“Oanh tạc cơ” Văn Kiều học làm thầy và bài toán lớn “máy cái” của  bóng chuyền Việt Nam

Hà Thảo
thứ năm 20-7-2023 16:01:46 +07:00 0 bình luận
Ở tuổi 39, cựu đội trưởng đội tuyển Việt Nam Ngô Văn Kiều vẫn đang là HLV kiêm VĐV tại CLB, với mục tiêu làm thầy đang gặp phải những rào cản lớn.  

Từ mấy  năm nay, cựu đội trưởng đội tuyển Việt Nam Ngô Văn Kiều đảm trách hai vai trò HLV kiêm VĐV ở đội bóng nam hàng đầu quốc nội Sanest Khánh Hòa. CLB phố biển đã vạch sẵn một lộ trình để đào luyện, bồi dưỡng “oanh tạc cơ” lừng danh ngày nào trở thành một HLV chất lượng, sẵn sàng gánh vác các nhiệm vụ ở đội.

Giống như hàng loạt cựu tuyển thủ quốc gia khác, mới đây HLV kiêm VĐV 39 tuổi này đã tham gia nghiêm túc khóa HLV cấp 1 do chuyên gia Nhật Bản đứng lớp, với sự hào hứng, hiệu quả cao. Qua khóa học, Văn Kiều mới thấy rõ có nhiều kiến thức về lý luận, chuyên môn, thông tin quốc tế, nhất là xu hướng phát triển, việc áp dụng khoa học công nghệ còn “quá mới, thậm chí chưa từng nghe”.

Oanh tạc cơ Ngô Văn Kiều vừa đóng vai trò trợ lý HLV vừa là VĐV cho Sanest Khánh Hòa

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi suốt thời gian qua ở đội, thầy Kiều cũng mới chỉ đóng vai trợ lý cho HLV trưởng, mà cũng chủ yếu hướng dẫn, trợ giúp các cầu thủ trong các buổi tập, khi đấu giải bằng kinh nghiệm của chính mình. 

Cựu chủ công sinh năm 1984 cũng cố gắng tranh thủ đi học, song mới chỉ đơn giản là hoàn thành chương trình Đại học TDTT chung. Hiện tại Kiều đang vướng hai vai ở đội một của CLB, vẫn phải ra sân khi đội cần. Anh chưa thể tập trung tối đa cho việc làm thầy (chính xác hơn là chuẩn bị, tích lũy những điều kiện cần thiết), như tham gia vào các khâu mang tính nền tảng đối với một HLV như tuyển chọn đào tạo cầu thủ năng khiếu, dẫn quân dự một giải đấu trẻ.

Và quan trọng nhất là những khóa học chuyên sâu một cách bài bản, theo đợt hay dài hạn, Trên thực tế, Kiều có muốn phát triển sự nghiệp làm thầy của mình kiểu ấy cũng khó. Một phần vì anh đang bị cuốn vào các đợt tập huấn thi đấu triền miên của CLB.  Phần nữa, bóng chuyền Việt Nam có quá ít các khóa tập huấn đào tạo. Việc du học hay học quốc tế theo các hình thức khác nhau lại càng khó, trong đó có cả một lý do chủ quan là khó khăn về ngoại ngữ!

Ngô Văn Kiều trong lớp học phân cấp HLV mới đây do Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tổ chức

Câu chuyện điển hình của Văn Kiều cũng là vấn đề chung mà các HLV có thể coi thuộc lứa trẻ song cũng đã ở tuổi U.40 đang gặp phải, ở các mức độ khác nhau. Hàng loạt HLV, những cựu tuyển thủ quốc gia xuất sắc, nổi tiếng và dày dặn kinh nghiệm, trong vai của HLV tuyến trẻ, trợ lý đội 1 hay kể cả HLV CLB dự  tranh giải VĐQG, cũng đang tác nghiệp chủ yếu chỉ bằng kinh nghiệm của bản thân và học hỏi kinh nghiệm của các thầy đi trước. Ngay cả HLV Trần Văn Giáp, người dẫn dắt đội nữ Geleximco Thái Bình vô địch quốc gia năm ngoái, khi nghe chuyên gia Nhật Bản giảng bài, cũng thẳng thắn thừa nhận về sự thật “còn thiếu nhiều và phải học nhiều”. 

Theo Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, việc đào tạo, sử dụng HLV của bóng chuyền Việt Nam đang thiếu hẳn tính hệ thống, mỗi đội bóng/địa phương áp dụng một kiểu, và hoàn toàn chỉ dựa vào kinh nghiệm, thành tích. Đội ngũ HLV đang gặp khó cả về số lượng và đặc biệt chất lượng, mà vốn duy nhất chỉ là kinh nghiệm tích lũy, chứ thiếu hẳn kiến thức, phương pháp hiện đại, khoa học công nghệ.

HLV Trần Văn Giáp thừa nhận còn rất nhiều khó khăn trong hành trình phát triển của đội ngũ HLV bóng chuyền Việt Nam

Thực trạng về số lượng, chất lượng HLV như ông Trường chia sẻ, có thể thấy rõ ở ngay giải đấu quốc nội cao nhất, giải VĐQG, nơi có sự áp đảo hoàn toàn của những gương mặt kỳ cựu, qua nhiều mùa, nhiều nhất thuộc lứa U.60. Thậm chí, có HLV U.70 vẫn được nhiều đội đặc biệt “săn đón”.  Lý do không phải vì ông quá xuất sắc mà đơn giản bởi quá thiểu HLV chất lượng.     

Rõ ràng nếu không có bước đột phá trong việc nâng chất, nâng chuẩn đội ngũ “máy cái” HLV, cụ thể là lực lượng các HLV trẻ, bóng chuyền Việt Nam sẽ quá khó để tạo nên những thay đổi cơ bản, vươn ra quốc tế. Những cựu ngôi sao như Văn Kiều, Ngọc Hoa dù nghiệp HLV có thể coi mới chỉ khởi đầu song đã đứng trước nguy cơ  không bứt khỏi  được “nếp quen” tác nghiệp dựa cả vào tích lũy kinh nghiệm như thực trạng phổ biến lâu nay. 

Theo Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, tới đây, căn cứ vào quy định quốc tế, Liên đoàn sẽ áp dụng chặt chẽ việc xây dựng hệ thống, chuẩn hóa, phân cấp các HLV gắn với các cấp độ giải đấu. Đây sẽ là cú “hích” để các đội bóng, chính các HLV quan tâm, đầu tư cho việc đào tạo, nâng chuẩn, nâng chất đội ngũ “máy cái”. Liên đoàn cũng sẽ phối hợp với quốc tế để thường xuyên mở các lớp,  các khóa đào tạo, tập huấn cho các HLV có thể ngay tại Việt Nam, hay kết hợp với các hình thức phù hợp linh hoạt khác. Nếu các HLV muốn xuất ngoại, hay các đội bóng cử HLV ra nước ngoài tu nghiệp, Liên đoàn cũng sẽ hỗ trợ tối đa. 
  

 
  

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm