Billiards SEA Games 30: Cuộc chiến cuối cùng của "bố già" Efren Reyes?

Tiểu Phàm
thứ sáu 29-11-2019 9:25:00 +07:00 0 bình luận
Ở tuổi 65, "phù thủy" Efren Reyes đã làm công tác huấn luyện mấy năm qua và góp phần đào tạo không ít tài năng lớn cho Billiards & Snooker của Philippines. Kỳ Đại hội này rất có thể là lần cuối ông tranh tài tại SEA Games.

Hiện ở tuổi 65, "phù thủy" Efren Reyes đang làm HLV của tuyển Billiards & Snooker Philippines, góp phần xây dựng một lực lượng hùng hậu tranh tài tại Đại hội lần này với những nhân tố nổi bật như Dennis Orcollo, Chezka Centeno, Rubilen Amit và Carlo Biado.

Từng vô địch SEA Games tại Singapore năm 2015, Dennis Orcollo sẽ cùng Warren Kiamco thi đấu ở nội dung đơn nam 9 bi. Chezka Centeno và Rubilen Amit được kỳ vọng lại cùng dự trận chung kết của nội dung đơn nữ 9 bi như 2 kỳ SEA Games gần đây.

Về phần Carlo Biado, anh sẽ kết hợp với Johann Chua đấu nội dung đôi nam 9 bi và cùng Dennis Orcollo tranh tài ở nội dung đơn nam 10 bi. Ngoài ra, Chezka Centeno và Rubilen Amit sẽ cùng đánh ở nội dung đôi nữ 9 bi và đơn nữ 10 bi.

Thế nhưng, Efren Reyes sẽ không ngồi ngoài nhìn các học trò săn Vàng ở môn thể thao có tới 10 nội dung thi đấu tại SEA Games 30. Philippines 2019 rất có thể trở thành kỳ SEA Games cuối cùng trong sự nghiệp của cơ thủ từng góp công lớn làm thay đổi quan niệm về Billiards & Snooker trong mắt người dân ở đảo quốc này.

Billiards SEA Games 30: Cuộc chiến cuối cùng của bố già Efren Reyes?
Efren Reyes rất có thể sắp dự kỳ SEA Games cuối cùng

Trước đây, Billiards & Snooker chỉ được xem như trò chơi dành cho người nghèo ở Philippines kiếm sống. Nhưng giờ đây, Philippines đang được xem là một cường quốc về Billiards & Snooker. Những chiếc bàn Billiards & Snooker bẩn thỉu ở hàng ngàn thành thị đang được ví như con đường thoát nghèo cho hàng triệu người Philippines.

Và bất chấp những thách thức dữ dội đến từ Trung Quốc và Trung Hoa Đài Bắc, Philippines hiện là cường quốc duy nhất có cả đại diện nam lẫn nữ trong Top 5 BXH thế giới của Billiards & Snooker.

"Nếu đánh hỏng cú này, bạn sẽ không có gì để ăn," một phóng viên gốc Mỹ đang sống tại Philippines đã mô tả về áp lực mà người nước này thường đối mặt trên bàn Billiards & Snooker. Và đó chính là trải nghiệm ban đầu của Efren Reyes, cựu vô địch thế giới ở cả nội dung 8 bi và 9 bi, được xem như một trong những cơ thủ xuất sắc nhất mọi thời đại.

Là con thứ 8 trong một gia đình nghèo có 9 con, Efren Reyes rời quê nhà lên Manila để sống cùng ông chú lúc đó đang có một phòng Billiards & Snooker tại thủ đô Philippines. Ông bắt đầu tập chơi từ năm 8 tuổi với quyết tâm thoát nghèo. "Tôi chứng kiến chú tôi thắng tiền nhờ chơi billiards nên nhận ra mình cũng có thể kiếm sống bằng cách này," cơ thủ 65 tuổi nhớ lại.

Kiếm được tiền lại muốn kiếm nhiều hơn nữa, Efren Reyes tiến sang Mỹ và góp phần vào cái gọi là "cuộc xâm lăng của người Philippines" trong môn Billiards & Snooker ở thập niên 1980.

Billiards SEA Games 30: Cuộc chiến cuối cùng của bố già Efren Reyes?
Carlo Biado, cơ thủ nam số 4 thế giới

"Người ta phải gọi Philippines là thủ đô Billiards & Snooker của thế giới. Ngay cả người Mỹ cũng cảm thấy khó khăn khi đấu với dân Philippines," một nhà tâm lý học thể thao kiêm giáo sư Đại học Philippines tự hào khẳng định.

Trên thực tế, chính các binh lính Mỹ đã du nhập Billiards & Snooker vào Philippines từ đầu những năm 1900. Những người chơi giỏi thường thách đố nhau đánh ăn tiền. Vậy là theo thời gian, trò chơi này trở thành nơi kiếm sống cho người Philippines.

"Tôi khởi nghiệp với vỏn vẹn 20 peso (tương đương 9 ngàn đồng) nhưng giờ đây tôi đã kiếm sống được bằng nghề chơi billiards," cơ thủ 36 tuổi Carlo Biado hiện xếp thứ 4 thế giới cho biết. Carlo Biado vô địch thế giới 9 bi năm 2017, chấm dứt cơn khát danh hiệu vô địch kéo dài 7 năm của Philippines ở nội dung này.

Thành công của các cơ thủ Philippines đã từ từ thay đổi cách nhìn của người dân đảo quốc vốn vẫn tin rằng Billiards & Snooker chỉ là trò chơi của kẻ nghèo. Nhờ đó, Philippines mới phát triển được những cơ thủ có khả năng vô địch thế giới như Carlo Biado hoặc Rubilen Amit - cơ thủ nữ số 3 thế giới đến với môn này khi xem truyền hình.

Bước ngoặt khiến những người như Carlo Biado và Rubilen Amit quyết định đổi đời bằng Billiards & Snooker chính là thời điểm Efren Reyes vô địch thế giới 9 bị năm 1999, khi trận đấu được phát sóng trực tiếp tới quê hương ông.

Billiards SEA Games 30: Cuộc chiến cuối cùng của bố già Efren Reyes?
Rubilen Amit, cơ thủ nữ số 3 thế giới

"Chiến thắng đó đã giúp người Philippines nhận ra Billiards & Snooker là môn thể thao hợp pháp. Vì vậy, càng thêm nhiều người Philippines bị môn này hấp dẫn," một giáo sư Đại học Philippines phân tích.

Rubilen Amit là một ví dụ. Cô khởi nghiệp bằng cách tiếp nối nghề kinh doanh làm hậu cần của gia đình trong ngành vận chuyển hàng hóa. Nhưng khi gặp khó khăn tài chính, cô quyết định chọn Billiards & Snooker.

"Bóng rổ là mối tình đầu của tôi, nhưng chiều cao của tôi không đủ. Do đó, tôi chọn billiards," cơ thủ nữ 38 tuổi tâm sự. "Nghề chơi billiards đã cứu gia đình tôi. Năm 2009, tôi may mắn vô địch thế giới nên kiếm được rất nhiều tiền. Thành công đó đã vực dậy gia đình tôi."

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đường đến vinh quang của "phù thủy" Efren Reyes cũng được coi như bí quyết thành công cho Billiards & Snooker Philippines. Một cây bút kỳ cựu của Philippines giải thích: "Người nghèo thường không kén chọn mặt bàn. Nhưng có khi chính những mặt bàn lồi lõm lại là môi trường lý tưởng để tạo ra các cơ thủ bậc thầy."

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm