Doanh nhân Đào Hữu Huyền sinh ngày 07/06/1956, quê quán tại Hưng Yên. Ông tốt nghiệp cử nhân hóa học của trường Đại học Tổng hợp. Sau đó ông tiếp tục đi du học Áo để mở rộng kiến thức chuyên môn. Trước khi là ông chủ CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, Đào Hữu Huyền đã bén duyên trong ngành hóa chất từ thập kỷ 90.
Có lẽ vì sản phẩm kinh doanh khá đặc biệt, là nguyên liệu trong ngành sản xuất công nghiệp nên không phải ai cũng biết đến tập đoàn của ông, nhưng nói đến CLB bóng chuyền Hóa Chất Đức Giang Hà Nội thì người hâm mộ bóng chuyền đang ngày càng quen thuộc.
Tính đến hết năm 2021, đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội góp mặt 12 lần tại giải bóng chuyền VĐQG Việt Nam. Mùa giải 2020 và 2021, đoàn quân của HLV Nguyễn Hữu Hà vươn lên giành vị trí Á quân.
Nhìn vào 2 chức Á quân liên tiếp của Hóa chất Đức Giang có thể thấy họ nhận được sự quan tâm tận tình của ông bầu Đào Hữu Huyền. Là chủ của một tập đoàn hóa chất hàng đầu Việt Nam, quản lý hàng nghìn công nhân nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian gắn bó với đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang để động viên, nhắc nhở và chăm lo cho đời sống các cầu thủ.
Với số tiền lương ngót nghét 70-80 triệu của Bích Tuyền, người ta tưởng chừng đây là mức lương khủng nhất của làng bóng chuyền Việt, thế nhưng nếu so với các cầu thủ của Hóa chất Đức Giang thì số tiền này cũng chưa hẳn là cao. Ngoài tiền lương hàng tháng, ông bầu này còn có những chế độ rất tốt cho các cầu thủ như thưởng nóng, thưởng thành tích thi đấu tốt.
Vừa mới đây ông không ngại chi tiền tặng thưởng cho 2 tuyển thủ Bích Thủy và Thanh Liên mỗi người một căn hộ trị giá 700 triệu đồng. Tại SEA Games 31 vừa qua, chủ tịch của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng đã tặng thưởng cho đội tuyển bóng chuyền nam và nữ 1 tỷ đồng để khích lệ, động viên các cầu thủ.
Trong Đại hội BCH của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, ông bầu này đã có những phát biểu gây sốc. Là một trong những ông bầu tâm huyết và rất đam mê với bóng chuyền, ông Đào Hữu Huyền đã có một bài tham luận thẳng thắn nói về những vấn đề tồn đọng trong nhiều năm qua. Trong đó đáng chú ý nhất là câu chuyện cho thuê ngoại binh, chuyển nhượng VĐV, tiền thưởng quá ít, cũng như xem xét thành lập Công ty Cổ phần bóng chuyền Việt Nam,... Ngay sau đó, ông cũng tự ứng cử mình vào BCH Liên đoàn khóa mới và được chấp thuận.
Không lâu sau khi SEA Games 31 vừa kết thúc, FLC đã rút lui không tài trợ cho 2 giải bóng chuyền hạng A và giải VĐQG. Ngay lập tức, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đã trở thành nhà tài trợ chính của giải VĐQG trong 3 năm liền với số tiền tài trợ lên tới 4 tỷ đồng. Ngoài ra, ông bầu Đào Hữu Huyền cũng là người hỗ trợ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chi phí trang bị hệ thống Video Challenge Eyes tại giải đấu lớn nhất Việt Nam diễn ra vào tháng 7 tới đây.
Nhìn vào sự tâm huyết và đầu tư của ông bầu Đào Hữu Huyền, có thể thấy đã giúp bóng chuyền Việt Nam có những bước tiến trong sự phát triển, ngày càng chuyên nghiệp hơn.