Nguyễn Minh Phụng: Từ cậu bé ham chơi game đến HCB Karate ASIAD 2018

chủ nhật 26-8-2018 15:25:00 +07:00 0 bình luận
Hơn 2 thập kỷ, Kumite nam Việt Nam mới có thêm một tấm HCB ASIAD của Nguyễn Minh Phụng, một chàng trai từng bị thầy đánh đòn vì ham chơi chơi điện tử.

Hơn 2 thập kỷ, Kumite nam Việt Nam mới có thêm một tấm HCB ASIAD của Nguyễn Minh Phụng, một chàng trai từng bị thầy đánh đòn vì ham chơi chơi điện tử.

Chiến tích 24 năm mới có một lần

Năm Minh Phụng 3 tuổi, Karate nam Việt Nam lần đầu tiên có VĐV giành HCB ASIAD. Võ sĩ Trần Văn Thông là người Việt Nam đầu tiên làm được điều ấy tại ASIAD Hiroshima 1994. Đúng 24 năm sau, hậu bối của anh đã tái hiện lịch sử.

Nguyễn Minh Phụng: Từ cậu bé ham chơi game đến HCB Karate ASIAD 2018 - Ảnh 1.

Nguyễn Minh Phụng trở thành VĐV Karate nam Việt Nam thứ hai giành HCB ASIAD 2018. Ảnh: Trung Thu.

Minh Phụng vượt qua 3 đối thủ, đi tới trận chung kết và chỉ chịu thua nhà ĐKVĐ thế giới người Iran. Không ai tiếc khi thua một đối thủ mạnh hơn về mọi mặt nhưng cảm phục cho ý chí và sự nỗ lực của VĐV 27 tuổi. Phụng là người Việt Nam, đại diện cho Việt Nam, nỗ lực của anh làm đẹp thêm cho hình ảnh của người Việt.

Kể từ tấm HCV đồng đội nam tại SEA Games 2009, Minh Phụng trải qua 8 năm khát vàng. Cơn khát ấy chỉ chấm dứt tại SEA Games 2017. Và chỉ 1 năm sau, anh giải cơn khát chung kết cho Kumite nam Việt Nam tại ASIAD.

"Phụng ơi, cố gắng lên con!"

Bắt một chuyến xe đò từ Bình Dương về TPHCM, đi thêm một chuyến bay đến Indonesia, ông Nguyễn Văn Công đã được tận mắt chứng kiến con trai mình giành tấm HCB về cho Đoàn thể thao Việt Nam.

"Không có gì sung sướng bằng. Tinh thần của Phụng rất tốt, tôi cũng cố vũ nhiệt tình cho nó. Nó đấu hết mình, vào gặp Iran thì nó đuối quá rối, tôi thấy thể lực của nó đã yếu đi", ông Nguyễn Văn Công nói.

Trước niềm sung sướng cho thành tích của con, ông trải qua hai khoảnh khắc mà tự ông nhận là "xót ruột vô cùng". Đầu tiên là việc Minh Phụng bị đấm chảy máu mặt ở trận tứ kết với đối thủ Jordan và khoảnh khắc anh suýt bị Sajad của Iran đánh gục ở trận chung kết.

"Tôi có la lên Phụng ơi cố gặng dậy. Phụng ơi, cố gắng lên con", ông Công nhớ lại.

Nguyễn Minh Phụng: Từ cậu bé ham chơi game đến HCB Karate ASIAD 2018 - Ảnh 2.

Khoảnh khắc Minh Phụng gượng dậy sau khi dính đòn mạnh của Sajad bên phía Iran. Ảnh: Trung Thu.

Nguyễn Minh Phụng: Từ cậu bé ham chơi game đến HCB Karate ASIAD 2018 - Ảnh 3.

Các đồng đội cổ vũ cho Phụng trên khán đài với những vẻ mặt âu lo. Ảnh: Trung Thu.

Không chỉ có ông Công, đồng đội của Phụng trên khán đài cũng rớt nước mắt khi thấy Phụng bất động trong khoảnh khắc. Sau khi nhận tấm HCB quý giá, Phụng còn trở thành tâm điểm chú ý của những CĐV bản địa. "Anh ấy thật ngầu, anh ấy bị đấm gục rồi mà vẫn có thể đứng dậy được", một nữ CĐV Indonesia chia sẻ.

Hình ảnh ấy của Nguyễn Minh Phụng có lẽ là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất của thể thao Việt Nam tại Á vận hội năm nay. Như tên của anh, Phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn là có thật.

Nguyễn Minh Phụng và khoảnh khắc cảm động với mẹ tại ASIAD 2018. Video: Quyết Thắng.

