Trong giờ giải lao trận Iran gặp Việt Nam, tôi ngồi đọc bài phỏng vấn tỷ phú Phạm Nhật Vượng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Câu hỏi là nếu như một doanh nghiệp Việt bắt đầu từ số 0 và hơn hai chục năm sau trở thành một người dẫn đầu trong nền kinh tế và bước đầu đạt được mục tiêu “để thế giới biết đến Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp” thì bóng đá Việt cần làm gì để thế giới biết được một đội tuyển Việt Nam đẳng cấp ở tầm Châu lục và thế giới?
Bóng đá, suy cho cùng cũng không cần phải học ở đâu xa, cứ học ở con người Việt, trí tuệ Việt, bản lĩnh Việt từ những con người thực, những bài học cụ thể được nghe, được đọc hàng ngày.
Trận đấu với Iran,chúng ta thua 0-2, tôi thấy đa phần trên mạng cho rằng đó là trận thua chấp nhận được, bởi Iran là đội bóng có đẳng cấp cao hơn, đó là trận đấu mà chúng ta đã cố gắng hết sức.
Suy nghĩ đó đúng nhưng tôi cho rằng nếu chỉ dừng lại ở đó, nghĩa là chúng ta tự đặt cho mình cái ngưỡng để hài lòng, rất AQ, kiểu “như thế là tốt rồi, cố gắng lắm rồi”. Nếu vị tỉ phú kia có suy nghĩ đến vậy thì có lẽ tôi cho rằng ông đã không định làm ô tô, điện thoại thương hiệu Việt bởi làm sao chúng ta vươn lên đẳng cấp của Huyndai, Toyota, Samsung, Apple? Suy nghĩ của người làm kinh doanh khác. Ông Vượng nói: “Bây giờ mục tiêu là phải có được một thương hiệu công nghiệp tốt. Hyundai làm được, Toyota làm được, tại sao Việt Nam mình không làm được? Mỹ có Microsoft, có Apple… tại sao mình không có được? Cứ cho là mình không phải là số 1 nhưng bét ra cũng vào top 5, top 10 đi. Những cái đó sẽ mang lại thương hiệu cho đất nước mình. Tóm lại, tôi muốn làm sao để đất nước mình được người ta biết đến ở khía cạnh trí tuệ, đẳng cấp”.
Thế thì, cũng như bóng đá, nếu xa thì có Croatia chỉ có diện tích bằng 1/6 diện tích Việt Nam, dân số chỉ hơn 4 triệu người, tức là chưa được 1/20 dân số Việt Nam tại sao lại lọt vào tới Chung kết World Cup? Gần thì Iran, dân số tương đương Việt Nam trở thành đất nước bóng đá hàng đầu châu lục mà chúng ta nghĩ rằng phải ngẩng đầu lên mới thấy và thua 0-2 là “chấp nhận được”.
Để có được thành quả, phải lấy thất bại làm đòn bẩy và đừng bao giờ xem nhẹ thất bại. Trong bài phỏng vấn kia, ông Phạm Nhật Vượng cũng nói về thất bại: “Hồi ấy buôn áo gió là đỉnh điểm, ban đầu kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng cuối cùng cũng lại mất sạch. Phá sản luôn ấy. Vì khi thị trường đi xuống mình phản ứng không đúng và không kịp. Sinh viên đã có kinh nghiệm gì đâu nên mới bị phá sản. Khi rời Matxcơva đi xuống Kharkov vẫn còn nợ 40.000 USD”. Để rồi rút ra những bài học từ thất bại là: “Mình nhạy hơn với thị trường. Mình "ăn đòn" nhiều nên khôn hơn”.
Vâng, “ăn đòn” nhiều nên khôn hơn. Vậy có gì phải e ngại khi chúng ta “ăn đòn” từ Iraq, Iran?
Nhưng để từ Từ tốt đến vĩ đại - tên một cuốn sách nổi tiếng của Jim Collins mà ông Vượng nhắc tới thì phải nói tới cách làm. Hay tạo ra một thứ văn hóa gói gọn trong 6 chữ: yêu nước- kỷ luật- văn minh.
Vậy bóng đá chúng ta có gì?
Yêu nước thì rõ rồi, đó là thứ vũ khí tinh thần vì màu cờ sắc áo mà các tuyển thủ đã thể hiện mà biểu hiện rõ nhất là hình ảnh được chọn vào Top 5 của giải thưởng “Cup Chiến thắng” do Webthethao tổ chức là cầu thủ Việt cắm lá cờ đỏ sao vàng trên tuyết trắng Thường Châu- Trung Quốc hồi đầu năm 2018 cũng như lòng dân đang hướng về một phía khi đội tuyển chiến thắng.
Kỷ luật thì chúng ta cũng đã có: một đội tuyển thi đấu đúng với đấu pháp của HLV, bản lĩnh trước những đội bóng lớn, đoàn kết và đặc biệt không có một vết gợn nghi ngờ nào là điều chúng ta đang có.
Và văn minh. Văn minh chính là việc chúng ta đón nhận thất bại như một vế của cuộc chơi, biết rút ra kinh nghiệm, bài học để tốt hơn.
Tất nhiên, bóng đá cũng có những khía cạnh giống và khác với kinh doanh. Nó cũng cần cơ chế để phát triển, cần nguồn vốn để đầu tư và cần những người đứng đầu dám làm, dám chịu và thể hiện đúng vai trò là người dẫn dắt với một ý chí và nền tảng xuyên suốt thấm đẫm tinh thần yêu nước- kỷ luật- văn minh.
Hiển nhiên, sau những thất bại đầu tiên, có những người nhụt chí và cho rằng bóng đá Việt chỉ có thể làm vương làm tướng ở ao làng Đông Nam Á với SEA Games, AFF Cup hay những giải trẻ. Xin thưa, đó chỉ là thứ tư duy thằng Bờm với nắm xôi cũng đủ để nói cười. Thỏa mãn cái trước mắt, thiếu khát vọng không bao giờ giúp chúng ta chiến thắng dù đó là đội bóng đá, một tập đoàn kinh tế hay lớn lao hơn, đó là dân tộc.
Phá bỏ những tư duy lối mòn, nông cạn, thích hưởng thụ những thành quả nhỏ là việc cần làm. Có khát vọng và biết biến khát vọng thành hiện thực là điều cần làm và làm thường xuyên.
Chúng ta có thể khiến thế giới biết đến bóng đá Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp hay không? Tôi khẳng định là việc ấy sẽ đến, sẽ làm được nếu chúng ta hành động.