Riêng kỳ ASIAD gần nhất tại Indonesia năm 2018 Thể thao Việt Nam (TTVN) đã giành tới 5 HCV, nhiều nhất trong lịch sử tham dự Á vận hội. Kỳ ASIAD đó chứng kiến điền kinh Việt Nam lần đầu tiên chạm đến HCV với cú đúp của Bùi Thu Thảo (nhảy xa) và Quách Thị Lan (400m rào).
Đáng chú ý, môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, rowing (đua thuyền) cũng lần đầu tiên có HCV. Và đặc biệt pencak silat - môn từng được gây dựng theo chủ trương "đi tắt đón đầu" - đã giành 2 tấm HCV khi lần đầu tiên xuất hiện tại ASIAD nhờ việc Indonesia là chủ nhà.
Để giành được tấm HCV ASIAD chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng với TTVN. Nhưng điền kinh hay silat cũng chưa phải môn thi đấu mang về nhiều HCV ASIAD nhất tính từ kỳ Á vận hội đầu tiên TTVN góp mặt đó là đại hội năm 1982 ở Ấn Độ.
Thật vậy! Bên cạnh điền kinh và silat, còn 2 môn thể thao khác từng giành cú đúp HCV ASIAD cho TTVN. Ở Doha 2006 môn cầu mây đã xuất sắc giành 2/3 tấm HCV cho đoàn TTVN. Ấn tượng hơn, môn taekwondo cũng đã mang về 2 HCV ASIAD với cột mốc không thể quên.
Đó chính là tấm HCV ASIAD đầu tiên trong lịch sử của TTVN, tại Á vận hội năm 1994 ở Hiroshima khi võ sỹ taekwondo Trần Quang Hạ vô địch hạng 58 kg. Và 4 năm sau võ sỹ Hồ Nhất Thống lập lại kỳ tích cũng ở hạng cân này, giúp taekwondo và TTVN có HCV ASIAD thứ 2.
Tuy vậy, sau tất cả, tính đến thời điểm này môn thi đấu mang về nhiều HCV ASIAD nhất - khá bất ngờ - chính là karate, môn quốc võ của Nhật Bản và ở châu lục còn rất nhiều quốc gia phát triển mạnh bộ môn này.
Chỉ 8 năm sau khi môn võ taekwondo "mở hàng vàng" cho TTVN tại đấu trường ASIAD, đến kỳ Á vận hội 2002 tại Hàn Quốc, karate ghi dấu ấn đầu tiên với không chỉ 1 mà là cú đúp HCV cực kỳ ấn tượng.
Ở nội dung đối kháng (kumite) 53 kg nữ, võ sỹ Vũ Kim Anh xuất sắc đánh bại đương kim vô địch thế giới người Nhật Bản Fujioka Eri trong trận chung kết. Tấm HCV ASIAD năm đó đã giúp Kim Anh sau đấy dẫn đầu cuộc bầu chọn "VĐV tiêu biểu nhất năm của thể thao Việt Nam".
Người xếp thứ 4 trong cuộc bầu chọn năm đó, võ sỹ Nguyễn Trọng Bảo Ngọc cũng chính là VĐV karate thứ 2 giành HCV ASIAD cùng với Kim Anh trên đất Hàn Quốc. Ở hạng cân 60 kg kumite nữ, Bảo Ngọc cũng xuất sắc đánh bại đối thủ có thể hình vượt trội và được đánh giá cao hơn đến từ Uzbekistan.
4 năm sau đại hội ở Busan, Hàn Quốc, tới kỳ ASIAD 2006 tại Doha karate Việt Nam tiếp tục trình làng một nhà vô địch châu Á mới là Vũ Thị Nguyệt Ánh. Võ sỹ người Hải Phòng nổi tiếng với ý chí và nghị lực phi thường này đã giành tấm HCV kumite nữ hạng 48 kg.
Đến kỳ ASIAD 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyệt Ánh với những chấn thương dai dẳng chỉ có thể giành tấm HCB, nhưng một gương mặt vàng khác của karate Việt Nam đã bất ngờ xuất hiện đó là Lê Bích Phương.
Cô gái trẻ quê Gia Lâm, Hà Nội, năm đó mới 18 tuổi thực sự tạo ra kỳ tích khi càn quét các đối thủ trên đường tiến vào chung kết nội dung kumite nữ hạng 55 kg.
Và dù phải đối mặt nhà vô địch thế giới người Nhật, Kobayashi Miki, Bích Phương với lối đánh thông minh dưới sự chỉ đạo của HLV lão làng Lê Công đã xuất sắc thắng điểm 4-3. Đáng nói hơn, Bích Phương và karate đã "cứu cánh" cho TTVN năm đó thoát khỏi cảnh "đói vàng ASIAD".
Như vậy, với 4 tấm HCV - rất thú vị là đều do công các nữ võ sỹ - karate chính là môn thi đấu gặt nhiều vàng nhất cho TTVN ở đấu trường lớn ASIAD. Năm nay, nội dung của karate được kỳ vọng sẽ tranh chấp HCV ở Á vận hội tại Hàng Châu nằm ở các cô gái kata đồng đội nữ.
Đây là nội dung kata Việt Nam đã dẫn đầu khu vực và ở sân chơi châu lục ASIAD tới đây Nhật Bản sẽ không tranh tài. Bên cạnh đó các tuyển thủ đối kháng kumite được giao trọng trách giành huy chương ASIAD 19 tới đây gồm Hoàng Mỹ Tâm, Đinh Thị Hương và Nguyễn Thị Ngoan.