Cậu bé ham chơi game và trận đòn của thầy

Vượt một chặng đường xa xôi đến cổ vũ cho Nguyễn Minh Phụng không chỉ có thân phụ Nguyễn Văn Công, ông Đoàn Quốc Tuấn, người thầy đầu tiên của anh cũng đã có mặt tại Jakarta Convention Center để chứng kiến cậu học trò nhỏ ngày nào đoạt thành tích cao về cho đất nước.

Minh Phụng bắt đầu tập Karate từ năm 7 tuổi. Ngày ấy, bố anh, ông Công nghĩ rằng: "Nó có khiếu nên tôi cho nó theo lớp năng khiếu" và "gia đình lúc đó cũng khó khăn, tôi cho nó đi học để được Nhà nước hỗ trợ ít tiền".

Lớp năng khiếu Bình Dương khi ấy không biết rằng họ vừa được tiếp nhận nhà vô địch SEA Games và Á quân ASIAD sau này. Thầy Đoàn Quốc Tuấn kể lại: "Tôi dạy Phụng đầu tiên từ những năm 7, 8 tuôi. Năm 17 tuổi được đi tập trung đội tuyển quốc gia".

"Phụng ngày xưa học bóng đá trước sau đó mới đam mê Karate. Vào tập luyện được mấy tháng, tôi phát hiện ra Phụng có tiềm năng và đưa vào lớp năng khiếu ngay từ bé. Giờ lần nào đi cổ vũ cũng rủ bố Phụng đi cùng để tiếp sức cho cháu".

Nguyễn Minh Phụng: Từ cậu bé ham chơi game đến HCB Karate ASIAD 2018 - Ảnh 6.

Thầy Tuấn (phải) và ông Nguyễn Văn Công (bố Nguyễn Minh Phụng) đến Indonesia cổ vũ cho con trai. Ảnh: Trung Thu.

Chung vui cùng người học trò, thầy Tuấn đợi mãi mới cùng ông Công chụp hình chung được với Minh Phụng. Ông phải đợi hết báo chí phỏng vấn đến CĐV xin chụp chung cùng võ sĩ 27 tuổi.

Thế rồi, ông kể lại về ngày nhỏ của Phụng với những kỷ niệm khó quên, những kỷ niệm giúp Phụng từ một cậu bé ham chơi game có được thành công như ngày hôm nay.

"Có 2 kỷ niệm làm tôi nhớ mãi", thầy Tuấn nói. "Hồi Phụng mới vào lớp năng khiếu, bắt đầu tập cùng các anh lớn. Ngày ấy, 15 tuổi mới được thi đấu giải trẻ cơ. Phụng tập mãi chưa được thi đấu, các anh thì đi hết nên bố Phụng giận lắm, nói với tôi "nếu thầy không cho thi đấu thì tôi không cho cháu tập nữa". Tôi nói "không phải, thi đấu cấm VĐV dưới 15 tuổi. Tôi năn nỉ mãi bảo anh cứ yên tâm, cháu nó đủ 15 tuổi chắc chắn sẽ có huy chương". Thế rồi, nó có thật".

"Còn một chuyện nữa là hồi đi tập về xong ham chơi, Phụng đi chơi điện tử không báo về gia đình. Ngày xưa không có điện thoại liên lạc như bây giờ. Tôi lúc ấy thì đang ở TPHCM mà bố nó gọi điện là chạy về tìm. Hôm đó giận lắm, tôi đánh nó luôn", thầy Đoàn Quốc Tuấn kể lại.

Từ một cậu bé ham chơi, Minh Phụng đang dần giành được những thành tích cao tại khu vực và châu lục ở tuổi 26, 27. Giờ đâu, anh trở thành niềm hy vọng của Kumite Việt Nam tại SEA Games 30 và xa hơn là Olympic Tokyo 2020, nơi Karate chính thức được đưa vào nội dung thi đấu của Thế vận hội mùa hè.

Nguyễn Minh Phụng: Từ cậu bé ham chơi game đến HCB Karate ASIAD 2018 - Ảnh 7.

Minh Phụng được rất nhiều CĐV Indonesia khâm phục sau trận chung kết với Sajad chiều 25/8. Ảnh: Trung Thu.

Với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của võ thuật – vốn từ lâu đã được xem là "mỏ vàng" của thể thao nước nhà tại các giải đấu lớn, Webthethao.vn quyết định tặng thưởng cho tất cả các võ sĩ Việt Nam giành huy chương tại ASIAD 18.

Số tiền thưởng có thể không lớn (10-20-30 triệu đồng tương ứng với HCĐ, HCB và HCV) nhưng đó cũng là một sự khích lệ kịp thời, ý nghĩa dành cho các VĐV đã mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm