Thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đã có 3 tấm HCV của cầu mây, karate và bắn súng. Số HCV khó thay đổi khi Việt Nam đã hết VĐV tranh tài. Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cho rằng: "Chúng ta đã đạt được trên 50% chỉ tiêu mức tối đa là 5 HCV còn vượt chỉ tiêu tối thiểu 2 HCV. Còn về vấn đề chuyên môn, thực sự chúng ta rất tiếc nuối".
Ông Việt chỉ ra bốn trường hợp tiếc nuối nhất là VĐV xe đạp Nguyễn Thị Thật, võ sĩ boxing Nguyễn Thị Tâm. Cả hai thi đấu không thành công vì gặp chấn thương. Ngoài ra, Hà Minh Thành ở môn bắn súng cũng không đáp ứng kỳ vọng dù trong quá trình thi đấu, tập luyện rất ổn định. Cờ tướng rất kỳ vọng hỗn hợp nhưng trận chung kết không thể hiện tốt bản lĩnh.
Với ba tấm HCV, 5HCB và 17 HCĐ, thể thao Việt Nam chắc chắn xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á ở kỳ Á vận hội này; sau Thái Lan (12HCV), Indonesia (7HCV), Malaysia (5HCV), Philippines (4HCV), Singapore (3HCV, 6HCB). Trước đó, Việt Nam dẫn đầu ở hai kỳ SEA Games liên tiếp vào các năm 2022 và 2023.
Trưởng đoàn Đặng Hà Việt thừa nhận: "Đáng giá tổng thể sự phát triển so với SEA Games 31, 32, đến hiện tại, thành tích ASIAD của chúng ta còn hạn chế so với khu vực. Đây là điều dự báo trước nên đặt mục tiêu từ 2-5 HCV vì nhiều nội dung yêu cầu cao, liên quan đến bốc thăm và bản lĩnh của VĐV".
Ông Việt phân tích: "Trong vấn đề phát triển thể thao đỉnh cao, không thể một sớm một chiều có ngay nhà vô địch mà cần cả một hệ thống rất bài bản. Hệ thống đó cần phân định các môn trọng điểm Olympic. Những môn này phải có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh thành, thi đấu từ cấp tiểu học trở lên. Hiện tại, cầu mây chỉ có một nhóm nhỏ, một số nơi đầu tư, không có hệ thống từ Trường THCS trở lên phát triển môn này.
Chúng ta chỉ có các chuyên gia, thường xuyên tập huấn, thi đấu. Thực sự các em đó không phải là những người tài năng nhất. Công tác tuyển chọn là "đãi cát tìm vàng” và cần diễn ra ở 63 tỉnh thành, ở mọi cấp độ trường học".
Theo trưởng đoàn Đặng Hà Việt, ASIAD, Olympic là đỉnh cao của thể thao châu lục và thế giới. Để đạt thành tích đó, những nhà lý luận thống kê thế giới đúc kết, thành tích thể thao chính là sự cạnh tranh của các nền kinh tế lớn thế giới.
Ông cho rằng: "Nền kinh tế lớn giải quyết bài toán về đầu tư, nhà tài trợ,... Để đạt thành tích, ngành thể thao cần nhiều quan tâm từ nhà nước, sự phát triển mạnh từ kinh tế thể thao. Các doanh nghiệp phối hợp cùng cơ quan nhà nước để đầu tư trọng điểm cho thể thao".
Liên quan đến lùm xùm HLV trẻ bóng bàn quốc gia ăn chặn "tiền ăn, tiền sinh hoạt” của VĐV, ông Việt cho hay: "Dòng tiền cung cấp VĐV vẫn có vấn đề. Đối với ngành thể thao, công tác đó cần chú trọng, đặc biệt là về dinh dưỡng ở các trung tâm thể thao QG. Công tác chi cho các hoạt động, tiền lương, tiền ăn cho VĐV, đối với các trung tâm cần có công tác kiểm soát, kiểm tra cụ thể.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn kẻ hở. Do điều kiện cơ sở vật chất không đầy đủ, nhiều đội tập bên ngoài. Khi ở bên ngoài, kẻ hở xuất hiện trong công tác quản lý, Đó là bài học cần quan tâm hơn. Nhìn về tổng thể, để đạt thành tích ở SEA Games cũng như ASIAD, chúng ta không thể phủ nhận công tác quản lý và các nguồn tiền từ trung ương, địa phương, xã hội hóa đã giúp thể thao Việt Nam đạt thành tích như vậy.
Ngoài bóng bàn, tôi không thể dám chắc còn hay không nhưng đây là bài học lớn, sắp tới rà soát tất cả để không xảy ra. Tôi nghĩ, đây là việc cảnh tỉnh cho những người thiếu sự quan tâm, động viên cũng như chủ yếu quan tâm lợi ích cá nhân, bỏ qua cuộc sống của các em".