Đội tuyển Việt Nam & câu hỏi: “Dân tộc ta nhỏ hay không nhỏ?”

Song An
thứ sáu 25-1-2019 0:30:00 +07:00 0 bình luận
Sau trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Nhật Bản, tôi cố tìm một lý do thuyết phục nhất để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao các cầu thủ của ông Park Hang-seo lại có thể chơi hay, chơi tốt đến như thế trước một đối thủ như Nhật Bản?”. Thật khó để nhận được câu trả lời xác đáng nhưng đọng lại hai từ “quả cảm”.

5 phút sau khi trận đấu kết thúc, tôi seach nhanh trên google thì có đến hàng trăm tít báo dùng cụm từ “ngẩng cao đầu rời giải” cho đội tuyển Việt Nam. Vâng, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin ngẩng cao đầu như thể vừa hoàn thành một sứ mệnh bất khả thi.

Bởi rõ ràng trong 8 đội vào tứ kết thì Việt Nam bị đánh giá yếu nhất, chính báo chí Nhật Bản cũng thừa nhận như vậy nhưng 90 phút, các ngôi sao Nhật Bản đã thực sự mướt mồ hôi. Có cảm giác Nhật Bản gặp Việt Nam vất vả và khó khăn hơn cả khi họ đối đầu với đối thủ cực mạnh là Saudi Arabia ở vòng 1/8.

Lý giải cho sự kiên cường của các cầu thủ Việt Nam, có thể thấy ngay: đó là tâm lý thoải mái, không có gì để mất; đó là một thế trận khôn ngoan của ông Park Hang-seo khi chủ động phòng ngự một cách tích cực với hai lớp, tận dụng những cầu thủ khéo léo như Quang Hải, Công Phượng để tại ra những đột biến.

Rất dễ nhận ra Trọng Hoàng không băng lên quá nhiều như những trận đấu trước. Khi phong tỏa được hai biên, cộng với sực chắc chắn vốn có của các trung vệ thì đường vào khung thành của thủ môn Đặng Văn Lâm đã khóa chặt. Với những tình huống đối thủ có thể tiếp cận, chính thủ môn này lại đóng vai người hùng khi cứu được những bàn thua tưởng chừng như chắc chắn.

Đội tuyển Việt Nam & câu hỏi: “Dân tộc ta nhỏ hay không nhỏ?”

Đã lâu lắm rồi, hay nói một cách chính xác thì đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có một thế hệ bản lĩnh đến vậy. Ở những trận đấu bị dẫn bàn, thầy trò ông Park Hang-seo vẫn kỷ luật, giữ vững cự ly đội hình, kiên nhẫn chờ cơ hội. Không một phút nào họ sợ hãi. Thậm chí khi cần, những cầu thủ Việt Nam còn dám tấn công mãnh liệt, sắc sảo trước đối thủ có đẳng cấp hơn mình.

Có rất nhiều từ giá như: giá như Công Phượng xử lý khéo hơn, giá như Quang Hải không sút trúng thủ môn Nhật Bản, giá như công nghệ VAR chỉ được sử dụng trong tình huống đầu tiên.

“Anh không buồn mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say”. Đó chính là cảm giác của hầu hết những người yêu bóng đá Việt Nam.

Tôi không có thói quen cường điệu hóa chiến thắng của một trận bóng đá, kiểu như tương đồng sức mạnh của một đội tuyển với sức mạnh của một quốc gia nhưng tôi đồng cảm với một nhà báo thể thao khi anh đặt ngay vấn đề sau trận thua: “Dân tộc ta nhỏ hay không nhỏ?” - ý nói cho dù vị trí địa lý, diện tích thực tế của Việt Nam có nhỏ bé nhưng sức mạnh từ lòng quả cảm, từ nội lực của con người Việt, khi cần phải phát huy thì cũng có thể làm cho những nước lớn phải e ngại, thậm chí e sợ.

Bây giờ, sau một năm thành công của bóng đá Việt Nam có thể khẳng định ngay: đội tuyển Việt Nam không còn là một đội tuyển nhỏ, không còn là đội bóng lót đường và không còn là đội bóng mà đối thủ dễ dàng xem thường.

Bóng đá Việt Nam đã đi trên con đường lớn, đàng hoàng và đã có thể nghĩ đến mục tiêu xa hơn, nhưng vẫn thực tế như World Cup chẳng hạn. Thế nhưng, cũng đã đến lúc chúng ta phải có những đối xử, đầu tư và tư duy phù hợp với đẳng cấp của một đội bóng lớn.

Các em sẽ vẫn được chào đón như những người hùng với những giá trị, ý nghĩa mà đội tuyển Việt Nam mang lại đã vượt qua cả tầm vóc của một trận bóng đá, một giải bóng đá. Nó tạo ra động lực, niềm tin và tâm thế mới cho mỗi người Việt Nam khi đứng trước những vấn đề khó.

Thua trận đấu nhưng tuyển Việt Nam đã thắng cả giải đấu. Cảm ơn thầy trò Park Hang-seo.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm