Tại Olympic Rio 2016, webthethao.vn từng có giải thích vì sao các kình ngư Olympic đội 2 mũ bơi. Điều bất ngờ là đến Olympic Tokyo năm nay, VĐV 17 tuổi người Mỹ – Lydia Jacoby – đã quên mất việc này nên tuột kính, bị cho là nguyên nhân chính khiến Mỹ vuột HCV và rơi xuống thứ 5 nội dung tiếp sức 4 x 100 hỗn hợp trong buổi sáng chung kết ngày 31/7/2021.
Lydia Jacoby bây giờ không còn là gương mặt xa lạ nữa: Đây chính là "siêu nhân" bơi ếch "phẳng" kiểu truyền thống vẫn đoạt được HCV cự ly 100m ếch nữ tại Olympic Tokyo.
Đây là trường hợp đáng tiếc cho đội Mỹ và đáng thương cho cô bé Jacoby sinh năm 2004 này. Quả thật, đấu trường Olympic với những đối thủ hàng đầu thế giới là một trải nghiệm quý giá cho cô bé này, kể cả những giây phút thăng hoa lẫn những giây phút “không nói nên lời” như vậy!
Trường hợp của Jacoby cho thấy đúng là không phải lúc nào cũng co thể đi ngược xu thế. Ở kỳ Olympic lần này, gần như tất cả VĐV bơi giành huy chương đều đội 2 mũ bơi.
Khi bơi về đích, họ tháo ngay mũ bơi thứ hai để đỡ nóng đầu và chúng ta vẫn thấy còn một chiếc mũ khác ở bên dưới. Có 2 lý do để VĐV bơi nên đội 2 mũ bơi:
Thứ nhất, nó giúp cố định kính bơi chắc hơn, tránh cho kính bị vào nước hoặc bị tuột ra. Với ý nghĩa đó, đội 2 mũ là để bảo hiểm cho kính bơi. Đặt dây đeo kính giữa mũ thứ nhất và mũ thứ hai sẽ giúp “niêm phong” chúng vào đúng vị trí.
Thứ hai, nó tạo ra ít lực cản hơn. Để đạt được hiệu quả đó, VĐV ghép một mũ cao su bên trong (mũ latex) với một mũ silicone bên ngoài.
Mũ cao su bên trong được sử dụng để bao trùm tóc của họ, vì nhựa mủ bám vào đầu tốt hơn. Mũ silicone thứ hai không nhăn nhiều như cao su, vì vậy nó làm phẳng bất kỳ chỗ gợn nào còn sót lại trên đầu (giống như trọc đầu vậy!).
Nếu không có mũ thứ hai, sẽ có nhiều lực cản hơn trong nước vì mũ đầu tiên có thể bị nhăn, dẫn đến việc mất vài giây quý giá trong một cuộc đua đẳng cấp thế giới.
Vì sao Jacoby chỉ đội 1 mũ bơi? Thật sự chúng ta không biết, nhưng có một điều lạ là tại sao các anh chị trong đội không chỉ bảo hoặc nhắc Jacoby nhỉ?
Theo ông Chung Tấn Phong – trưởng bộ môn thể thao dưới nước của Sở VH-TT TPHCM, thất bại của Jacoby còn do cô bé hưng phấn quá mức, dẫn đến kỹ thuật xuất phát không chuẩn.
Thông thường khi VĐV hưng phấn quá mức sẽ không kiểm soát được kỹ thuật của mình, có thể dẫn đến động tác xuất phát không được chuẩn khi tiếp nước hoặc đầu không cúi xuống đủ, gây nên sự cố tuột kính hay kính vào nước.
Đây là giả thuyết có thể xảy ra vì Jacoby còn quá trẻ, chưa biết giữ một cái đầu lạnh trong một trái tim nóng!
Ngoài ra, còn một yếu tố nữa để thông cảm cho cô bé: Trong 8 đội tranh tiếp sức 4 x 100 hỗn hợp (2 nam, 2 nữ), chỉ có đội Mỹ sắp xếp chặng bơi ếch là nữ!
Jacoby phải “chiến đấu” với 7 VĐV nam toàn là cao thủ, trong đó có VĐV Adam Peaty của đội Anh. Tại kỳ Olympic này, thành tích đạt HCV 100m ếch của Jacoby là 1.04.95, còn thành tích đạt HCV của Adam Peaty là 57.37, chênh lệch nhau khoảng trên 7 giây nếu cả hai bơi với phong độ như nhau. Đằng này, Jacoby bị tuột kính nên không thể bơi với thành tích tốt nhất.
Theo thông số từ đồng hồ điện tử, trong đợt bơi tiếp sức, Jacoby bơi 1:05.09, còn Adam Peaty bơi 56.78, chênh lệch nhau 8,31 giây! Một khoảng cách khó lòng thu ngắn!
Nhưng qua đó, chúng ta cũng có thể thấy sự nỗ lực kiên cường của Jacoby, khi cô bé đạt thành tích lúc bơi tuột kính vẫn cao hơn thành tích HCB Olympic của Schoenmaker Tatjana – Nam Phi là 1:05.22!