Khởi đầu từ lớp điền kinh năng khiếu của Hà Nội song ngã rẽ quyết định đã đến với Huệ ở tuổi 12 khi cô quyết định thi tuyển vào đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh Thông tin. Sở hữu tố chất hiếm có, lại được đào luyện trong một “lò” hàng đầu quốc gia, cô gái đất An Dương đã có những bước thăng tiến vượt bậc. Chỉ sau đúng 4 năm ăn tập, Huệ đã có một vị trí chính thức trong đội hình CLB từ mùa 1999, và kể từ đó tham dự đủ các giải quốc gia, luôn đứng trong nhóm chơi hay nhất.
Mới 16 tuổi. Kim Huệ đã chiếm vị trí chính thức rồi 19 tuổi đã đeo băng đội trưởng, đóng vai trụ cột số 1 ở cả CLB lẫn ĐTQG. Thời đỉnh cao 2002 - 2007, không ai ở khu vực Đông Nam Á có thể chơi hay hơn Huệ ở vị trí phụ công, cũng như có sức ảnh hưởng đến một tập thể như thế. Cú đánh một chân sau đầu ở vị trí số 2 sở trường của Huệ đủ khuất phục mọi dàn chắn.
Có thể thấy, Kim Huệ chính là ngôi sao đầu tiên, làm nên một mẫu hình và sức lan tỏa mới cho bóng chuyền nữ với các “chân dài” vốn chỉ quen với “quần đùi áo số”.
Theo giới chuyên môn, bóng chuyền nữ Việt Nam trước và sau Kim Huệ có thể có nhiều người tài năng hơn cô, cũng không ít người đẹp hơn. Thế nhưng có lẽ chỉ phụ công từng làm đội trưởng ĐTVN qua hai thời kỳ khác nhau đạt tới sự hội tụ đỉnh cao. Chị không chỉ có tài năng và bản lĩnh hơn người mà còn thể hiện được thần thái, cá tính cùng vẻ đẹp đặc biệt trên sân đấu.
Điều quan trọng, tài sắc hiếm có của Kim Huệ đã đạt tới đỉnh cao đúng vào đúng thời kỳ bóng chuyền nữ 'lên hương' gắn với truyền hình với cột mốc là giải nữ quốc tế VTV Cup năm 2004, một sự kiện đã mang tới một bước đột phá cho ĐTQG nói riêng cũng như cả bóng chuyền nữ nói riêng, nhất là về truyền thông và khán giả.
Tại giải đấu ấy, chính Kim Huệ là nhân tố quan trọng nhất của đội tuyển Việt Nam tạo nên cơn sốt hầm hập trên khắp cả nước qua những trận cầu được truyền hình trực tiếp vào giờ vàng. Trong đó rất nhiều người đến NTĐ lý do chỉ đơn giản là “để được tận mắt xem Kim Huệ ”. Ngoài vai trò thủ lĩnh toàn diện, Kim Huệ còn luôn khiến các khán đài bùng nổ, làm nức lòng khán giả cả nước theo cách riêng, bằng những pha di chuyển chiến thuật biến ảo vượt qua dàn chắn đối thủ rồi tung ra các cú đập đưa bóng găm thẳng xuống sàn. Giữa một dàn đông đảo người đẹp của 6 đội với nhiều ứng viên sáng giá đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Kazakhstan, Australia, Kim Huệ vẫn xuất hiện nổi bật và được bình chọn làm Hoa khôi của giải.
Sau VTV Cup 2004, Kim Huệ cùng ĐTVN được hâm mộ, yêu mến và săn đón chẳng khác gì một số ngôi sao bóng đá nam hàng đầu. Có lần Huệ cùng các đồng đội về Quảng Ninh dự một trận biểu diễn trong cả một biển người đón chào, với cảnh tắc đường kéo dài tới vài cây số. Có một dạo, số thư của người hâm mộ mỗi tuần đã đủ để Huệ kê gối ngủ. Cũng chỉ từ một lời than thở bột phát của Huệ cùng một vài tuyển thủ về tình cảnh khó khăn của dân bóng chuyền nhân một buổi giao lưu mà ĐTQG đã có một nhà tài trợ với mức 3 tỷ đồng/năm, chỉ tiếc rằng nó đứt gánh giữa đường. Hàng loạt các em gái, có cả những gương mặt sau này thành tuyển thủ quốc gia như Bùi Thị Ngà, Hà Ngọc Diễm hay gần nhất là Trần Thị Thanh Thúy đã mê đắm bóng chuyền và tìm đến các CLB ứng tuyển cũng bởi ước mơ một ngày có thể được như thần tượng Kim Huệ.
Vị thế ngôi sao đầu tiên, vượt trội và khác biệt, rồi sau này như ví von là “nữ hoàng không ngai” của Kim Huệ còn được tạo nên từ vẻ đẹp không tuổi, cùng niềm đam mê cùng sự tỏa sáng lâu bền với nghiệp bóng chuyền. Mãi khi đã 35 tuổi, bà mẹ một con mới chính thức giã từ thảm đấu sau mùa 2017, để lại kỷ lục độc nhất vô nhị 18 mùa liên tiếp dự tranh giải VĐQG, cùng kỳ tích 8 lần tham dự SEA Games, mà đáng ra là 9 nếu không vắng mặt ở kỳ Đại hội 2007.
Kim Huệ vẫn được mệnh danh là Hoa khôi tuyệt đối của bóng chuyền nữ với kỷ lục ba lần đoạt danh hiệu Miss ở các cuộc đấu khác nhau, gồm giải trẻ Đông Nam Á 1998, Cup châu Á 2003 và VTV Cup 2004.