Nguyễn Hữu Hà - Ngôi sao số 1 của đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia đã từng vướng vào những vụ lùm xùm không đáng có, ảnh hưởng tới cả sự nghiệp của anh trong đời thi đấu. Năm 2010, Nguyễn Hữu Hà nộp đơn xin nghỉ để chuyển công tác nhưng phía lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình cho biết “nếu tự ý ra đi, tôi có thể sẽ bị cấm thi đấu vĩnh viễn” bởi họ dựa vào đơn xin việc hồi năm 2004 của anh có ghi “tôi hứa sẽ công tác lâu dài, đem hết khả năng để xây dựng phong trào bóng chuyền của tỉnh”
Lãnh đạo Sở không đưa ra được bản hợp đồng mà Nguyễn Hữu Hà đã ký song, một lãnh đạo ngành còn đề nghị anh ký vào bản cam kết “không thi đấu cho bất kỳ đội bóng nào khác sau khi được giải quyết ra đi, thì mọi chuyện sẽ yên”. Vụ việc của anh đã được đưa lên Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và Tổng thư ký lúc đó là ông Trần Đức Phấn cho biết “Liên đoàn đã nhận được thông báo từ phía Nguyễn Hữu Hà và vẫn đang đợi 2 bên thương lượng giải quyết. Tất nhiên, chúng tôi sẽ vào cuộc một khi sự việc không có điểm dừng. Bản thân tôi luôn khẳng định dù rắc rối đến đâu thì quyền lợi của VĐV phải được đảm bảo, VĐV phải được thi đấu, nhất là đối với chủ công tốt như Nguyễn Hữu Hà”.
Thêm một lần nữa, chủ công số 1 - Nguyễn Hữu Hà dính vào vụ chuyển nhượng năm 2014 thông qua bản hợp đồng không theo một chuẩn chung nào giữa anh với đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai. Trong bản hợp đồng đó có ghi “sau khi kết thúc hợp đồng, Nguyễn Hữu Hà phải tự nguyện giải nghệ, không tham gia đội bóng nào để thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Nếu vi phạm thời gian, nội dung cam kết này thì bản hợp đồng mặc nhiên được… tiếp tục gia hạn thêm 1 năm từ 1/1/2015 đến 1/1/2016 và không khiếu nại”.
Khi chuyển từ Tràng An Ninh Bình sang Đức Long Gia Lai năm 2010, Nguyễn Hữu Hà có ký 1 bản hợp đồng có thời hạn 3 năm (2010-2012) sau đó tới đầu năm 2012, anh có ký thêm 1 bản hợp đồng khác và bị thòng vào cái điều khoản lạ kỳ kia. Phải nói rằng, cái điều khoản có 1-0-2 và không theo bất cứ một chuẩn nào của quốc tế đã trói chặt chủ công số 1 của bóng chuyền Việt Nam khiến anh bị khó.
Điều này phản ánh cho một quá trình thương thảo, chuyển nhượng cho tới ký hợp đồng không theo quy tắc chung nào. Thêm vào đó là việc đội bóng và cầu thủ tự “đi đêm” với nhau rồi tự quyết khiến cho Liên đoàn và bản quy chế chuyển nhượng hoàn toàn bị “việt vị”. Các CLB bóng chuyền, cầu thủ đều không thực hiện theo quy chế, phần nào đó không quan tâm, trong khi cơ quan quản lý nhà nước gần như đứng ngoài cuộc.
Cũng một vụ khác liên quan tới Tràng An Ninh Bình, đó là trường hợp của Nguyễn Văn Hạnh khi phải ra tòa tới 4 lần. Trong lần thứ 3 ra tòa, tòa phúc thẩm Hà Nội lại phải hoãn vì còn nhiều tình tiết rắc rối đối với vụ kiện VĐV đầu tiên trong lịch sử làng thể thao Việt Nam.
Nội dung vụ việc xuát phát từ việc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Ninh Bình cho rằng “Chúng tôi đưa số tiền 310 triệu vào tháng 9-2009 cho Hạnh. Ngay từ khi ký hợp đồng vào tháng 1-2009, Hạnh vẫn nói muốn về thi đấu cho tỉnh và nếu qua một quá trình anh thấy không đáp ứng được yêu cầu vậy tại sao vẫn nhận khoản tiền trên?”. Tuy nhiên, phía Nguyễn Văn Hạnh cũng biện minh rằng “VĐV đã có 1 thời gian tập luyện, thi đấu cho CLB Tràng An Ninh Bình cũng có nghĩa đã bỏ công sức nên xứng đáng được nhận”.
