Ngoại trừ bóng đá, bóng chuyền đang là môn có hệ thống giải đấu tốt nhất cho các lứa tuổi trẻ hàng năm, với giải giải trẻ toàn quốc mang tính truyền thống, giải trẻ CLB toàn quốc cũng có từ 13 năm nay, và mới nhất là giải U.23 quốc gia. Các cầu thủ trẻ đã có nhiều cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ. Tính kết nối, liên thông giữa các tuyến trong cùng một CLB cũng được nâng lên rõ rệt. Với sức hút đặc biệt, cùng điều kiện cơ sở vật chất, lương thưởng, tập luyện thi đấu, ngày càng tốt, các đội bóng, nhất là một số CLB hàng đầu, đã có thể dễ dàng tuyển chọn, thu hút được những cầu thủ năng khiếu có đam mê, tố chất, chiều cao lý tưởng.
Từ nhiều năm nay, các nhà quản lý đã luôn quan tâm đến mảng phát hiện, đào tạo cầu thủ trẻ. Điều đó được minh chứng qua sự ra đời của giải trẻ dành riêng cho các CLB, rồi áp cả chế tài (trừ điểm hay đánh tụt hạng đội 1) để buộc họ phải đầu tư, chuẩn bị và cử đội dự tranh. Thậm chí, chuyện thuê dùng cầu thủ nước ngoài tại giải VĐQG bị tạm dừng tới cả chục mùa, cũng nhắm đến đích này.
Từ hàng loạt giải pháp ấy, khâu “nền móng” của bóng chuyền Việt Nam có những thay đổi quan trọng, rõ nhất hiện tại tất cả các CLB đều đã có tuyến trẻ, có đội trẻ dự tranh giải trẻ CLB toàn quốc. Quân trẻ đều đặn được ra “lò”, và các CLB không còn lo thiếu cầu thủ tới mức không đủ số lượng tối thiểu để đăng ký theo quy định, như tình cảnh của nữ Quảng Ninh, nam Quân đoàn 4 trước đây.
Đã vượt qua bài toán về đội trẻ, số lượng cầu thủ trẻ, song điều quyết định, bóng chuyền Việt Nam vẫn đang gặp quá nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn cầu thủ chất lượng, chứ chưa nói đến những tài năng đặc biệt như Ngọc Hoa, Thanh Thúy. Nếu xét về chất lượng, công tác đào tạo trẻ vẫn đang giậm chân tại chỗ, phần nào đó bế tắc trong sự chênh lệch và tùy hứng. Trên thực tế, như giải nữ, chỉ có 3 CLB Bộ Tư lệnh Thông tin, VTV Bình Điền Long An và mới đây là Hóa Chất Đức Giang đang làm tốt, với sự đầu tư và hiệu quả vượt xa các đội còn lại. Tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tế, nhất là lấy chuẩn ĐTQG vươn ra quốc tế, ngay cả 3 đội bóng này cũng còn nhiều vấn đề. Điều đó được minh chứng rõ ràng ở ngay giải VĐQG 2022. Một VTV Bình Điền Long An khi Thanh Thúy xuất ngoại đấu thuê đã lập tức mất đi quá nửa sức mạnh, văng khỏi vị thế ứng viên tranh ngôi đầu. Nhà vô địch tuyệt đối Bộ Tư lệnh Thông tin cũng lao đao khi phải đối đầu với đối thủ có ngoại binh “khủng” trong đội hình, và bị loại ở tứ kết. Gleximco Thái Bình đã bất ngờ bước lên ngôi cao nhất, nhờ có Polina Rahimova “gánh team”, cộng thêm phần đóng góp của cựu binh mới về đầu quân Trà Giang.
Bóng chuyền Việt Nam đang thiếu hụt nguồn cầu thủ chất lượng nghiêm trọng, thậm chí như một số ông bầu than thở thì có tiền tỉ, sẵn sàng chi nhiều tỉ cũng không mua được một cầu thủ giỏi.
Có ba lý do cơ bản dẫn đến hiện trạng đào tạo trẻ của bóng chuyền Việt Nam
Thứ nhất, ngoại trừ một vài đội bóng có truyền thống hay nguồn lực tốt, đa số các CLB/địa phương vẫn buông lỏng khâu đào tạo trẻ, nếu có mang nặng tính ứng phó theo kiểu được chăng hay chớ. Khâu gốc rễ cho sự phát triển này chưa được coi trọng, đầu tư đúng mức, đúng cách.
Thứ hai, đội ngũ HLV đảm trách việc phát hiện, tuyền chọn, đào tạo cầu thủ trẻ của hầu hết các đội bóng đều đang vừa thiếu vừa yếu. Họ chỉ tác nghiệp bằng kinh nghiệm, thiếu hẳn sự áp dụng, hỗ trợ của lý luận thông tin bài bản, khoa học công nghệ. Trong khi đó, nhiều đội bóng còn bị ràng buộc bởi điều kiện cơ sở vật chất, chế độ lương thưởng, thi đấu cọ xát.
Thứ ba, bóng chuyền Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống, mô hình, chương trình tuyển chọn đào tạo mang tính quốc gia để áp dụng thống nhất cho các CLB- địa phương. Các đội bóng vẫn đang tuyển chọn, đào tạo cầu thủ trẻ, mang nặng tính tự phát và tùy hứng. Trong khi đó, từ hai thập kỷ trở lại đây, Thái Lan đã tạo nên một hệ thống đào tạo quốc gia gồm 5 lứa tuổi, bắt đầu từ U.13 cho tới ĐTQG, theo một chương trình thống nhất, bài bản, giàu bản sắc, dưới sự dẫn dắt của một đội ngũ HLV hùng mạnh.
Bóng chuyền Việt Nam, đặc biệt ĐTQG nữ với hai chiếc Cúp châu Á, hai suất dự tranh giải thế giới chỉ trong vòng hai tháng cùng một màn ra mắt ấn tượng tại FIVB Challenger mới đây, đã có những cơ hội mới để tăng tốc phát triển.
Rõ ràng, ngoài chuyện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức tập huấn thi đấu của các ĐTQG, thì còn nhiều việc quan trọng phải làm. trong đó, như nhìn nhận của Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, là phải ưu tiên chú trọng đặc biệt cho khâu đào tạo trẻ, với điểm nhấn là ứng dụng khoa học công nghệ và phương pháp hiện đại, gắn với cải tiến hệ thống thi đấu.
Chất lượng cầu thủ của bóng chuyền nữ Việt Nam được kết đọng ở lực lượng 26 cầu thủ được tập trung chuẩn bị cho việc thành lập hai Đội tuyển tham dự giải quốc tế VTV Cup từ ngày 19-26/8. Các nhà tuyển trạch đã phải rất đau đầu và khó khăn mới cho ra được 26 cái tên, phân thành các nhóm có khoảng cách lớn về trình độ, kinh nghiệm này. Tại giải đấu tới, có thể thấy rõ sự chênh lệch giữa Đội 1 và Đội 2. Ngay ở ĐTQG vừa làm nên những kỳ tích, khác biệt giữa đội hình chính và các dự bị, rồi đội hình có Thanh Thúy và không có Thanh Thúy cũng thấy rõ.