Bi hài quy chế “chuẩn quốc tế”
10 năm trước các nhà quản lý cũng như giới chuyên môn từng bày tỏ sự hài lòng với bản quy chế chuyển nhượng gồm bốn chương, 15 điều này, một văn bản quy phạm tương đối đầy đủ và toàn diện, bám khá sát xu hướng của bóng chuyền hiện đại quốc tế, cũng như đời sống bóng chuyền Việt Nam.
Trong đó, theo quy chế, cầu thủ dưới 18 tuổi phải được ký hợp đồng đào tạo, còn trên 18 tuổi phải được ký hợp đồng lao động, điều kiện quyết định để tham gia chuyển nhượng. Cầu thủ phải phục vụ CLB đào tạo 5 năm, tuổi để được chuyển nhượng tự do là 23.
Một điểm được đặc biệt quan tâm khác là cầu thủ có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với CLB trước thời hạn để chuyển sang CLB mới, sau khi đã bồi thường đào tạo. Mức cụ thể bằng chi phí đào tạo theo năm và hệ số CLB mà cầu thủ đang thi đấu, riêng thành viên ÐTQG tính thêm 30%. Với mức này, các tuyển thủ quốc gia sẽ là những người có mức đền bù cao nhất, gần 1,8 tỷ đồng.
Quy chế cũng nêu rõ, trong trường hợp cầu thủ đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn một cách hợp pháp mà CLB chủ quản không chấp nhận, thì sau sáu tháng kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết của cầu thủ, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam sẽ xem xét giải quyết cho cầu thủ đó được tiếp tục thi đấu cho CLB mới. CLB chủ quản buộc phải chấp nhận mức đền bù theo quy định.
Chỉ có điều, ngay khi ra đời, coi như nó đã “chết yểu”. Các CLB, cầu thủ đều không hề quan tâm và thực hiện quy chế. Thậm chí nhiều lãnh đội, HLV và hầu hết cầu thủ tới giờ vẫn… không biết đang có một Quy chế, chứ chưa nói đến các nội dung cụ thể. Càng đáng nói hơn bởi các cơ quan quản lý gần như đứng ngoài cuộc: Không tuyên truyền phổ biến, không phối hợp triển khai hay theo dõi giám sát thực tế...
Cầu thủ bị CLB … kiện ra tòa
Cả mảng chuyển nhượng cầu thủ vẫn hoàn toàn “đóng băng”. Nếu có “giao dịch” thì tất cả chỉ mang tính tùy hứng, tự phát và riêng lẻ, với nguy cơ bế tắc và tranh chấp luôn thường trực. Mỗi CLB đang làm một kiểu, mà suy cho cùng cũng chỉ phục vụ cho quyền lợi cục bộ trước mắt còn các cầu thủ cũng mỗi người “chạy” một cách. Các hiện tượng bắn tỉa, đi đêm, dìm nhau, tranh chấp, kiện tụng vẫn phổ biến, thậm chí còn phức tạp hơn.
Điển hình như chủ công bóng chuyền Nguyễn Văn Hạnh đã tự ý thương thảo rồi tự nghỉ Tràng An Ninh Bình để về đầu quân cho Đức Long Gia Lai. Chỉ khác, trước đó, anh đến với đội bóng cố đô cũng theo cách “đi đêm”. Rút kinh nghiệm từ Hữu Hà, lần này Tràng An Ninh Bình đã chủ động kiện Hạnh ra tòa để đòi bồi thường phí chuyển nhượng.
Vụ việc phức tạp, căng thẳng tới mức phải qua tới 4 lần hoãn xử, lên tới cả cấp phúc thẩm. Cuối cùng, sau khi mất cả một lượt đi của mùa 2011, Hạnh đã phải chấp nhận mất 450 triệu đồng để được tự do. Hay mới đây nhất là vụ lùm xùm của chủ công Đinh Thị Thúy với Ngân hàng Công thương. Trước nguy cơ “treo tay” kéo dài, cầu thủ này đã làm một việc chưa từng có: thuê luật sư khiếu nại Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam yêu cầu cấp thẻ để được thi đấu cho đội bóng mới.
Những lổ hổng ‘chết người” từ gốc
Suy cho cùng, sự bế tắc kéo dài của việc chuyển nhượng cầu thủ không nằm ở bản quy chế “chết yểu” mà xuất phát từ chính những lỗ hổng gốc rễ của chính bóng chuyền Việt Nam, với hai điểm cơ bản.
Thứ nhất, thực tế hiện nay số cầu thủ được ký hợp đồng lao động theo đúng quy định để có thể tham dự vào chuyển nhượng đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết đều chỉ có hợp đồng kiểu thỏa thuận, hay chỉ mang tính hình thức. Chính cầu thủ, rồi nhất là từ phía các CLB hầu hết đều rất nhập nhằng trong chuyện này, nhiều nơi còn cố tình làm như vậy để dễ bề quản lý, điều khiển cầu thủ theo ý mình.
Thứ hai, bóng chuyền Việt Nam đang cực kỳ khan hiếm nguồn cầu thủ chất lượng, xuất phát từ sự yếu kém của công tác đào tạo trẻ. Ðiều đó tất yếu sẽ gây khó khăn cho mảng chuyển nhượng. Ngay cả những trung tâm hàng đầu như Thể Công BTL Thông Tin - LienVietPostBank, Bình Điền Long An (nữ) hay Sanest Khánh Hòa, TP.HCM (nam) lâu nay, quân có chất lượng tốt còn không đủ dùng, nói gì đến chuyển nhượng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nơi, nhất là đặc biệt là các địa phương quen tự cấp tự túc chẳng hề mặn mà với dòng chảy mới, chưa kể còn ngấm ngầm phản đối.
Rốt cuộc, câu chuyện đầy bức bách chuyển nhượng cầu thủ rốt cuộc vẫn rơi vào một vòng quẩn luẩn, và chưa thấy lối ra, cho dù trước mỗi mùa giải, những người có trách nhiệm luôn tuyên bố sẽ thay đổi quyết liệt.
>> Kỳ 1 Nghịch cảnh chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền Việt: Đủ kiểu... bắn tỉa, đi đêm, dìm nhau
Đón đọc kỳ 3:
Chủ công Hữu Hà và hai lần “treo tay”, hai lần “chuyển nhượng” khó tin