Cùng nhận án, sao chỉ mình Kim Huệ kêu oan?

Việt Bình
thứ tư 28-4-2021 10:32:12 +07:00 0 bình luận
Ngày hôm qua (27/4), HLV Kim Huệ đã có cuộc gặp gỡ báo chí để nêu quan điểm về việc mình bị nhận "án oan" sau khi bị FLC cáo buộc vi phạm.

HLV Kim Huệ làm nóng làng bóng chuyền Việt

Trở lại với vụ việc Kim Huệ cùng 3 học trò nhận án kỷ luật "cảnh cáo" của Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam trong ngày 10/4 vừa qua. Trong ngày khai mạc giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021, HLV Kim Huệ cùng 3 học trò Thu Hoài, Ninh Anh, Phương Anh có biết  thông báo về việc “chuyển nhượng của cô và các học trò làm ảnh hưởng đến các hoạt động của Bóng chuyền Việt Nam” qua báo chí.

Cô bức xúc vì văn bản ra vào thời điểm nhạy cảm sẽ ảnh hưởng tới tâm lý thi đấu của đội bóng mà mình là HLV trưởng. Chia sẻ với báo chí ngay tại nhà thi đấu Đại Yên (nơi đội Ngân hàng Công thương thi đấu vòng 1) cô cho biết: "Tôi sẽ kiện đến cùng bởi cái quyết định cảnh cáo vô lý kia. Tôi không phục. Tôi chẳng ký gì với bên kia (Hãng hàng không Bamboo Airways) nên họ chẳng có lý do gì kiện tôi và tôi cũng không làm ảnh hưởng đến uy tín của bóng chuyền Việt Nam".

"Tại sao Liên đoàn không ra thông báo vào thời điểm trước hoặc sau giải đấu. Vụ việc diễn ra trước đó rất lâu rồi. Hay là có khuất tất gì để ép tôi cùng đội bóng trong thời điểm nước sôi lửa bỏng làm ảnh hưởng tới tâm lý chung của đội. Tại sao không có cuộc họp 3 bên để tôi nắm được lý do và đưa ra ý kiến của mình, đơn phương đưa ra cái cảnh cáo để ép tôi thì tôi sẽ kiện đến cùng vì danh dự, kể cả tôi sau này không làm gì liên quan tới bóng chuyền".

HLV Kim Huệ tại trận giao hữu Ngân hàng Công thương vs Bamboo Airways Vĩnh Phúc

Cụ thể, trước khi vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021 diễn ra, việc Kim Huệ - Ngân hàng Công thương - Tập đoàn FLC được dậy sóng sau vụ chuyển nhượng bất thành. Đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương trước mùa giải 2021 đối diện sự tan rã khi lần lượt HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, VĐV Lưu Thị Huệ và Vi Thị Như Quỳnh ra đi. HLV Phạm Kim Huệ lên nắm quyền chỉ đạo và ra mắt trong trận đấu giao hữu với đội bóng Bamboo Airways Vĩnh Phúc.

Ngay sau trận đấu này, những thông tin về vụ chuyển nhượng HLV Kim Huệ và các học trò sang đội bóng mới nổi của Hãng hàng không Tre Việt rộ lên. Theo đó, HLV Kim Huệ cùng 3 VĐV Thu Hoài, Phương Anh và Ninh Anh được đội bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc nhắm đến cho mục tiêu lên hạng vào mùa giải 2022.

Diễn biến vụ việc được đẩy cao khi đồng loạt 3 VĐV và vị nữ tướng nộp đơn xin nghỉ tại Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Coseco (đơn vị chủ quản của đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương). Tưởng như mọi sự đã an bài với những quyết định đó, nhưng đến phút cuối, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. HLV Kim Huệ và 3 học trò tiếp tục gắn bó với đội bóng đã tạo nên tên tuổi của mình.

Đúng ngày khai mạc vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam ra thông báo gửi tới các đội bóng về vấn đề kỷ luật cảnh cáo HLV Kim Huệ và 3 học trò. HLV Kim Huệ tỏ ra bức xúc với thông báo cảnh cáo mà theo cô là “vô lý”. Cô quyết tâm kiện để “đòi lại danh dự” sau khi vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG kết thúc.

Ngay sau khi vòng 1 kết thúc, ngày 24/4 Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam, HLV Kim Huệ cùng Công ty Cổ phần Từ thiện Xã hội FLC có cuộc gặp gỡ. Nội dung cuộc họp xoay quanh án phạt của HLV Kim Huệ và các học trò. Chủ tịch Lê Văn Thành nêu quan điểm cứng rắn về giữ nguyên án phạt cảnh cáo đối với HLV Kim Huệ và 3 học trò của cô.

Ngày 27/4, HLV Kim Huệ có cuộc gặp gỡ báo chí để "kêu oan" và yêu cầu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam thu hồi văn bản. Cô cũng đã kiến nghị lên Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT đề nghị chỉ đạo VFV thu hồi lại quyết định (mà thực chất là thông báo) đã ban hành.

Trong suốt quá trình "kêu oan", các học trò của Kim Huệ ở đâu?

