Có thể thấy chiều cao trung bình đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia trong năm 2019 đã ở mức 1,81cm tiệm cận với nền bóng chuyền đỉnh cao châu Á. Đây là tín hiệu đáng mừng cho đất nước nói chung và những CLB bóng chuyền trong nước nói riêng.
Chiều cao trong bóng chuyền là cơ sở để tiến tới thành công bởi đó là nền tảng đầu tiên cho sự phát triển của bộ môn. Sau đó mới tính tới những yếu tố kỹ thuật, sức bền và khả năng ra quyết định trong những tình huống cùng một tâm lý thi đấu vững vàng. Một cầu thủ bóng chuyền toàn diện cần hội tụ đủ những yếu tố ấy để tỏa sáng trên sàn đấu.
Trong vài năm qua, yêu cầu tuyển chọn VĐV của các CLB bóng chuyền được đẩy lên cao hơn dựa vào thực tế phát triển của lứa tuổi tại Việt Nam. Nhìn sơ bộ vào tiêu chí tuyển chọn của đội bóng chuyền hàng đầu toàn quốc là nữ Thông tin Liên Việt PostBank mới thấy có những yêu cầu còn khắt khe hơn tuyển “hoa hậu”.
Ví dụ như các ứng viên nữ sinh năm 2005 có chiều cao từ 1m74 trở lên, hay sinh năm 2006 có chiều cao từ 1m72 trở lên...Trong khi đó, các đội trẻ nam tham dự giải vô địch bóng chuyền trẻ toàn quốc 2020 sở hữu những cầu thủ có chiều cao cực khủng như Biên Phòng, Ninh Bình hay Vĩnh Long cũng tương đối nhiều.
Trong lứa những cầu thủ trẻ chúng ta thấy xuất hiện những cái tên như Nguyễn Duy Khánh với chiều cao lên tới 2,10m hoặc các cầu thủ nữ trẻ với chiều cao nổi trội như Bích Tuyền (1,88m). Những tín hiệu mừng cho thấy cơ sở để đội tuyển quốc gia cải thiện về chiều cao mỗi khi “đem chuông đi đánh xứ người”.
Song có một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận các cầu thủ giỏi ngày một ít đi. Vấn đề này đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau mặc dù có một điểm chung đó là với đa số cầu thủ trẻ, họ chưa coi đây là nghề nghiệp của mình.
Tại vòng 1 giải VĐQG PV Gas 2020 tìm mỏi mắt mới thấy một ngôi sao nữ Vi Thị Như Quỳnh (Ngân hàng Công thương) hoặc Nguyễn Ngọc Thuân (Biên Phòng) là có vẻ nổi trội hơn các VĐV cùng trang lứa. Quay ngược lại năm trước đó là Nguyễn Thị Bích Tuyền (TH Vĩnh Long)...thực tế này quá ít so với yêu cầu của nền bóng chuyền nước nhà.
Mỗi năm, từ những giải trẻ chúng ta cần có nhiều cái tên “xuất chúng” để khoác lên mình chiếc áo đại diện quốc gia. Số đó càng ít đi khiến đội tuyển ngày một già đi vì quá dựa dẫm vào các cầu thủ lớn tuổi.
Giữa muôn vàn khó khăn ấy, năm nay làng bóng chuyền thấy có tín hiệu vui hơn vì lần đầu tiên giải U23 toàn quốc được tổ chức. Điều này, đáng lẽ những người làm bóng chuyền Việt Nam cần làm từ rất lâu trước đó để phát triển hệ thống đào tạo trẻ. Các CLB cần có nhiều sân chơi để cọ xát và rèn luyện cho lứa “gà nòi” thi đấu nâng cao bản lĩnh kinh nghiệm và cả kỹ năng.
Việc các CLB muốn phát triển và sở hữu nhân tài cũng cần có những ưu đãi, tạo điều kiện cho các VĐV trẻ coi đây chính là nghề nghiệp của bản thân để gắn bó và phát triển chính mình. Cần lắm những thay đổi về tư duy và cách làm để đưa bóng chuyền nước nhà lên một tầm cao mới.