Ở các kỳ Á vận hội trước, dù chỉ tiêu HCV của đoàn thể thao Việt Nam có thể có số lượng khác nhau song chưa bao giờ vượt qua con số 7, với “biên độ” chặt không quá 2.
Như ASIAD 2010, chỉ tiêu là 4-6 HCV, ASIAD 2014 là 2-3 HCV, ASIAD 2018 là 3-5 HCV. Thế nhưng, đến ASIAD 2023, thể thao Việt Nam đã đặt ra một chỉ tiêu 2-5 HCV có “biên độ” rộng dài chưa từng có, với khoảng cách lên tới 3 tấm HCV.
Theo Trưởng đoàn Đặng Hà Việt, nếu xét một cách cơ học, chỉ tiêu 2-5 HCV có thể có “biên độ lớn”, song xét trên thực tế ASIAD 19 lại hoàn toàn hợp lý, đã được tính toán cân nhắc kỹ lưỡng.
Dù đã vươn lên thành một thế lực ở Đông Nam Á với những bước tiến quan trọng đặc biệt là dẫn dầu 2 kỳ SEA Games gần nhất, nhưng rõ ràng thể thao Việt Nam vẫn còn khoảng cách với “đỉnh” châu lục - ASIAD - cả về nguồn lực, cách thức đầu tư, trình độ, khả năng tranh chấp thành tích, nhất là HCV.
"Chúng ta đã đủ năng lực để tiếp cận, giành huy chương ở nhiều môn, nhưng để chinh phục những tấm HCV lại hoàn toàn khác. Ngay cả một số nội dung, tuyển thủ đã đạt tới tầm mức hàng đầu châu lục, được kỳ vọng đua tranh sòng phẳng HCV, cơ hội so với các đối thủ, cũng mới chỉ ở mức 50-50 hay 60-40.
Để có thể đoạt HCV ở đấu trường khắc nghiệt như ASIAD, những niềm hi vọng Vàng của thể thao Việt Nam, ngoài việc phát huy cao nhất tài năng, phong độ, bản lĩnh, còn phải tận dụng được cao nhất mọi thời cơ, và cả may mắn. Bởi thế, quá khó để có thể khẳng định được chắc chắn về nội dung hay tuyển thủ nào sẽ có HCV”, ông Việt cho biết.
Khẳng định đoàn thể thao Việt Nam sẽ phấn đấu để hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đặt ra, trưởng đoàn Đặng Hà Việt cũng dự báo, bên cạnh các nội dung, tuyển thủ (ở 7 môn nhóm 1) đã được giao trọng trách, sẽ có thể có một số nhân tố bất ngờ tạo đột biến tại Đại hội, chủ yếu ở một số môn võ.