ASIAD 2002 chính là kỳ Á vận hội thành công nhất khi đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc giành tới 4 HCV (2 của karatedo, 1 của billiards&snooker, 1 thể hình). Đây là một bước đột phá ngoạn mục cả về mặt thành tích đỉnh cao lẫn nền tảng phát triển.
Trước đó, Việt Nam mới chỉ có 2 HCV chia đều cho hai kỳ Đại hội 1994 và 1998, đều ở môn taekwondo. Chính cột mốc 4 HCV ASIAD 2002 ấy đã thay đổi cách tiếp cận, sự chuẩn bị cũng như xác lập mục tiêu dự tranh ASIAD của ngành thể thao.
Trên thực tế, thành tích của thể thao Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể qua các kỳ Đại hội, cả số lượng huy chương và số môn giành được huy chương. Đến nay, số huy chương Việt Nam giành được đã vượt qua mốc 30, với đỉnh cao là ASIAD 2018 với 39 tấm. Số môn thành công cũng đã khoảng 15 môn, trong đó có nhiều môn Olympic cơ bản và khó như điền kinh, bơi, đấu kiếm, rowing, boxing.
Tuy nhiên, việc tạo đột biến hay đơn giản là hoàn thành chỉ tiêu HCV ASIAD vẫn luôn là một bài toán quá nan giản với thể thao Việt Nam.
Trong 4 kỳ Đại hội trở lại đây, duy nhất một lần Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Đó chính là ASIAD 2018, đoàn quân tranh tài trên đất Indonesia đã đặt ra chỉ tiêu 3-5 HCV, rồi đoạt được 5 HCV. Cùng đó, Việt Nam còn giành được số huy chương kỷ lục với 39 chiếc (5 HCV, 15 HCB, 19 HCĐ).
Cũng cần phải nhắc đến thuận lợi lớn trong chiến tích 5 HCV, với 2 lần đăng quang ở môn pencak silat lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu và chân chạy Quách Thị Lan được đôn lên nhận Vàng vì đối thủ bị phát hiện dương tính với chất bị cấm.
3 kỳ ASIAD còn lại, Việt Nam đều hụt chỉ tiêu, thậm chí có 2 kỳ chỉ có 1 HCV. Cụ thể:
ASIAD 2006, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu 5-7 HCV, kết quả giành 3 HCV.
ASIAD 2010, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu 4-6 HCV nhưng chỉ giành 1 HCV.
ASIAD 2014, thể thao Việt Nam tiếp tục chỉ giành 1 HCV, cho chỉ tiêu 2-3 HCV.
Điều đáng nói, tổng số huy chương, kể cả HCB của thể thao Việt Nam đã tăng vọt song để chuyển hóa được thành Vàng lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Đơn cử, ASIAD 2010, Việt Nam chỉ có 1 HCV nhưng có tới 17 HCB. Hay ASIAD 2014, 1 HCV và 10 HCB.
Nhìn vào hành trình tranh chấp HCV quá gian khó, thậm chí thất bại ở 4 kỳ Đại hội mới hiểu rõ vì sao đoàn thể thao Việt Nam lại đưa ra một đích nhắm 2-5 HCV có “biên độ” rộng dài như vậy ở ASIAD 2023.
Theo đánh giá của chuyên gia Lâm Quang Thành (Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tại ASIAD 2014), thì Việt Nam đã có không ít nội dung, tuyển thủ tiệm cận với trình độ hàng đầu châu lục song chưa có những ứng viên giành HCV thực sự. Gần như tất cả các niềm hi vọng Vàng đều không vượt quá mức 50% để có thể đăng quang.