Tình từ ngày 16/4/2021 (sau ngày kết thúc vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021) đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương đã nghỉ vì họ không đủ điều kiện tham dự Cúp Hùng Vương 2021 tại Việt Trì, Phú Thọ. Cúp Hùng Vương năm 2021 diễn ra từ ngày 18/4 đến ngày 21/4/2021, vậy là sau thời điểm này Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam mới có thể làm việc với HLV Kim Huệ và các học trò.

Ngày 24/4/2021 đã diễn ra cuộc gặp gỡ 3 bên giữa Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam - HLV Kim Huệ - Công ty Cổ phần Từ thiện Xã hội FLC do bà Đặng Thị Lưu Vân làm Tổng giám đốc. Nội dung cuộc họp liên quan tới Công ty Cổ phần Từ thiện Xã hội FLC tiếp tục yêu cầu HLV Kim Huệ "nhận án" (trước đó họ đã yêu cầu bộ tứ HLV, VĐV đền bù gấp 3 lần giá trị giao dịch), bản thân HLV Kim Huệ không chấp nhận án oan này nên cô không ký vào biên bản cuộc họp.

HLV Kim Huệ trong lần đầu ngồi ghế nóng

Ngày 27/4/2021 Kim Huệ một mình gặp gỡ báo giới để chia sẻ về những diễn biến của vụ việc và truyền đi thông điệp yêu cầu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam rút lại quyết định (mà thực chất là thông báo vì trên văn bản thông báo tới cô và các đội bóng không có căn cứ vào bất cứ điều luật nào). Thông qua cuộc gặp gỡ báo chí trên, HLV Kim Huệ muốn đòi lại danh dự bởi cô cho rằng “khi họ chuyển tiền, họ cũng ghi nội dung để hỗ trợ thanh lý hợp đồng, chúng tôi không thanh lý được nên đã hoàn trả chứ không có chuyện chúng tôi lừa đảo” nên chúng tôi không làm ảnh hưởng đến các hoạt động chuyển nhượng.

Có thể để ý rằng trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào sau thời điểm vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021 không thấy 3 VĐV kêu oan cùng vị nữ tướng của mình, chỉ một mình HLV Kim Huệ không chịu nhận án phạt từ Liên đoàn. Bản thân 3 VĐV cho thấy đang án binh bất động, hay họ đã chấp nhận án phạt một cách lặng lẽ? Họ không đưa ra bất cứ lý do nào bào chữa cùng HLV của mình trong suốt thời gian qua.

Vấn đề này đặt ra câu hỏi lớn cho NHM đang theo dõi vụ việc.

FLC có đang khiến Bóng chuyền Việt Nam trở nên rối loạn?

Chủ tịch tập đoàn FLC - ông Trịnh Văn Quyết phát biểu trong buổi lễ ký kết tài trợ cho giải bóng chuyền VĐQG: "Tôi bỏ bóng đá vì tôi cũng không có nhiều đội bóng để vô địch. Tôi bỏ bóng đá vì lý do nữa là quản lý VĐV (cầu thủ) rất khó và sau cuộc nói chuyện với anh Thành (Lê Văn Thành) tôi chuyển hướng làm bóng chuyền vì theo như tôi được biết các VĐV bóng chuyền “lành” hơn".

Trở lại với câu chuyện liên quan tới biên bản ghi nhớ của Hãng hàng không với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc có ghi: “Mục tiêu của đội bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc đặt ra ngay từ năm 2021, đội sẽ tham gia Giải hạng A quốc gia, phấn đấu lên hạng đội mạnh. Từ năm 2022, đội sẽ tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế, bao gồm giải Vô địch quốc gia, phấn đấu nằm trong top 8 đội mạnh quốc gia...”.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Từ thiện Xã hội FLC cùng HLV Kim Huệ tại trận giao hữu

Như vậy rất có thể từ mùa giải 2022 giải bóng chuyền VĐQG sẽ có 2 đội bóng “cùng 1 ông chủ” thi đấu. Những vấn đề về “vay - mượn” hay “xin - cho” lại được nóng lên sau lễ ký kết hợp tác của đơn vị FLC cùng hai đội bóng và với Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam.

Việc đưa HLV Kim Huệ cùng 3 VĐV của Ngân hàng Công thương về đội bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc nằm trong “lộ trình” của nhà tài trợ. Vụ việc đổ bể trong phút cuối khiến “nhà tài trợ” bị chạm... tự ái và họ quyết tâm đưa ra những lý lẽ để bảo vệ bản thân mình âu cũng là điều dễ hiểu. Trong cuộc họp kín ngày 24/4/2021, phía nhà tài trợ chưa thoả mãn với mức án của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam dành cho HLV Kim Huệ và các học trò cũng là điều không mấy khó hiểu.

Nhưng nhìn trên góc độ minh bạch chuyển nhượng VĐV thì việc chuyển số tiền lớn vào tài khoản cá nhân của VĐV, HLV liệu có phải “đi đêm” trước khi họ đàm phán hợp đồng với CLB cũ?

Những diễn biến mới của vụ việc sẽ còn hâm nóng làng bóng chuyền Việt Nam trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm