Không quá to tát tới mức giới thiệu được hệ thống mới, song Wales, Italia, Iceland, Hungary hoặc Tây Ban Nha đều chứng tỏ luôn có giải pháp khắc phục khó khăn.
Một cách dùng hàng thủ 3 người và tận dụng hai “hành lang” hẹp
Ở trận thắng Slovakia 2-1, Wales cho thấy họ đang dùng hàng thủ 3 người theo một cách riêng: Mục tiêu là bảo vệ toàn bộ khu vực quan trọng trên sân bằng lối chơi lăn xả.
Do đó, các hậu vệ biên được phân công đeo bám các cầu thủ chạy cánh Slovakia, còn các tiền đạo cánh trấn giữ hai “hành lang” hẹp (khoảng trống giữa trung lộ với hai biên) nhằm ép các trung vệ đối phương phải dãn ra hoặc co cụm lại.
Một ý đồ khác của phương án này là ngăn ngừa hoặc gây khó khăn cho các tuyển thủ Slovakia muốn chuyền bóng đến Marek Hamsik. Và ngay cả khi đối phương đạt được mục đích, Wales thường sẵn có ngay 2 hậu vệ và 2 tiền vệ áp sát tranh chấp bóng. Dĩ nhiên, đấu pháp này có nhược điểm là khó chống được mẫu cầu thủ tấn công có khả năng cầm bóng đột phá.
Bằng chứng là Slovakia tạo được 2 tình huống ăn bàn bằng cách đó và ghi được 1 bàn. Nhưng chẳng phải đội nào cũng có cầu thủ lừa bóng tốt như Marek Hamsik, ngược lại, đấu pháp này cho phép Wales nhanh chóng đoạt lại bóng để tổ chức phản công.
Biết mình biết ta, Italia mới thắng dễ
Italia cũng dùng hàng thủ 3 người như Wales, nhưng vận hành khác hẳn. Vì chỉ cần 3 trung vệ kèm 1 tiền vệ trụ, Italia tin tưởng xây dựng được hàng thủ vững chắc để các cầu thủ ở trên mặc sức tấn công.
Tất nhiên cách bố trí như vậy khiến hàng thủ Italia rõ ràng chơi co cụm, song HLV Antonio Conte vẫn triển khai do thừa hiểu Bỉ sẽ không tận dụng các khoảng trống ở hai cánh.
Nguyên nhân do cả hai cầu thủ chạy cánh của Bỉ đều có thói quen di chuyển vào giữa, lại thêm ở hàng thủ, “Quỷ đỏ” dùng các trung vệ trấn giữ hai biên. Nhờ đó, Italia thắng dễ 2-0 do chiếm số đông ở trung lộ để đảm bảo ưu thế trong cả công lẫn thủ tại trục này.
Cũng vì vậy, các trung vệ Italia có nhiều thời gian xử lý bóng hơn, nên mới có chuyện Leonardo Bonucci không chỉ phòng ngự hiệu quả với 7 lần phá bóng, mà còn chuyền xa lợi hại như Andrea Pirlo trong tình huống dẫn đến bàn mở tỷ số.
Hungary trấn giữa sân, Iceland dựng “trường thành”
Ở trận thắng Áo 2-0, Hungary thực hiện được tới 15 pha chặn bóng và 22 pha phá bóng. Họ chủ động phong tỏa khu trung tuyến, sau khi Áo đẩy David Alaba lên đá tiền vệ tổ chức ở trung tâm.
Tuy nhiên, Hungary chỉ đá như vậy sau khi David Alaba làm họ thót tim bằng một cú sút sấm sét dội trụ. Nhưng sau khi khắc phục sai lầm, Hungary đã làm chậm tốc độ tấn công của Áo do mọi đường lên bóng đều cần qua chân David Alaba.
Nhưng để đối phó một siêu sao khác - Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha), Iceland không phong tỏa CR7, mà chọn cách phòng thủ số đông nhằm bịt kín mọi khoảng trống, kể cả góc sút hẹp.
Vì vậy, không khó giải thích tại sao Bồ Đào Nha thực hiện tới 26 cú sút, nhưng đành chấp nhận hòa 1-1. Đấy là do có tới 16 cú sút từ ngoài vùng 16m50. Những cú sút còn lại bị hậu vệ cản phá, hoặc đá ra ngoài, còn không thì bị thủ môn Hannes Halldórsson đỡ được.
Tây Ban Nha dừng bóng tạo khoảng trống
Nếu các trường hợp ở trên chủ yếu phục vụ cho ý đồ phòng ngự, phương án “dừng bóng tạo khoảng trống” của Tây Ban Nha lại là giải pháp để triển khai tấn công hiệu quả.
Trên thực tế, các nhà ĐKVĐ châu Âu đã tiếp tục thể hiện được khả năng cầm bóng tốt trong chiến thắng Czech 1-0, nhưng phải đợi tới chiến thắng Thổ Nhĩ Kỳ 3-0, “Bò tót” mới cho thấy ý tưởng khác ở trình độ cao hơn nhằm xé toang hàng thủ đang được tổ chức tốt của đối thủ.
Đấy là nỗ lực cầm bóng nhiều hơn bình thường vài giây nữa rồi mới chuyền. Đừng nghĩ đây là điều đơn giản, vì Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức kèm người rất sát để không cho các học trò của Vicente Del Bosque có đủ thời gian lẫn không gian xử lý bóng.
Nếu muốn làm tốt ý tưởng này, các tuyển thủ Tây Ban Nha phải thật kiên nhẫn, tỉnh táo và có kỹ thuật điêu luyện để chuyền bóng vào vị trí mà chỉ trước đó 1-2 giây còn có cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lĩnh.
Lối chơi này được gọi là “la pausa”, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “dừng” và Andrés Iniesta là bậc thầy trong nghệ thuật đó (clip minh họa một tình huống “la pausa” của tiền vệ này trong màu áo Barcelona). Có giải pháp phá vỡ bế tắc như vậy, Tây Ban Nha đến Pháp với mục tiêu rõ ràng phải bảo vệ được “ngôi vua”.