Thật ra là phần lớn chúng ta mới là những kẻ trở mặt một cách nhanh chóng. Ở tình huống đầu, khi bàn thắng của đội trưởng Nhật Bản không được công nhận thì VAR là anh hùng. Nhưng ở tình huống sau, công nghệ VAR trợ giúp trọng tài nhận định tuyển Việt Nam phải chịu quả penalty thì công nghệ VAR lập tức bị vứt vào sọt rác, bị phỉ nhổ cho dù cả hai tình huống ấy trọng tài đúng và công nghệ VAR - tất nhiên - cũng rất chính xác.
Gọi là công nghệ nhưng nó lại là câu chuyện cũ như bóng đá. Đơn giản chỉ là dùng thiết bị điện tử xác định lại những tình huống gây tranh cãi ngoài tầm quan sát của trọng tài. Cũng chẳng khác gì thiết bị “mắt diều hâu” trong môn quần vợt đã dùng từ rất lâu. Công nghệ vốn chỉ đưa ra những quyết định không phụ thuộc vào cảm giác. Nó không có yêu - ghét mà chỉ có đúng và sai, thế thôi.
Hồi World Cup diễn ra, tôi đã từng viết về công nghệ VAR như sau: "Nếu không có công nghệ VAR với cử chỉ ra dấu hình vuông của ông trọng tài, thì có lẽ lịch sử bóng đá đã thay đổi".
Giả dụ, trong trận chung kết World Cup 2018, ông trọng tài không ngần ngừ, không nghiêng tai lắng nghe và chạy lại cái màn hình bé xíu và quyết định một quả penalty cho đội tuyển Pháp thì số phận trận đấu có thể đã chuyển sang hướng khác.
Rõ ràng đó là quyết định mà lâu nay người ta vẫn gọi là "bẻ còi" nhưng được chấp nhận bởi công nghệ mới. Công nghệ vốn sinh ra để thay đổi cuộc sống như sự mệnh lớn lao nhất của nó.
Song, chúng ta đang ở thời đại mà bao nhiêu thứ ảo được đưa vào mạng xã hội thì ở cuộc đời thật, yêu cầu minh bạch và rạch ròi ngày càng phải cao. Bất chấp những phản đối, công nghệ VAR mang lại sự công bằng với những quyết định lạnh lùng đến chết người của nó.
Công bằng chính là một yêu cầu bắt buộc của thể thao. Hơn thế nữa, chính sự xuất hiện của công nghệ có tính chất điều chỉnh hành vi những người tham dự. Thậm chí, ở mức cao hơn, nó còn là chuẩn mực của đạo đức.
Vậy thì trở lại câu hỏi: công nghệ VAR có phải là một công cụ tội lỗi? Tất nhiên là không. Tôi nhớ đến một định nghĩa về phóng viên thể thao: đó là những người Chủ nhật dự đoán chắc chắn một đội sẽ thắng để rồi vào ngày thứ Hai đưa ra những minh chứng hùng hồn vì sao đội đó thua.
Chúng ta cần VAR trong chính những nhận định của mình và thực sự nó là công nghệ của cuộc sống. Cũng như trước đây tôi từng ví chuyện chấm điểm lại ở rất nhiều địa phương gian dối trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH chính là một loại công nghệ VAR. Một tòa án xét xử - như xét xử một bác sĩ thì cũng cần một thứ công nghệ VAR nào đó để tòa án ra được những phán quyết chính xác nhất, đúng người đúng tội nhất.
Công nghệ VAR chỉ thực sự không cần thiết nếu thế giới chúng ta sống trong một thế giới có sự trung thực tuyệt đối. Chẳng hạn như đội trưởng Maya Yoshida thay vì ăn mừng chạy lại trọng tài xác nhận đã chạm tay vào bóng. Chẳng hạn như Bùi Tiến Dũng thừa nhận với trọng tài mình đã phạm lỗi với Ritsu Doan. Tất nhiên là không thể có chuyện đó đúng không?
Bởi thế, cần chấp nhận thất bại một cách văn minh thay vì đổ thừa cho công nghệ.