Theo dõi rất kỹ diễn biến của Olympic Tokyo, ông Chung Tấn Phong – trưởng bộ môn thể thao dưới nước của Sở VH-TT TPHCM - nêu ra 2 chi tiết đáng chú ý và cho rằng các nhà tổ chức ở Việt Nam có thể học hỏi phong cách trang trí địa điểm thi đấu tối giản của người Nhật.
1. Nhìn tổng thể, nhà thi đấu, sân vận động, hồ bơi chỉ có 1 màu chủ đạo (có thể màu xanh nước biển, xanh lá cây, đỏ… tùy nơi) với các sắc độ khác nhau (đậm, trung tính, nhạt). Không rực rỡ nhiều màu sắc, rất đơn giản, thanh khiết, nền nã. Phông chính, phông phụ cũng vậy.
Trên nền màu đơn đó, chỉ có chữ “Tokyo 2020” và biểu tượng 5 vòng tròn màu trắng nổi bật. Khổ chữ nhỏ, chạy ngang nền phông như một đường viền trang trí nhẹ. Không có cả logo và mascot của Olympic. Không có logo của nhà tài trợ.
Ở Việt Nam, các phông nền thường rất “màu sắc” và khá rối rắm: Có tên đơn vị chủ quản, tên đơn vị đăng cai, thời gian và địa điểm tổ chức, có khung viền, có logo của các đơn vị và nhà tài trợ, có ảnh chìm, ảnh nổi… đủ cả!
Xét cho cùng, khi phông nền quá đậm sắc màu và rối rắm nhiều hình ảnh, chữ nghĩa thì khi chụp hình phát thưởng, VĐV bị chìm lẫn và không nổi bật như chụp hình trên nền màu đơn sắc.
2. Bục phát thưởng không cần đánh số 1, 2, 3. Chỉ có bục hạng 1 là cao hơn, các bục hạng 2 và 3 nằm ngang bằng nhau và chỉ thấp hơn bục hạng 1 một chút (quy định chung là khi khán giả nhìn thẳng vào, bục hạng 3 nằm bên tay phải và bục hạng 2 nằm bên tay trái so với bục hạng 1, nên không cần đánh số thì mọi người đều biết).
Các bục cũng thiết kế đồng màu, đơn giản, chủ yếu từng bục phải có bề ngang đủ rộng để VĐV bước lên và đứng thoải mái, kể cả nếu cả 3 VĐV đứng cùng 1 bục để chụp hình chung thì cũng khá thoải mái.
Các bục ở Việt Nam thường có đánh số, khá cao nhưng lại không đủ rộng! Vận động viên phải cúi xuống khá thấp thì người trao thưởng mới quàng dây đeo huy chương vào cổ được! Khi các VĐV hạng 2, 3 muốn bước lên chụp hình chung với VĐV hạng 1 thì khá chật hẹp.
Vài nhận xét ban đầu, mọi người nghĩ sao? Việt Nam có thể học theo phong cách này?