Bóng chuyền nữ Thái Bình sau niềm vui lên hạng là nỗi lo đường dài

Việt Bình
thứ tư 4-11-2020 15:09:29 +07:00 0 bình luận
Những nụ cười hạnh phúc sau trận chung kết giải bóng chuyền hạng A toàn quốc năm 2020 của các cô gái Thái Bình phần nào nói lên niềm vui sướng tột cùng, nhưng đằng sau nụ cười ấy....

Bóng chuyền Thái Bình chưa khi nào hết nhân tài, tre chưa già măng đã mọc và còn lớn nhanh. Đó là bóng chuyền nam, nhưng đội bóng nữ thì sao? Sau thế hệ của những cựu binh Bùi Thị Lanh, Phạm Thị Gái...đến lượt Lê Thị Mười, Bùi Thị Huệ làm rạng danh bóng chuyền quê lúa. Đỉnh cao của các cô gái bóng chuyền quê hương 5 tấn chính là chức vô địch quốc gia mùa giải 2007 làm nức lòng người hâm mộ.

Kể từ khi chuyển mình lên chuyên nghiệp (năm 2004) bóng chuyền Thái Bình luôn được đánh giá cao tại giải các đội mạnh, duy trì trong Top 4 bảng xếp hạng đến năm 2012. Sau khoảng thời gian này, đội bóng bắt đầu suy yếu cho tới 2017 những cô gái Thái Bình mới trở lại trong top 4. Tuy nhiên ở mùa giải 2019, sau khi thua Tiến Nông Thanh Hóa trong trận chung kết ngược, những người làm bóng chuyền quê lúa mới giật mình vì đội bóng đã mai một rất nhiều.

Nguyễn Thị Uyên (5) là cái tên trẻ sáng giá nhất đội bóng chuyền nữ Thái Bình

Đối với bóng chuyền nữ Thái Bình lúc này có thể miêu tả gói gọn trong câu “tre già nhưng măng chưa kịp mọc”. Đoàn quân của HLV Trần Văn Giáp tại mùa giải 2020 vẫn cần tới những cái tên đã quá quen thuộc như Lê Thị Mười (vòng 1 tại Nghệ An) hay Bùi Thị Huệ cho thấy sự già nua của “cái nôi bóng chuyền Việt Nam”.

Không chỉ góp mặt để dẫn dắt lứa trẻ, Bùi Thị Huệ vẫn phải ra sân thi đấu và là nòng cốt cho đội bóng quê hương hướng tới tấm vé lên hạng. Tình yêu với trái bóng của cặp vợ chồng Trần Giáp, Bùi Huệ không ai có thể phủ nhận nhưng nó cho thấy bóng chuyền nữ Thái Bình đang quá thiếu nhân tài. Trong đội hình ngoài tài năng trẻ Nguyễn Thị Uyên đang trên đà phát triển chưa thấy bóng dáng một VĐV đẳng cấp để nâng tầm đội bóng. Như thế là chưa đủ để đảm bảo cho quá trình phục hưng đội bóng giàu truyền thống như nữ Thái Bình.

HLV Trần Văn Giáp sẽ rất khó khăn trong mùa giải tới nếu Thái Bình ....vẫn là đội bóng nghèo

Năm 2020, sau khi xuống hạng, nhà tài trợ đã ngoảnh mặt và các cô gái bóng chuyền quê lúa phải sống bằng đồng lương ít ỏi từ ngân sách nhà nước. Với cách làm đó, đội bóng lừng danh, nơi sản sinh những nhân tài cho làng thể thao nước nhà khó có thể yên tâm phát triển và cống hiến khi những đội bóng lớn lắm tiền nhiều của cũng đang nhăm nhe rút ruột nhân tài.

Nỗi lo là hiển hiện trước mắt với những người làm bóng chuyền quê lúa, đội bóng được đánh giá không hơn gì các đội mấp mé cửa xuống hạng tại giải các đội mạnh nên nếu không có sự thay đổi, không đủ tài chính để duy trì thì chưa nói tới phát triển trong một sớm một chiều. Đồng lương ít ỏi, chỉ cống hiến cho đội bóng quê nhà bằng tình yêu với nơi chôn rau cắt rốn trong thời đại kinh tế thị trường khó có thể bền lâu. Đó là con đường sự nghiệp, là kinh tế và là sự so sánh với những đội bóng khác dễ làm VĐV xao nhãng và bỏ quên đi tình yêu quê hương.

Mùa tới nếu như Bùi Thị Huệ giải nghệ, bóng chuyền nữ Thái Bình lại khó khăn chồng chất

Nỗi lo là hiện thực song niềm vui trước mắt là mùa tới họ được chơi tại giải đấu cao nhất Việt Nam, được tung hoành ở sân chơi đẳng cấp cao nhất bóng chuyền nội. Được trở lại nơi vốn dĩ là nhà nhưng lại đi kèm với nỗi lo đường dài về kinh tế, về nguồn lực trở thành gánh nặng tâm lý thi đấu của VĐV, BHL đội bóng.

Nhưng người hâm mộ bóng chuyền Thái Bình vẫn luôn hy vọng với tình yêu trái bóng và cái "chất quê hương" chảy trong huyết quản, những cô gái vừa bước lên bục cao nhất tại Nhà thi đấu tỉnh Bến Tre có thể toàn tâm toàn ý, vững bước trên con đường phục hưng nền bóng chuyền có bề dày truyền thống. Để làm được điều đó, những người làm bóng chuyền tỉnh Thái Bình cần phải có những hành động cụ thể và thiết thực.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm