Ăn lúa nước mà chơi tốt bóng đá, chỉ có... người Việt Nam

Song An
thứ hai 21-1-2019 2:23:00 +07:00 0 bình luận
Từ góc độ phát triển chiều cao mà nói, ăn lúa nước là một bất lợi so với ăn lúa mì. Và trong bóng đá thì thể hình hạn chế là một thiệt thòi lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà các đội bóng Đông Nam Á thường không có thành tích tốt ở tầm châu lục. Nhưng chuyện gì cũng có những ngoại lệ…

Vào vòng 8 đội mạnh nhất châu lục luôn là một điều tuyệt vời. Còn tuyệt vời hơn khi chúng ta đánh bại Jordan một cách sòng phẳng, trong thế trận trên cơ bất chấp những thua thiệt về tầm vóc (theo nghĩa đen). 

Tại vòng chung kết Asian Cup lần này, một trong những điểm yếu rõ ràng nhất của đội tuyển Việt Nam là thể hình. Chiều cao trung bình của chúng ta chỉ là 1m75, thấp nhất trong số các đội tham dự VCK và trong số những cầu thủ thường xuyên đá chính thì chỉ có 3 người cao từ 1m80 trở nên là thủ môn Văn Lâm cùng hai hậu vệ Văn Hậu, Duy Mạnh. Để so sánh, chiều cao trung bình của Iran là 1m84, còn của Iraq và Jordan đều là 1m80. 

Chiều cao hạn chế đã gây ra nhiều hệ lụy cho đoàn quân dưới quyền HLV Park Hang-seo. Từ đầu giải đến giờ, người ta đã tốn rất nhiều giấy mực để phân tích về vị trí đứng của Văn Lâm trong những tình huống Việt Nam để thủng lưới từ phạt trực tiếp, nhưng cũng cần phải thấy rằng những cầu thủ làm rào chắn bên phía Việt Nam không đủ cao.

Những cú đá của Ali Adnan (Iraq) hay Baha Abdel-Rahman (Jordan) đúng là rất hoàn hảo, tuy nhiên nếu hàng rào của Việt Nam cao hơn một chút thì có thể hai chân sút phạt kia đã phải lựa chọn phương án dứt điểm khó hơn và chưa chắc đã ghi được bàn.

Ngoài ra, thể hình khiêm tốn cũng khiến các cầu thủ Việt Nam ít nhiều gặp bất lợi trong những tình huống va chạm trực tiếp cũng như các pha tranh bóng tầm cao. Trong cả hai trận gặp Iran và Iraq, chúng ta đều để thủng lưới sau những tình huống đội bạn treo bóng bổng và đều mất rất nhiều sức trong những pha tranh chấp tay đôi, để rồi gần như đi bộ trong khoảng 20 phút cuối trận.

Ăn lúa nước mà chơi tốt bóng đá, chỉ có... người Việt Nam

Chiều cao hạn chế khiến cầu thủ Việt Nam gặp bất lợi lớn khi không chiến

Trong bóng đá, “thấp bé, nhẹ cân” vẫn luôn là một bất lợi. Trừ khi bạn là... Lionel Messi.

Tuy nhiên HLV Park Hang-seo và các cộng sự cũng không có nhiều sự lựa chọn, bởi chiều cao trung bình của người Việt Nam là tương đối thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì từ năm 1993 đến nay chiều cao của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm khoảng 3 cm, hiện là 1m64 ở nam và 1m53 ở nữ.

Nói cách khác, chúng ta đã phải chọn lựa rất kỹ lưỡng để tìm ra các tuyển thủ quốc gia có chiều cao tốt hơn rất nhiều so với mức trung bình và để hạn chế bớt sự thua thiệt về thể hình, thể lực của ĐTQG. Giải pháp lâu dài là phải gia tăng tầm vóc của người Việt Nam. Nhưng đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Năm 2016, giáo sư Pavel Grasgruber và các cộng sự thuộc khoa Khoa học thể thao, Đại học Masaryk, CH Czech đã xuất bản một công trình nghiên cứu về tác động của các loại lương thực, thực phẩm đến chiều cao. Sau khi thu thập số liệu về chiều cao trung bình và chế độ dinh dưỡng tại 105 quốc gia thuộc 4 châu lục, nhóm tác giả kết luận rằng, giả sử các yếu tố khác không thay đổi, những nhóm dân cư sử dụng gạo như là thực phẩm chính sẽ có chiều cao thấp hơn đáng kể so với những nhóm dân cư ăn nhiều lúa mì.

Ăn lúa nước mà chơi tốt bóng đá, chỉ có... người Việt Nam

ĐT Việt Nam nằm trong số những đội tuyển có chiều cao khiêm tốn nhất thế giới

Dẫn chứng là dân Đông Nam Á - những người sống dựa vào nền văn minh lúa nước - có chiều cao trung bình thuộc hàng thấp nhất thế giới (Lào 1m63, Campuchia 1m62, Malaysia 1m68, Indonesia 1m63, Philippines 1m64, Thái Lan 1m67).

Đi lên phía Bắc (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc..) hoặc sang phía Tây (Iran, Uzbekistan…) - những nơi sử dụng nhiều lúa mì - thì chiều cao trung bình sẽ tăng lên đáng kể, phổ biến từ 1m72-1m74. Ngay trong một nước Trung Quốc thì dân miền Bắc trồng lúa mì cũng cao hơn dân miền Nam trồng lúa nước.

Tất nhiên chiều cao còn phụ thuộc vào chế độ y tế, môi trường sống, mức độ tập luyện thể thao… hay tựu trung lại là chất lượng sống, nhưng dinh dưỡng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nên nhớ rằng Singapore hay Hong Kong, những quốc gia/vùng lãnh thổ có chất lượng sống cực cao (GDP bình quân đầu người lần lượt là 57.000 và 46.000 USD/năm) cũng chỉ đạt chiều cao trung bình là 1m71 mà thôi, thấp hơn khá nhiều so với những nước thuộc loại nghèo ở châu Âu như Georgia (GDP bình quân đầu người 4.000 USD, chiều cao trung bình 1m76) hay Moldova (2.300 USD, 1m75). Lý do? Một bên ăn lúa nước, bên kia ăn lúa mì.

Về cơ bản, những quốc gia thuộc nền văn minh lúa nước sẽ có trình độ bóng đá kém hơn những nước thuộc nền văn minh lúa mì (vì chiều cao khiêm tốn hơn). Nhưng bóng đá nói riêng và xã hội nói chung không phải là toán học, và thắng bại trên sân cỏ đôi khi được quyết định bằng tinh thần và ý chí chiến đấu chứ không phải bằng vài cm chiều cao.

Như trường hợp của Việt Nam chẳng hạn…

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm