Hai chiếc Cúp châu Á và năm “đỉnh” nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam

Hà Thảo
thứ tư 12-7-2023 14:01:00 +07:00 0 bình luận
Dù còn nhiều sự kiện song có thể khẳng định 2023 chính là năm “đỉnh” nhất của bóng chuyền nữ VN kể từ khi hội nhập quốc tế, được kết đọng ở hai danh hiệu vô địch giải châu Á chỉ trong 2 tháng.

Trước 2023, trong hai thập kỷ hội nhập quốc tế tích cực, bóng chuyền nữ Việt Nam chưa từng lọt vào Top 3 tại các giải đấu cấp độ châu lục. Thành tích cao nhất của các ĐTQG chỉ là hai lần đoạt hạng 4 ở Cúp Châu Á cách nhau đúng 10 năm (2012 và 2022), với sự thua kém rõ rệt so với các đội xếp trên. Nhìn từ xuất phát điểm thấp cùng hành trình dài gian khó mới thấy bước bứt phá ngoạn mục mà các “chân dài” bóng chuyền tạo ra, được kết đọng bởi hai danh hiệu vô địch hai giải đấu tầm châu Á trong đúng hai tháng. 

Cũng cần nhắc lại, năm 2023 thăng hoa khó tin của bóng chuyền nữ được khởi đầu từ những sự thay đổi quan trọng sau SEA Games 31 trên sân nhà mà Thanh Thúy cùng các đồng đội đã thua bạc nhược người Thái trong trận chung kết. Vị trí “thuyền trưởng” được giao phó cho HLV giàu năng lực, kinh nghiệm và cá tính Nguyễn Tuấn Kiệt với đích nhắm dài hơi.

Đội tuyển bóng chuyền nữ vô địch giải các CLB châu Á và AVC Challenge Cup 2023

Quan trọng nhất, chính các cơ quan quản lý, trực tiếp là Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cũng đã đổi mới quan trọng trong cách thức đầu tư và tổ chức ĐTQG, rõ nhất với những đợt tập huấn liên tục  gắn với việc ưu tiên dự tranh tối đa các giải quốc tế. ĐTQG không còn bị quá phụ thuộc vào SEA Games, cũng như lịch trình hãy còn bị phân tán của giải VĐQG. Chính điều đó đã góp phần quan trọng giúp thầy trò ông Tuấn Kiệt chuẩn bị tốt và thi đấu hay tại Cúp châu Á 2022, tái lập chiến tích hạng 4 sau 10 năm, với điểm nhấn là một màn thi tài tuyệt vời trước Trung Quốc, dù thua song có được một hiệp thắng lịch sử. 

Cả quá trình tiến bộ nhanh chóng không ngừng của một ĐTQG giống như một cuộc “lột xác” ấy đã có “điểm rơi” khó tin chỉ trong hai tháng của năm 2023, mà đỉnh cao là giải CLB nữ châu Á  (25/4-2/5) trên sân nhà. Lần đầu tiên, bóng chuyền Việt Nam vô địch một giải đấu cấp châu lục, trước các đối thủ mạnh, thậm chí một số đội trước giải được đánh giá vượt trội so với chủ nhà.

Thành công này ngoài dự kiến, bất ngờ nhưng cũng xứng đáng, Việt Nam đã có một màn trình diễn cực hay, tiến bộ qua từng trận đấu về chuyên môn, khả năng phối hợp, thể hiện được khát khao, ý chí chiến đấu và sự bền bỉ, thể hiện rõ qua những cuộc lội ngược dòng quả cảm trước Liêu Ninh ở bán kết hay Thái Lan ở chung kết. Thậm chí, ở chung kết, đội chủ nhà đã có hai set cuối khiến người Thái phải rơi vào tâm trạng lo lắng sau khi dẫn trước tới 2-0. 

Chưa bao giờ bóng chuyền nữ Việt Nam để lại dấu ấn lớn đến thế

Chỉ ít ngày sau đó, Thanh Thúy cùng các đồng đội lại có một kỳ SEA Games 32 xuất sắc, dù vẫn thêm một lần phải ngậm ngùi nhận HCB. Tuy nhiên, bóng chuyền nữ Việt Nam đã có một trận chung kết hay nhất, một trận thua đáng tiếc và đáng khen nhất trước ĐTQG Thái Lan. Như thừa nhận của chính giới  truyền thông Thái Lan, nếu Việt Nam tận dụng tốt hàng loạt cơ hội và có thêm chút may mắn, để thắng hiệp thứ 3 khi tỉ số đang hòa 1-1, có thể người Thái đã bị lật ngôi. 

Mới đây nhất, tại AVC Challenge Cup 2023, một giải đấu tầm châu lục khác, ĐTVN đã lại lần đầu đăng quang thuyết phục sau  chiến thắng ấn tượng 3-2 trước chủ nhà Indonesia. Trước đó, đội đã thẳng tiến vào chung kết mà không thua một hiệp nào. Tại giải, những điểm mạnh, nhất là sự sung mãn cả về  tinh thần, thể lực, rồi sự ổn định và phần nào đó bản sắc trong lối chơi đã được duy trì ở mức cao, cho dù phải dự 3 giải đấu quốc tế gần như liên tục, phải di chuyển và thi đấu với mật độ dày. 

Với hai danh hiệu vô địch tầm châu Á, kèm theo hai suất dự tranh giải thế giới chỉ trong hai tháng, ĐTQG bóng chuyền nữ đã và đang thành công vượt bậc, phần nào đó hơn cả mong đợi. 

Đội trưởng Thanh Thúy đóng vai trò then chốt trong thành công của đội tuyển

Trong chiến thắng của đội, có thể thấy rõ dấu ấn của HLV Tuấn Kiệt, nổi bật ở khả năng sử dụng nhân sự và chỉ đạo thi đấu sắc sảo.  Cũng phải nói đến vai trò cực lớn của đội trưởng Thanh Thúy, thủ lĩnh toàn diện vượt trội cả về chuyên môn lẫn tinh thần ở đẳng cấp hàng đầu châu lục.

Toàn đội cũng đã trở thành một tập thể thi đấu gắn kết và đa dạng hơn, thể lực cũng tốt hơn hẳn, và luôn thể hiện một tinh thần quyết tâm, mạnh mẽ. Thế nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất, để “kích đẩy” ĐTQG đột phá vẫn phải là những đổi mới quan trọng về cách thức đầu tư và tổ chức ĐTQG. Có thể dễ thấy, chưa bao giờ đội tuyển của các “chân dài” bóng chuyền được tập trung cao độ, tạo kiều kiện tối đa cho việc tập huấn thi đấu như bây giờ. Trong đó, khác biệt lớn nhất, đội đã được dự tranh nhiều giải đấu quốc tế chất lượng, thi tài cùng nhiều đối thủ ở các trình độ, trường phái khác nhau. 

Qua những kỳ tích liên tiếp vừa qua đã chứng tỏ bóng chuyền nữ VN hội đủ các yếu tố để vươn cao, tấn công vào các “đỉnh” châu lục, từng bước vươn ra thế giới.  Vấn đề là phải tiếp tục có những bước đột phá nhiều mặt, rõ nhất ở việc tổ chức, xây dựng ĐTQG, cần có mục tiêu chiến lược dài hạn, tập huấn bài bản., tăng cường cọ xát thi đấu quốc tế tầm cao, bứt hẳn ra  tình trạng tập trung đào tạo kiểu “thời vụ” năm nào biết năm ấy, mà trước hết là vị trí HLV trưởng.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm