HLV kêu trời khi "VAR" liên tục mắc lỗi tại giải bóng chuyền cúp LienVietPostBank 2022

Thu Thảo
thứ bảy 22-10-2022 17:27:32 +07:00 0 bình luận
Giải bóng chuyền nữ Cúp LienVietPostBank 2022 là giải đấu thứ 2 áp dụng hệ thống Video Challenge Eyes. Ở lần sử dụng này, hệ thống được vận hành bởi đội ngũ trọng tài Việt Nam và có vẻ như chưa đem lại sự hiệu quả cao.

Ở mùa giải 2022, cùng với việc đưa ngoại binh xuất hiện trở lại, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã áp dụng hệ thống Video Challenge Eyes hay còn gọi là hệ thống Var vào các giải đấu.

Hệ thống Video Challenge Eyes hay còn được gọi là mắt thần là hệ thống máy quay phim đặt ở các góc sân nhằm giúp các đội bóng tham gia thi đấu có thể yêu cầu các giám sát trận đấu hoặc trọng tài thay đổi kết quả một pha bóng khi lỗi xảy ra chưa mang tính chất rõ ràng.

Giải bóng chuyền nữ Cúp LienVietPostBank là giải đấu thứ 2 áp dụng hệ thống mắt thần

Với những tính năng tương tự như hệ thống VAR trong bóng đá, hệ thống này cho phép xem lại các tình huống gây tranh cãi diễn ra trong trận đấu, đặc biệt là những tình huống diễn ra nhanh hoặc trọng tài bị cản trở tầm nhìn. Tại giải bóng chuyền VĐQG 2022, lần đầu tiên VCE được đưa vào sử dụng nhờ số tiền tài trợ trị giá hơn 1 tỷ đồng từ ông bầu Đào Hữu Huyền.

Việc đưa hệ thống mắt thần vào các giải đấu nhằm mục đích giúp các pha bóng trở bên công bằng hơn, rõ ràng hơn và các giải đấu trở nên chuyên nghiệp hơn, công tâm hơn và giúp trọng tài có những quyết định chính xác trong các tình huống bóng 50/50.

Sau khi giải VĐQG 2022 kết thúc đã diễn ra một số giải đấu như Giải bóng chuyền Cúp quân đội mở rộng, giải bóng chuyền Cúp Cát Bà - Amatina, giải bóng chuyền Tứ hùng Long An mở rộng và giải bóng chuyền nữ Cúp LienVietPostBank 2022. Thế nhưng, chỉ có ở giải bóng chuyền nữ Cúp LienVietPostBank là giải đấu thứ 2 trang bị hệ thống này, hỗ trợ cho công tác điều hành trận đấu của đội ngũ trọng tài. Nhưng ở giải đấu này, hệ thống var đã được vận hành bởi đội ngũ trọng tài Việt Nam, khác so với ở giải VĐQG là được hỗ trợ bởi chuyên gia Thái Lan.

Ở giải VĐQG 2022, hệ thống Video Challenge Eyes được hỗ trợ vận hành bởi chuyên gia Thái Lan

Sau khi có thông tin một lần nữa hệ thống mắt thần xuất hiện ở một giải đấu bóng chuyền, người hâm mộ đã kì vọng vào một sự đổi mới, công tâm, nhất là ở những tình huống bóng nhạy cảm. Hệ thống Video Challenge Eyes tại giải bóng chuyền nữ Cúp LienVietPostBank 2022 trang bị 19 camera (ít hơn ở giải VĐQG 2 camera) được bố trí như sau: 1 camera toàn, 2 camera lưới, 6 camera chắn bóng, 2 camera vạch 3m và 8 camera vạch biên.

Thực tế, dường như hệ thống Video Challenge Eyes tại giải bóng chuyền nữ Cúp LienVietPostBank 2022 chưa được áp dụng thực sự hiệu quả và đáp ứng được như mong đợi của giới chuyên môn lẫn người hâm mộ.

Trong quá trình diễn ra giải đấu, khi BHL các đội yêu cầu Challenge lại một số tình huống nhạy cảm thì lại nhận được thông báo từ phía trọng tài Challenge rằng "Hệ thống Challenge không xác định được pha bóng". Hoặc ở một số tình huống bóng 50/50, khi tình huống bóng được chiếu lên màn hình lớn, quyết định của trọng tài đưa ra lại chưa thật sự chính xác và thuyết phục.

Ở giải Cúp LienVietPostBank, hệ thống được vận hành bởi đội ngũ trọng tài Việt Nam

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đã có những chia sẻ về việc vận hành hệ thống mắt thần ở giải đấu lần này: "Thứ nhất, chúng ta cũng nên thông cảm một điều rằng khi không có các chuyên gia người Thái Lan hỗ trợ vận hành hệ thống Video Challenge Eyes thì sẽ có rất nhiều sai sót. Nhưng mà sai sót điển hình của những pha bóng ví dụ như ở pha bóng ngoài cột ăng-ten thì lại giải thích là camera không tới, thực tế quả bóng rót từ trên xuống và nhìn trên truyền hình đều thấy là quả bóng đó ngoài, nhưng lại cứ nhất định nhận định là trong. Và đó chính là lỗi nhận định của trọng tài thứ 3, chứ không phải là do hệ thống. Mình hiểu điều đó và mình cũng phải thông cảm vì máy móc thì không thể nào sai được nhưng nó vẫn là lỗi của vấn đề đấy.

