Có những đội bóng chuyền “nhà nghèo” tuyển quân, giữ quân khó như lên trời

Thái Hà
thứ năm 16-7-2020 12:31:15 +07:00 0 bình luận
Thời buổi “có tiền là mua được tất” đang đè nặng lên những đội bóng nghèo trong việc phát hiện và đào tạo bóng chuyền trẻ.

Ngó qua những đội bóng truyền thống về phát hiện và đào tạo những tài năng bóng chuyền trẻ hiện nay mới thấy hết những khó khăn vất vả của những người yêu nghề. Còn khó hơn khi trong số ấy là những đội bóng “nhà nghèo”, cái nghèo khiến họ mất đi cơ hội vào tay những đội bóng có tiềm lực kinh tế và từ đó việc đi xuống của cả một hệ thống là điều không thể chối cãi.

Việc một đội bóng nẫng tay trên mầm non của đội bóng khác trong làng bóng chuyền Việt là không hiếm bởi họ có tiền và đó là sức hút ghê ghớm với gia đình các mầm non tương lai. Nghĩ đi, nghĩ lại cũng đúng bởi lẽ đến với bóng chuyền là các em tìm đến với nghề nghiệp của bản thân.

Nghề mà không đảm bảo nuôi sống mình và gia đình thì tại sao phải yêu nó trong khi xã hội hiện nay có rất nhiều mảnh đất khác màu mỡ hơn, cơ hội thu nhập cao hơn và ổn định hơn.

VTV Bình Điền Long An là một trong số ít đội bóng giữ được truyền thống đào tạo trẻ (Ảnh: ncvbc)

Nhìn vào cái nôi bóng chuyền Việt Nam trong vài năm qua, họ là điển hình cho một đội bóng nhà nghèo học giỏi. Rất nhiều cầu thủ tài năng cả nam và nữ của bóng chuyền Việt Nam có gốc gác Thái Bình.

Nhưng họ lại thành công trên mảnh đất khác cùng một đội bóng khác. Thành tích đội bóng nữ ngày càng đi xuống khiến những người yêu mến bóng chuyền quê lúa cảm thấy tiếc nuối cho một vùng quê giàu truyền thống và yêu bóng chuyền đến cháy bỏng.

Xuống hạng, rồi đội trẻ không thể vượt qua vòng bảng đã nói lên thực tế cảnh tỉnh những người làm bóng chuyền nơi đây phải suy nghĩ lại để phát triển. Người ta vẫn thường bảo “có bột mới gột nên hồ”, bột có rồi nhưng làm thế nào để “gột nên hồ” mới là điều đáng suy nghĩ.

Bóng chuyền Thái Bình đang gặp khó

Trong một cuộc trà dư hậu tửu với những người yêu mến bóng chuyền quê lúa, họ vẫn thường nói. Bóng chuyền Thái Bình không bao giờ thiếu người tài, nhiều em tố chất thuộc hàng TOP Việt Nam nhưng bây giờ các em chọn đi …”xuất khẩu lao động” để sau vài năm về đã có tiền tỷ trong tay và làm ăn buôn bán.

Bóng chuyền thì yêu thật đấy, chơi vui thôi chứ nếu chọn để kiếm kế sinh nhai với tình yêu đó các cháu lại tìm đến những đội bóng khác giàu tiềm lực hơn hoặc chọn đi XKLĐ để nhanh tăng thu nhập. Đúng là “cái khó bó cái khôn” nên ngay cả những người nguyện một đời gắn bó với tình yêu ấy cũng chẳng thể làm khác vì cái “cơ chế” đã tồn tại cách đây vài thập kỷ.

Giải trẻ năm nay chứng kiến sự khó khăn của cả...Liên đoàn BCVN (Ảnh: ncvbc)

Nhiều đội bóng “nhà nghèo” khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự khi có quân rồi, giữ quân lại càng khó. Thu nhập vẫn là thứ quyết định đến việc đi hay ở của một VĐV, tài năng thì càng được đội bóng lớn nhòm ngó. Nhiều đội bóng phải “khóc dở mếu dở” vì không thể đủ tiềm lực giữ quân mỗi khi kỳ chuyển nhượng đến.

Nhiều VĐV kha khá cũng được chào mời bởi những lời chào hấp dẫn về mặt đãi ngộ và cơ hội thi đấu nên chắc chắn lựa chọn sẽ nghiêng về phía có lợi cho VĐV hơn là cống hiến vì tình yêu. Nhiều người nói vui, tình yêu thời buổi này là không đủ giữ người nếu như đặt lên bàn cân với một bên là thu nhập.

Nam Long An vì...nghèo nên khó giữ được quân

Quay trở lại câu chuyện những đội bóng chuyền “nhà nghèo” tuyển quân, giữ quân khó như lên trời mới thấy cơ chế hiện nay với nhiều đội cần có sự thay đổi. Ngay đến việc xã hội hóa bóng chuyền như tìm kiếm và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp lớn đầu tư vào bóng chuyền cũng là vấn đề lớn mà những người làm bóng chuyền cần quan tâm.

Nhìn vào lứa cầu thủ nam Long An tài năng nhưng cứ lần lượt ra đi tìm cơ hội cho mình mà đau cho một trung tâm đào tạo. Không đâu xa, ngay cạnh đó là đội nữ với những ưu đãi và sống khỏe với “nguồn sữa” từ nhà tài trợ bao năm qua mới thấy chạnh lòng cho những đấng nam nhi bên cạnh.

Ngay cạnh đó là VTV Bình Điền Long An vẫn sống khỏe nhờ bầu sữa từ nhà tài trợ

Thực trạng có buồn, có đau nhưng từ đống đổ nát kia, nếu biết thay đổi tư duy và làm lại một cách bài bản thì chẳng mấy chúng ta lại có một đội tuyển bóng chuyền quốc gia hùng mạnh như bóng đá của những năm qua với đầy ắp những tài năng trẻ “chỉ muốn” cống hiến cho bóng chuyền.

Bóng chuyền hay bất kỳ môn thể thao tập thể nào khác, nó cũng như một xã hội thu nhỏ, một xã hội muốn giàu mạnh thì từng tế bào của xã hội ấy phải khỏe mạnh, đó là nguyên tắc phát triển xã hội cơ bản nhất mà ai cũng nhìn thấy.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm