Đã lâu rồi không còn thấy những cầu thủ ngoại tung hoành tại các giải đấu cao nhất Việt Nam như những năm trước đây. Khi Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam tuyên bố không sử dụng ngoại binh cho giải VĐQG từ năm 2012 thì các CLB lại quay lại sử dụng cầu thủ nội.
Các ngoại binh chỉ xuất hiện tại các giải đấu Cúp nằm trong hệ thống giải của Việt Nam. Điều mà người hâm mộ và các chuyên gia nhìn thấy rõ rệt nhất là sự phát triển và tỏa sáng của những VĐV trẻ được đôn lên đội 1 trong các giải đấu. Điều này rất tốt cho sự phát triển chung của bóng chuyền quốc gia.
Nhập tịch cầu thủ, câu chuyện cũ mà mới của bóng chuyền
Nhìn ngược lại chính việc sử dụng ngoại binh cũng mang lại những yếu tố rất tốt cho sự phát triển chung của bộ môn này. Thi đấu cọ xát với những VĐV chất lượng cao sẽ giúp chất lượng cầu thủ được nâng lên rõ rệt. Từ tâm lý thi đấu cho tới việc học hỏi những kỹ năng cũng như cách tập luyện hoặc giữ gìn hình ảnh là điều mà các cầu thủ chúng ta học hỏi được từ những ngoại binh.
Cái gì cũng có hai mặt của nó, không thể nói ngoại binh sẽ làm thui chột tài năng và những VĐV trẻ không có cơ hội thi đấu.Theo góc nhìn nào đó, ngoại binh chính là yếu tố thúc đẩy sự vươn lên của không ít tài năng trẻ muốn chen chân vào đội hình chính.
Đinh Hoàng Trai - Cầ thủ đầu tiên nhập tịch của bóng chuyền Việt Nam
Ngoại binh không chỉ giúp CLB chủ quản có thành tích mà còn là yếu tố thúc đẩy sự rèn luyện của các nội binh trong bản thân CLB. Việc các CLB “nhà giàu” tăng cường ngoại binh là điều rất đáng làm, nó không chỉ góp phần thúc đẩy tính cạnh tranh giữa các đội bóng chuyên nghiệp mà còn là cái cớ để kéo người hâm mộ tới sân.
Một giải đấu chất lượng cao với những màn trình diễn đẳng cấp quốc tế vẫn hơn đứt một giải đấu chỉ với chất lượng làng nhàng. Điều này giúp ích rất nhiều không chỉ cho giải đấu quốc nội mà còn cho đội tuyển quốc gia bước ra biển lớn.
Irina Merliakova người Nga với tên thuần Việt là Lê Kim Nhung
Trở lại với việc nhập tịch các VĐV bóng chuyền, có rất nhiều CLB đã từng nghĩ tới và thậm chí đã làm để hợp thức hóa các ngoại binh. Điển hình như trường hợp CLB Tràng An Ninh Bình nhập tịch Kitsada Somkane để thi đấu cho CLB từ giai đoạn 2 Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2016. Cái tên thuần Việt Nguyễn Văn Đa đã để lại không ít dấu ấn cho người hâm mộ bóng chuyền nước nhà.
Ngoài ra đồng đội của anh trước đó là Jitjumroon Supachai cũng nhập tịch với cái tên Đinh Hoàng Trai. Trước đó CLB Vietsovpetro còn từng bước chuyên nghiệp hóa khi nhập tịch cho chủ công Irina Merliakova người Nga với tên thuần Việt là Lê Kim Nhung. Năm 2011, Kim Nhung còn được gọi vào đội dự tuyển quốc gia để tập trung cho SEA Games 26, nhưng cô đã không lọt vào danh sách chính thức của đội tuyển nữ tới Indonesia.
Lê Kim Nhung thường hay bị chấn thương hành hạ
Việc nhập tịch cho cầu thủ là bước đi mà rất nhiều đội bóng tại Đông Nam Á đã làm và có những thành công bước đầu. Đơn cử như trường hợp đội tuyển bóng chuyền Philippines đã làm tại SEA Games 30 vừa qua, song đó là bước đi muốn nhanh chóng có thành tích.
Về lâu dài nó chưa hẳn đã là điều tốt khi chúng ta quá phụ thuộc vào nguồn ngoại binh nhập tịch này. Nên chăng, hãy phát triển từ gốc và mở cửa để sử dụng nguồn ngoại binh một cách hợp lý sẽ là sự phát triển vững bền hơn rất hiều.