Thứ hai, khi hệ thống Video Challenge Eyes vẫn còn khá mới tại Việt Nam, Ở những giải đấu quốc tế, khi challenge một tình huống bóng trong/ngoài, đầu tiên họ sẽ challenge ở một khoảng cách ngắn, sau đó sẽ tới một khoảng cách dài, nghĩa là sẽ có hướng đi của quả bóng chứ không kẻ một cái ô vuông và mặc định là quả bóng ấy ngoài. Việc sai sót rất dễ khiến cho các HLV và cầu thủ không thoải mái. 

HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đã nhiều lần có thắc mắc về kết quả Challenge

Tương tự, nếu muốn check tình huống bóng chạm tay, chúng ta phải nhìn vào camera ngang, nếu không thấy rõ thì nên nhìn camera sau để thấy được hiện được ngón tay bẻ ra. Thật ra, có hệ thống mắt thần sẽ tốt hơn rất nhiều nhưng chúng ta nên học hỏi về cách vận hành hệ thống này. Cần học nhiều mới có thể làm được, chứ ở đây chúng ta tự bảo nhau thì sẽ xuất hiện những sai sót và đã xảy ra ở chính giải đấu này.

Đây chỉ mới là những trận đấu của nữ mà đã rất căng thẳng. Tôi đã đi các giải đấu quốc tế khá nhiều nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng quả bóng ở ngay trước mặt trọng tài chính mà trọng tài Challenge lại giải thích rằng "Camera không thấy tình huống bóng". Cái đó khiến mình thấy chưa thật sự hợp lý. Tuy nhiên cũng cần phải thông cảm do đây là giải đấu đầu tiên Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam áp dụng hệ thống VAR mà không thuê chuyên gia Thái Lan. Hy vọng rằng chúng ta sẽ cố gắng học hỏi để đến những giải đấu tiếp theo, việc vận hành hệ thống này sẽ tốt hơn.

Giải Cúp LienVietPostBank trang bị 19 camera, ít hơn giải VĐQG 2 camera

Trao đổi với Webthethao.vn, HLV Phạm Thị Kim Huệ cũng có những nhận xét về việc vận hành hệ thống Video Challenge Eyes ở giải bóng chuyền nữ Cúp LienVietPostBank lần này: "Theo cá nhân tôi ở giải đấu lần này, mặc dù có hệ thống Video Challenge Eyes nhưng hoạt động chưa được như mong muốn, có những thời điểm quan trọng nhiều tình huống bóng không được Challenge mà chỉ nghe báo lại qua trọng tài thì thật sự sẽ khiến cho các HLV không hài lòng, tại vì khi đã có hệ thống mắt thần thì cần được như những gì mà HLV và VĐV mong muốn.

Thế nhưng do chưa chuyên nghiệp, tôi hy vọng rằng các trọng tài sẽ vận hành hệ thống Challenge Eyes này một cách nhuần nhuyễn và chuyên nghiệp hơn nữa để cho các VĐV và HLV cũng như khán giả cảm thấy có sự công tâm hơn ở mỗi giải đấu. Hy vọng phía trọng tài sẽ có những khoá học, đào tạo để giúp hệ thống này ngày một phát triển và hiệu quả hơn."

Người hâm mộ và giới chuyên môn vẫn kì vọng về sự chính xác và công tâm của hệ thông mắt thần

Ngoài những chia sẻ từ phía các HLV, khi theo dõi trực tiếp các trận đấu, rất nhiều người hâm mộ có những ý kiến trái chiều và thắc mắc về nhận định của trọng tài ở một số tình huống yêu cầu Challenge. Đặc biệt ở một số tình huống mà các đội bóng yêu cầu Challenge, phía bên trọng tài lại báo rằng Hệ thống Camera không thể quay được tình huống bóng và ở những tình huống như thế sẽ theo quyết định của trọng tài chính. Điều này khiến cho người hâm mộ và cả giới chuyên môn đều thấy rất khó hiểu và dường như hệ thống mắt thần chưa hoạt động chính xác như mục đích ban đầu.

Giống như chia sẻ của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, theo dõi các giải quốc tế, chúng ta có thể nhận thấy rằng rất hiếm khi hệ thống Challenge trả kết quả rằng "Camera không quay được tình huống bóng" hay việc check các góc camera chưa phù hợp với các tình huống.

Ở trận đấu giữa Kinh Bắc Bắc Ninh và Bình Điền Long An cũng có tình huống Challenge gây nhiều tranh cãi

Như đã nói, việc áp dụng công nghệ Video Challenge Eyes tại các giải đấu có mục đích lớn nhất là đem lại sự công tâm, công bằng, giúp các trọng tài điều hành trận đấu tốt hơn, chính xác hơn và giúp bóng chuyền Việt Nam ngày một phát triển, tiến đến chuyên nghiệp. Đây có lẽ cũng chính là lý do lớn để ông bầu Đào Hữu Huyền chi tiền tỷ để tài trợ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam trang bị hệ thống này.

Hy vọng rằng trong thời gian tới, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ có những lớp tập huấn kĩ lưỡng, cụ thể về cách sử dụng và vận hành hệ thống Video Challenge Eyes để ở những giải đấu tiếp theo, hệ thống này được vận hành công tâm và chính xác, giả bớt những tranh cãi không đáng có, đáp ứng đúng như kì vọng của giới chuyên môn và khán giả.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm