứ năm giờ sáng, Thảo đã phải vác trên vai chiếc thuyền nặng chình chịch xuống nước để “chiến đấu” giữa trời nước mênh mông, chèo ra 12 cây số bất kể mưa nắng.
Sự khắc nghiệt ấy qua ngày tháng đã in hằn trên mái tóc khô cong, khuôn mặt đen xạm, cùng đôi bàn tay chai sần nhiều lớp. Bất chấp điều kiện muôn vàn gian khó ấy, Thảo vẫn liên tục bứt phá lên đỉnh cao, với một khả năng đa dạng.
Chỉ qua đúng một năm ăn tập, SEA Games 2009, cô đã giành được hai HCV, và đến ASIAD 2010 là một tấm HCB lịch sử. Đến giờ Thảo đã trở thành một “máy gặt” thành tích số 1 ở rowing được biết đến là môn khó và mới với thể thao Việt Nam, với bộ sưu tập gồm 40 huy chương quốc tế các loại.
Trong đó, tuyển thủ sinh năm 1989 đã lập kỳ tích khi là tuyển thủ rowing duy nhất hai lần liên tiếp giành quyền tới Olympic, cùng ở nội dung thuyền đôi với hai tay chèo khác nhau. Olympic 2012, Thảo đấu cặp với người đồng đội cùng lứa Phạm Thị Hài, và đến Olympic 2016 là đàn em Tạ Thanh Huyền.
Nhưng trớ trêu thay, ngay trước thềm Olympic Rio 2016, Thảo đã phải nuốt nước mắt nhường vinh dự cho một đồng đội khác. Bởi cô dính phải chấn thương vai và chân nặng do sức ép từ quá trình liên tục gồng mình gắng sức tới tận cùng.
Đáng nói hơn, kết thúc ASIAD 19, Phạm Thị Thảo đã làm nên một siêu kỳ tích mà bản thân chị không hể để ý hay thống kê: VĐV giành nhiều huy chương nhất cho thể thao Việt Nam trong cả 10 kỳ dự tranh. Qua 4 kỳ Á vận hội liên tục tham gia tranh tài, kiện tướng đua thuyền này đoạt được tổng cộng 5 tấm huy chương, điều đặc biệt còn đủ cả 3 màu (1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ). Chiến tích sáng giá nhất của Thảo chính là tấm HCV nội dung thuyền bốn nữ hạng nhẹ ở ASIAD 2018.