Không phải ngẫu nhiên trước vòng hai giải VĐQG rộ lên thông tin HLV Kim Huệ sẽ tái xuất để “giải cứu” Ngân hàng Công thương đang gặp khó khăn quá lớn về lực lượng. Giới chuyên môn hoàn toàn tin tưởng dù đã nghỉ đấu hai năm, song Kim Huệ với đẳng cấp cùng sự chuyên nghiệp của mình, vẫn có thể tạo khác biệt trên thảm đấu.
Còn người hâm mộ dĩ nhiên quá mong chờ. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Chứng kiến trận thua đúng nghĩa không đỡ nổi của Ngân hàng Công thương trước Thông tin LVPBank, mọi người lại càng nhớ những màn trình diễn, những cuộc bùng nổ của Kim Huệ trên thảm đấu, cho dù chị vẫn hiện diện trên băng ghế huấn luyện.
Chia tay thảm đấu sau mùa 2017 sau 24 năm tập luyện thi đấu, phụ công sinh năm 1982 Kim Huệ đã để lại kỷ lục về độc nhất vô nhị của không chỉ môn bóng chuyền mà cả làng thể thao Việt với 18 mùa liên tiếp dự tranh giải vô địch quốc gia lên con số 18. Chị cũng sở hữu kỳ tích 8 lần tham dự SEA Games, mà đáng ra là 9 nếu không vắng mặt ở kỳ Đại hội 2007. Chỉ có Huệ mới 16 tuổi đã chiếm vị trí chính thức rồi 19 tuổi đã đeo băng đội trưởng, đóng vai trụ cột số 1 ở cả CLB lẫn ĐTQG. Thời đỉnh cao 2002 - 2007, không ai ở khu vực Đông Nam Á có thể chơi hay hơn Huệ ở vị trí phụ công, cũng như có sức ảnh hưởng đến một tập thể như chị.
Cú đánh một chân ở vị trí số 2 sở trường của Huệ đủ khuất phục mọi dàn chắn. Mọi người càng phải kinh ngạc hơn khi người đẹp đất Hà Thành vẫn có thể rực sáng khi bước qua tuổi “băm”. Đỉnh cao là việc Huệ dẫn dắt Ngân hàng Công thương lật đổ sự thống trị của Thông tin LVPBank- đội bóng cũ- ở mùa 2016, để có danh hiệu thứ 7 cho mình.
Bóng chuyền nữ Việt Nam trước và sau Kim Huệ có nhiều người tài năng hơn cô, cũng không ít người đẹp hơn. Thế nhưng duy nhất phụ công từng làm đội trưởng tuyển Việt Nam qua hai thời kỳ khác nhau đạt tới sự hội tụ đỉnh cao. Chị không chỉ có tài năng và bản lĩnh hơn người mà còn thể hiện được thần thái, cá tính cùng vẻ đẹp đặc biệt trên sân đấu. Huệ còn đạt tới đỉnh cao vào đúng thời kỳ môn này 'lên hương' gắn với truyền hình từ với cột mốc là giải nữ quốc tế VTV Cup năm 2004 nên càng mang đúng nghĩa một ngôi sao khác biệt và vượt trội.
Cô gái đất Hà Thanh đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của bóng chuyền nữ. Chính Huệ là nhân tố chính của đội tuyển Việt Nam tạo nên cơn sốt hầm hập trên khắp cả nước qua những trận cầu được truyền hình trực tiếp vào giờ vàng, kéo khán giả đến các NTĐ đông nghịt, mà trong đó rất nhiều người lý do chỉ đơn giản là “để được tận mắt xem Kim Huệ ”. Còn nhớ có lần Huệ cùng các đồng đội về Quảng Ninh dự một trận biểu diễn trong cả một biển người đón chào, với cảnh tắc đường kéo dài tới vài cây số.
Có một dạo, số thư của người hâm mộ mỗi tuần đã đủ để Huệ kê gối ngủ, thậm chí kèm theo đó là những lời tỏ tình. Chỉ một lời than thở bột phát của Huệ về cảnh nghèo của dân bóng chuyền nhân một buổi giao lưu mà đội tuyển đã có một nhà tài trợ với mức 3 tỷ đồng/năm, chỉ tiếc rằng nó đứt gánh giữa đường. Hàng loạt các em gái, có cả những gương mặt sau này thành tuyển thủ quốc gia như Bùi Thị Ngà, Hà Ngọc Diễm đã mê đắm bóng chuyền và tìm đến các đội ứng tuyển cũng bởi ước mơ một ngày có thể được như thần tượng Kim Huệ.
Đến giờ nhiều người vẫn đinh ninh một ngôi sao như Huệ chắc hẳn sẽ phải có thu nhập “khủng” ở làng bóng chuyền, hay có một ông chồng đại gia, những điều mà nếu muốn người đẹp này hoàn toàn có thể. Thế nhưng, điều đó lại không phải là đích nhắm hay phù hợp với tích cách của Huệ. Gần hết nghiệp đấu của Huệ gắn với đội bóng Thông tin Quân đội, thu nhập chỉ ở mức đủ chi tiêu, mãi sau này mới khá hơn khi chuyển về đầu quân cho CLB của Ngân hàng. Huệ cũng gần như luôn từ chối những đề nghị quảng bá hay làm đại diện hình ảnh có thể mang lại những khoản đáng kể. Chị hài lòng với một cuộc sống bình dị, cũng như muốn dốc hết tâm sức cho niềm đam mê bất tận với trái bóng của mình.
Những thua thiệt đó, bởi thế, với Huệ thực ra là chuyện chẳng có gì phải phàn nàn, than trách. Nó cũng giống như chuyện chị luôn giấu đi các chấn thương, cơn đau đủ loại ở lưng, tay, đầu gối. Có lẽ điều duy nhất mà cựu đội trưởng ĐTVN thấy nuối tiếc chính là việc chưa một lần được xuất ngoại du đấu, dù có rất nhiều cơ hội. Chính Kim Huệ mới là nữ VĐV bóng chuyền đầu tiên và nhiều lần từng được các CLB nước ngoài mời sang thi đấu, ngay từ năm 2004.
Tuy nhiên, do khó khăn về thủ tục, nhất là khi cô còn đang là quân nhân nên cơ hội của Huệ không được tính đến. Càng đáng nói hơn bởi ngay cả sau này, chuyển ra đội bóng doanh nghiệp, chuyện du đấu của Kim Huệ vẫn bất thành. Đơn cử chỉ năm 2015, phụ công kỳ cựu vuột tới hai chuyến xuất ngoại theo lời mời của hai đội bóng Thái Lan vào phút chót vì các lý do khác nhau.