Vẻ đẹp tiềm ẩn những mối hiểm họa ở môn bơi nghệ thuật

Phúc Hải
thứ năm 23-6-2022 16:05:12 +07:00 0 bình luận
Đằng sau những màn biểu diễn mãn nhãn, nhận được sự trầm trồ của khán giả, những VĐV bơi nghệ thuật phải đối mặt với những nguy hiểm mà không phải ai cũng biết.

Ngày 22/6/2022, tại giải bơi vô địch thế giới tổ chức ở Budapest (Hungary), một sự cố đã xảy đến với tuyển thủ Mỹ Anita Alvarez. Cô gái 25 tuổi bị ngất khi thực hiện bài thi biểu diễn tự do đơn nữ và chìm xuống đáy bể. Phải nhờ đến phản ứng nhanh của HLV Andrea Fuentes, Alvarez mới được đưa lên bờ để kịp thời cấp cứu.

Đây không phải lần đầu tiên cô gái này gặp sự cố tương tự. Ở cuộc thi tuyển chọn suất dự Olympic Tokyo 2020 (lùi đến hè 2021 vì dịch COVID-19) tổ chức ở Barcelona (Tây Ban Nha), Alvarez cũng đã bị ngất. Mẹ của cô còn thừa nhận rằng con gái mình cũng từng gặp tình trạng tương tự ở một buổi tập trước đó.

Anita Alvarez (trái) bị ngất khi thi đấu tại nội dung bơi nghệ thuật tự do đơn nữ tại giải VĐTG ở Hungary ngày 22/6/2022

Anita Alvarez chính là một trong những nhân vật tham gia một cuộc khảo sát về mức độ gây chấn động não ở môn bơi nghệ thuật được một nhà báo thực hiện năm ngoái.

Trong một bài báo xuất bản tháng 8/2021, nhà báo Amelia Podder ở California (Mỹ) đã công bố những số liệu nghiên cứu của mình về môn bơi nghệ thuật khiến nhiều người phải giật mình. Đằng sau những màn biểu diễn đậm chất thẩm mỹ của môn bơi nghệ thuật là những mối nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe của các VĐV.

Bà Podder tiến hành khảo sát đối với 430 VĐV đang tập luyện và thi đấu môn bơi nghệ thuật và tìm hiểu những tác động của môn thể thao này lên sức khỏe của họ. Kết quả cho thấy có đến 1/4 số người được khảo sát cho biết họ gặp các vấn đề về não.

Bơi nghệ thuật mang đến những màn biểu diễn đầy tính thẩm mỹ cho người xem

Những dạng chấn thương não được cho đến từ những tác động từ chính các đồng đội tập luyện và thi đấu. Đa số người tập môn này thường hay bị đau đầu vì những cú va chạm với đồng đội trong quá trình theo đuổi môn bơi nghệ thuật.

Môn bơi nghệ thuật được chia ra thành các nội dung như: đơn nữ, đôi nữ, đôi nam nữ (thời gian gần đây đã có một số nam VĐV theo đuổi bộ môn vốn trước đây chỉ dành cho nữ này), đồng đội (tối đa 8 VĐV).

Ở các nội dung đồng đội, để dành điểm cao về kỹ thuật, các VĐV phải thực hiện những động tác nhào lộn, nâng, đẩy… Những gì người xem được chứng kiến chỉ là bề nổi, còn bên dưới, các VĐV phải thực hiện rất nhiều kỹ thuật khó để hỗ trợ nhau.

Đằng sau những hình ảnh đẹp bề nổi ở môn bơi nghệ thuật là những ẩn chứa nhiều chấn thương ít người biết

Người xem sẽ thấy các VĐV thường xuyên phải bơi ở tình trạng cắm đầu xuống bể. Họ thường bị chính những đồng đội của mình đạp, đá (vô tình) vào đầu. Còn nhiều trường hợp dính chấn thương do nhào lộn, đầu tiếp xúc bề mặt nước quá nhiều, hoặc có VĐV dính chấn thương vì đồng đội tiếp nước sai, rơi xuống chính các đồng đội…

Tất cả những kỹ thuật này được lặp đi lặp lại trong nhiều năm tập luyện và thi đấu đã khiến không ít VĐV bơi nghệ thuật bị sang chấn, chấn động não.

Anita Alvarez, người từng dự Olympic 2016 ở Rio (Brazil) cho biết: “Trong quá trình tập luyện, không ít lần chúng tôi gặp các sự cố kiểu VĐV được tung lên thực hiện nhào lộn nhưng khi rơi xuống thì không tiếp trúng tay hoặc những vị trí cần được đỡ, dẫn đến một số đồng đội và chính cô ấy bị đau”.

Nội dung đồng đội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây chấn động não cho các VĐV

Alvarez kể rằng năm 2013 khi cô dự thi nội dung đồng đội nữ tại giải Pan American Games, có đến 3 đồng đội khác đã bị chấn động não. Karina Boyle bị đá trúng đầu do một đồng đội đạp phải khi được tung lên trong một động tác kỹ thuật khó. Những cú thúc đầu gối, tạt tay… là sự cố mà các VĐV bơi nghệ thuật thường xuyên gặp phải.

Bác sĩ Daniel Daneshvar cho biết có đến 50% những người bị chấn động não khi tập luyện môn này không báo cáo. Họ thường coi đó là những va chạm thông thường và hay bỏ qua những triệu chứng. Karina Boyle (26 tuổi), một cựu VĐV bơi nghệ thuật đã giải nghệ, cho biết cô thường xuyên bị đau đầu sau khi dừng tập luyện.

Tuổi nghề của môn bơi nghệ thuật phụ thuộc vào đam mê và mức độ chấn thương mà một VĐV có thể gặp phải

Karensa Tjoa (26 tuổi) đã giải nghệ được vài năm cho biết: “Không biết tôi có đưa ra quyết định đúng đắn không nữa. Tôi đã bắt đầu tập môn này từ lúc 9 tuổi. Đến năm 16 tuổi tôi gặp chấn động não đầu tiên. Tôi thường xuyên bị chóng mặt, gặp những cơn đau đầu như búa bổ…” - Tjoa cho biết.

Các chuyên gia y tế cũng đã từng nghiên cứu phương pháp giúp các VĐV bơi nghệ thuật giảm thiểu những chấn động lên phần đầu. Họ đã đưa vào thử nghiệm một loại mũ được sản xuất từ tổ ong, giúp VĐV tránh tác động của nước lên đầu khi tiếp nước. Tuy nhiên, công nghệ này cũng chưa phải là giải pháp tối ưu cho bộ môn vốn mãn nhãn khán giả, nhưng tiềm ẩn đầy nguy hiểm với VĐV.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm