Bóng chuyền Việt Nam và kế hoạch xây chắc "chân đế"

chủ nhật 16-7-2023 18:20:15 +07:00 0 bình luận
Bóng chuyền Việt Nam thời gian qua đã gặt hái những thành tích khích lệ ở các giải đấu quốc tế. Nhưng một thực tế là, bóng chuyền Việt Nam vẫn chưa có "chân đế" vững chắc.

Chân đế ở đây là hệ thống đào tạo VĐV, HLV từ cấp cơ sở, địa phương vẫn chưa mang tính chuyên nghiệp, xuyên suốt. 

Tổng thư ký LĐBC Việt Nam Lê Trí Trường thừa nhận: "Vẫn còn nhiều khó khăn tại các cơ sở, đặc biệt CLB. Chúng ta vẫn chưa có đủ bộ máy, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được các điều kiện của một CLB chuyên nghiệp. Mỗi một CLB, địa phương có những tuyến đào tạo VĐV khác nhau. Quy định, yêu cầu để chuyên môn hóa một đội bóng chưa có".

Sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam phụ thuộc không chỉ vào chất lượng đào tạo VĐV các tuyến mà còn công tác đào tạo. HLV là vấn đề của bóng chuyền Việt Nam hiện tại, cả số lượng lẫn chất lượng. Chúng ta vẫn chưa có quy chuẩn, phân cấp về đào tạo HLV. Kinh nghiệm khi còn thi đấu của những HLV từng là VĐV, hay kinh nghiệm tự học hỏi là số vốn gần như duy nhất của các HLV bóng chuyền Việt Nam. Khả năng tiếp cận các phương pháp tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới vào công tác huấn luyện của các HLV còn yếu. Không nhiều HLV nội quyết định theo học các học viện bóng chuyền quốc tế uy tín như cựu tuyển thủ quốc gia Phạm Thị Yến. Ngoại ngữ là rào cản lớn nhất đối với các HLV nội để tiếp cận những cái mới của bóng chuyền hiện đại .

"Vấn đề lớn nhất của các HLV bóng chuyền Việt Nam chính là ngoại ngữ", HLV Trần Văn Giáp của Gelemxico Thái Bình chia sẻ.

Tổ chức các khóa đào tạo nằm trong kế hoạch chuẩn hóa HLV, và cũng giúp các HLV nội tiếp cận những phương pháp huấn luyện mới.

Nâng chất HLV nội là một trong những kế hoạch, ưu tiên hàng đầu của LĐBC trong những năm tới. Khóa đào tạo HLV cấp I do Giảng viên từ LĐBC Thế giới đảm nhận giảng dạy được khai mạc mới đây tại Trường ĐHTDTT Từ Sơn, Bắc Ninh nằm trong kế hoạch chuẩn hóa HLV của LĐBC Việt Nam.

"Sẽ có quy chuẩn, quy định mỗi giải đấu HLV có bằng cấp nào mới được tham gia chỉ đạo tại các giải đấu trong hệ thống của Liên đoàn. Các nền bóng chuyền phát triển, hay trong nước đã có bóng đá thực hiện điều đó. Thậm chí chuyên môn hóa từng vai trò HLV. HLV trưởng sẽ chịu trách nhiệm chung, thể lực các VĐV sẽ cần HLV thể lực... Ví dụ sắp tới đội tuyển nữ quốc gia thi đấu tại FIVB Challenge Cup ở Pháp vào cuối tháng 7, quy định HLV thể lực phải có bằng cấp chứng nhận mới được tham gia vào BHL", ông Lê Trí Trường cho biết.

"Hàng năm, LĐBC Việt Nam tổ chức nhiều khóa học cho các HLV, một trong số đó là Khóa đào tạo HLV cấp I với sự hỗ trợ của LĐBC thế giới nhằm bắt kịp với yêu cầu, quy chuẩn chung của bóng chuyền thế giới. Ngoài ra, cũng giúp các HLV nội ngoài kinh nghiệm sẽ được trang bị thêm cơ sở lý luận, phương huấn luyện, những công nghệ mới".  

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm