Ở mùa giải VĐQG 2022 lần này sẽ được áp dụng công nghệ Video Challenge Eyes hay còn được gọi là công nghệ Var. Đây là hệ thống 12 máy quay phim đặt ở các góc sân nhằm giúp các đội bóng tham gia thi đấu có thể yêu cầu các giám sát trận đấu hoặc trọng tài thay đổi kết quả một pha bóng khi lỗi xảy ra chưa mang tính chất rõ ràng. Việc lắp đặt công nghệ này phần nào sẽ giúp các trọng tài có những quyết định chính xác hơn trong những tình huống bóng 50-50.
Với những tính năng tương tự như hệ thống VAR trong bóng đá, hệ thống này cho phép xem lại các tình huống gây tranh cãi diễn ra trong trận đấu, đặc biệt là những tình huống diễn ra nhanh hoặc trọng tài bị cản trở tầm nhìn.
Ở giải đấu lần này, công nghệ Var sẽ không được trang bị ngay từ vòng bảng mà thay vào đó, công nghệ này sẽ chỉ áp dụng ở vòng chung kết. Lý giải cho điều này, ông Lê Trí Trường - Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chia sẻ: " Vào ngày 7/7 tới đây, các trang thiết bị của công nghệ Video Challenge Eyes mới về đến Việt Nam. Do đó, từ vòng chung kết, cụ thể là từ lượt trận tứ kết sẽ được áp dụng công nghệ này".
Cũng theo chia sẻ của ông Lê Trí Trường, toàn bộ các trang thiết bị của công nghệ Var sẽ được nhập từ Ý, và được vận hành, chuyền giao bởi các chuyên gia. Trong buổi tập huấn trọng tài diễn ra chiều ngày 1/7, các trọng tài tham dự công tác điều hành giải lần này đã được phổ biến cách áp dụng và vận hành công nghệ này.
Tại giải bóng chuyền VĐQG 2022, lần đầu tiên công nghệ Video Challenge Eyes được đưa vào sử dụng nhờ số tiền tài trợ trị giá hơn 1 tỷ đồng từ ông bầu Đào Hữu Huyền - đại diện nhà tài trợ chính của giải bóng chuyền các đội mạnh năm nay.
Hiệu quả của VAR trong bóng chuyền đã được chứng minh tại SEA Games 31 khi rất nhiều tình huống tranh cãi đã được giải quyết minh bạch và thấu đáo. Chính vì vậy việc lần đầu tiên đưa VAR vào một giải đấu bóng chuyền quốc nội giúp các VĐV tham dự giải VĐQG 2022 an tâm thi đấu.