Với Mario Gomez ghi bàn đều đặn qua 2 lần đá chính vừa qua, xem ra HLV Joachim Loew đã sẵn sàng khai tử “số 9 ảo”.
“Số 9 ảo” từng là công thức chiến thắng
Đối với Joachim Loew, đây chẳng phải quyết định đơn giản, vì “số 9 ảo” chính là hệ thống vừa đưa họ trở lại đỉnh cao thế giới ở Brazil 2014.
Vì dù phần lớn số trận ở VCK World Cup vừa qua có Miroslav Klose đá chính, nhưng đến thời khắc then chốt, Die Mannschaft hầu như đều phải dựa vào hệ thống có cầu thủ chơi như “số 9 ảo”.
Đơn cử như trận chung kết, Mario Goetze ghi bàn quyết định sau khi vào thay Miroslav Klose. Hoặc trước đó, Đức vượt qua Algeria với Thomas Mueller chơi ở vị trí cao nhất.
Do đó, không bất ngờ khi HLV Joachim Loew đến Pháp ở Hè 2016 với thành phần chẳng thiếu tuyển thủ có khả năng đá như “số 9 ảo”, bao gồm Mario Goetze, Thomas Muller, André Scherrle và Lukas Podolski.
Sự hiện diện của họ bên cạnh các tiền vệ Mesut Oezil, Toni Kroos cùng những trung vệ có khả năng chuyền bóng tốt như Jerome Boateng và Mats Hummels đảm bảo cho Đức giữ bóng dễ dàng.
Với “số 9 ảo” cùng dàn cầu thủ giàu kỹ thuật như hiện nay thì về lý thuyết, Joachim Loew có thể dùng cùng lúc tới 4 cầu thủ có khả năng đá tiền đạo để tổ chức tấn công do cánh trái không cần Julian Draxler phải lui về và các cầu thủ tấn công được phép thoải mái hoán đổi vị trí.
Khi đó thì về lý thuyết, sức tấn công của Đức thật đáng gờm với Julian Draxler cùng Thomas Mueller ở hai cánh sẵn sàng xộc vào trung lộ, Mesut Oezil hoạt động tự do để tìm không gian sáng tạo, còn ở phía trên, người hùng World Cup Mario Goetze sắm vai mắt xích kết nối các vị trí xung quanh khi tất cả cùng nhau tìm kiếm khoảng trống dứt điểm.
Tại sao “số 9 ảo” nay lại không hiệu quả
Tuy nhiên, diễn biến hơn 160 phút thi đấu của Đức tại Pháp 2016 cho thấy “số 9 ảo” không còn tác dụng như mong muốn.
Chẳng hạn như trận thắng Ukraine trong ngày ra quân tại bảng C, dù thống kê vẽ ra hình ảnh có vẻ rất tích cực với số pha dứt điểm của Đức chính xác cao gấp đôi (8-4), tổng số cú sút cao gấp 3 (15-5), thời gian cầm bóng 63%, chuyền chính xác tới 92% và nhiều hơn đối phương hơn 400 lần.
Thế nhưng, những bàn thắng của Đức lại chẳng thể xem là thành quả từ ưu thế áp đảo đó. Shkodran Mustafi mở tỷ số bằng cú đánh đầu sau pha đá phạt của Toni Kroos, còn Bastian Schweinsteiger ấn định kết quả chung cuộc sau pha phản công vào cuối trận lúc Ukraine tràn hết lên trong thế chẳng còn gì để mất.
Diễn biến trận hòa Ba Lan 0-0 càng gây thất vọng hơn. Đức vẫn cầm bóng vượt trội 63%, sút chính xác chỉ 4 phát nhưng vẫn hơn tổng số cú sút của “Đại bàng trắng” không lần nào chính xác. Hệ thống “số 9 ảo” hoàn toàn bế tắc trước hàng thủ Ba Lan chơi lùi sâu nhằm kiếm 1 điểm.
Dù vậy, HLV Joachim Loew từ bỏ “số 9 ảo” không hoàn toàn chỉ vì tấn công thiếu hiệu quả, mà còn do nỗi lo phòng ngự.
Cụ thể là biên trái của Jonas Hector. Hậu vệ của Cologne thi đấu tốt, nhưng dễ dàng trở thành mục tiêu vây ráp của đối phương. Bởi trong 2 trận đầu, Jonas Hector chạm bóng tới 187 lần bên phần sân đối phương.
Chỉ cần nắm được chi tiết này, đối phương không chỉ uy hiếp được hàng thủ ở biên trái Die Mannschaft, mà còn hạn chế được hiệu quả tấn công của hệ thống “số 9 ảo”. Vì HLV Joachim Loew không dùng mẫu tiền đạo cắm cao lớn nên tuyến dưới không thể chuyền dài để giải tỏa áp lực, mà vẫn phải cố gắng cầm bóng từ từ dâng lên, giúp đối phương đủ thời gian điều chỉnh lại cự ly đội hình.
Mario Gomez đang tạo ra sự khác biệt
Nhận ra “số 9 ảo” đang bị đối thủ hóa giải dễ dàng, HLV Joachim Loew đã đưa Mario Gomez vào đá gần 20 phút cuối trận hòa Ba Lan để lấy cảm giác bóng trước lúc đá chính ở trận cuối vòng bảng thắng Bắc Ireland 1-0.
Và rõ ràng, người Đức không phải đợi lâu để nhận ra thời của tiền đạo cắm đang trở lại. Trước hết, Đức có 12 đường chuyền chính xác trong vùng 16m50 của Ukraine và 17 ở trận gặp Ba Lan thì trận này, họ đạt đến 33, cao hơn gấp đôi cả hai trận trước gộp lại.
Kế đến, sức mạnh tì đè của Mario Gomez tạo điều kiện cho Thomas Mueller được chơi theo cách hiệu quả nhất. Điều đó phản ánh rõ qua tình huống ghi bàn được dàn xếp tuyệt vời đúng phong cách của hệ thống… “số 9 ảo”, trước lúc hai ngôi sao tấn công này “bật nhả” ngay gần chấm 11m để Mario Gomez là người kết thúc. Ngoài tình huống ấy, Thomas Muller dứt điểm dội trụ 2 lần.
Chuyển biến trong lối chơi ở Tuyển Đức chứng tỏ không có “công thức vàng” để tận dụng hết mọi cầu thủ giỏi nhất, vì xét về kỹ thuật, Mario Gotze hay hơn Mario Gomez.
Tuy nhiên, sự hiện diện của tay săn bàn đầy sức mạnh lại đem đến sự cân bằng hơn cho Đức, thay vì dùng một tiền vệ sáng tạo dẫn dắt dàn công.
Ngoài ra, Mario Gomez xuất hiện giúp Đức ghi bàn thoải mái hơn so với lúc còn Mario Goetze chưa hẳn là do “số 9 ảo” sa sút phong độ. Joachim Loew hiện không thiếu mẫu cầu thủ sáng tạo, nên không cần thiết phải nhét thêm một cầu thủ sáng tạo nữa ở phía trên.
Tất cả mọi điều mà Die Mannschaft đang cần là một cầu thủ có khả năng tận dụng được các cơ hội do đồng đội sáng tạo ra. Xét về mặt này, Mario Goetze không bằng Mario Gomez, chân sút vừa liên tiếp ghi những bàn quan trọng trước Bắc Ireland ở vòng bảng và Slovakia ở vòng 1/8.