Câu chuyện cổ tích của đội tuyển Iceland tại EURO 2016 không chỉ khiến hơn 300.000 người dân nước này trở thành những người hạnh phúc nhất thế giới.
Nghịch lý là, tâm lý hưng phấn của người dân quốc gia nhỏ bé này lại đang có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Điều tra của tờ Fréttir (Iceland) cho biết, các doanh nghiệp trong nước đã phải làm việc hết công suất để phục vụ nhu cầu của hàng trăm nghìn người yêu bóng đá nước này trong dịp EURO 2016.
Theo đó, người dân Iceland có thể đặt hàng mọi thứ, từ một chiếc bánh pizza cho đến một chiếc tủ lạnh đặc biệt có thể tích trữ đồ ăn trong cả tuần, từ một chiếc áo đấu của đội tuyển Iceland cho đến những vật dụng cần thiết khi đi sang Pháp cổ vũ đội nhà như túi ngủ, nệm, bếp nướng di động, ...
Trong đó, doanh nghiệp Iceland hốt bạc nhất nhờ EURO 2016 là Byko, hệ thống bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại "xứ băng hỏa đảo". Sau đó là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống như chuỗi nhà hàng gà rán KFC, chuỗi cửa hàng bánh pizza Dominos, ...
Ngoài ra, hệ thống cung cấp giày trực tuyến skór.is cũng thu lợi lớn khi doanh số bán hàng cứ tăng vùn vụt kể từ ngày khai mạc EURO 2016.
Chuyện này dĩ nhiên là một tín hiệu đáng mừng dành cho nền kinh tế Iceland, với điều kiện các doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Sở dĩ có thể nói như vậy bởi nếu nguồn hàng cung cấp cho thị trường khan hiếm, đồng nghĩa với việc giá cả sản phẩm sẽ bị đẩy lên cao và gây ra lạm phát.
Viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra nếu thầy trò HLV Lars Lagerback tiếp tục thi đấu như lên đồng, phá vỡ mọi dự đoán của các chuyên gia và tiến sâu tại EURO 2016.
Ông Konrad S. Gudjonsson, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Greiningardeild Arion lớn nhất Iceland khẳng định, những con số lạm phát đã bắt đầu xuất hiện sau chiến thắng lịch sử của đội tuyển Iceland trước đội tuyển Anh vào ngày hôm nay.
Mọi chuyện còn có thể diễn biến theo chiều hướng xấu hơn nữa, Chính phủ Iceland không kịp đưa ra các biện pháp điều tiết thị trường, còn đội tuyển Iceland vẫn cứ gây bất ngờ tại EURO 2016.