Trong lần ra tòa thứ 4 này, Trung tâm TDTT tỉnh Ninh Bình cho biết chỉ có thể giảm mức bồi hoàn cho bị đơn xuống ít nhất còn 450 triệu đồng thay vì 524.653.000 đồng như ban đầu. Tuy vậy, sau thời gian nghị án thì lần thứ 4 phiên tòa phải hoãn quyết án và khẳng định “đây là vụ án mới, có sự chồng chéo liên quan tới nhiều bên. Lần đầu tiên một CLB kiện VĐV ra tòa nên cần có thêm thời gian xem xét tình tiết”.
Gần đây hơn là trường hợp của VĐV Lê Quang Khánh tranh cãi với Trung tâm Thể dục-Thể thao Long An khi họ ra thông báo về việc cấm thi đấu đối với anh “cấm vận động viên Lê Quang Khánh tham gia hoạt động bóng chuyền trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 15-3-2017”. Vụ việc trở nên to tát bởi từ cuối năm 2016, Lê Quang Khánh đã bày tỏ ý định muốn thanh lý hợp đồng để tìm hướng chuyển nhượng. Quang Khánh không chấp nhận đăng ký vào danh sách vận động viên bóng chuyền Long An tại vòng một Giải bóng chuyền toàn quốc 2017 bởi aanh muốn chuyển sang thi đấu cho đội bóng chuyền nam TP.HCM.
Trường hợp của Lê Quang Khánh Khi không muốn thi đấu cho đội tuyển Long An nữa và muốn về thi đấu cho một đơn vị khác thì phải được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh (nếu chiểu theo bản hợp đồng cũ của anh). Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường cho biết: "Sau khi xem văn bản do công ty luật đại diện của VĐV Lê Quang Khánh gửi đến Liên đoàn thì sự việc chỉ đơn giản là VĐV này muốn xin nghỉ việc tại đội bóng. Điều này giải quyết theo Luật Lao động và không phải thẩm quyền của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam". Mặc dù vậy, ông Trường khẳng định: “Không đơn vị nào có thể cấm VĐV thi đấu trên toàn quốc”.
Mới đây vụ việc Đinh Thị Thúy cũng làm nóng lại làng bóng chuyền Việt Nam. Đinh Thị Thúy được Sở VH-TT&DL Hà Nam đã chấm dứt hợp đồng đào tạo và chuyển nhượng Thúy sang Ngân hàng Công thương từ ngày 22/10/2012. Đến ngày 1/5/2019 thì đáo hạn hợp đồng, sau thời điểm này cô không ký tiếp hợp đồng với đội bóng và chuyển sang thi đấu cho Kinh Bắc Bắc Ninh.
Tháng 5/2019, CLB bóng chuyền nữ Kinh Bắc - Bắc Ninh làm thủ tục xin Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cấp thẻ VĐV cho Đinh Thị Thúy. Cho đến thời điểm trước SEA Games và Vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG, cô vẫn chưa nhận được thẻ thi đấu bởi CLB Ngân hàng Công thương gửi đơn lên Liên đoàn cho rằng Thúy chưa hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng. Vụ kiện tốn nhiều giấy mực của báo giới cho đến trước vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG PV GAS 2019 (thi đấu trong tháng 1/2020 do đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games 30) Đinh Thị Thúy mới được cấp thẻ VĐV.
Nóng nhất làng bóng chuyền Việt trong những ngày qua không phải giải bóng chuyền hạng A toàn quốc Cúp FLC năm 2021 đang diễn ra mà đó chính là vụ Kim Huệ và 3 học trò nhận án kỷ luật từ Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam. HLV Kim Huệ vướng vào vụ kiện của Công ty Cổ phần Từ thiện xã hội FLC sau khi chuyển nhượng không thành và cô nhận án phạt cảnh cáo từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.
Hoa khôi của bóng chuyền Việt Nam vẫn muốn làm tới cùng để đòi danh dự bởi theo cô thì mình “vô tội”. Những tình tiết của vụ việc vẫn trong vòng luẩn quẩn khi chỉ mình Kim Huệ lên tiếng trong khi các bên liên quan vẫn chưa có phát ngôn chính thức tính tới thời điểm này.
Cụ thể, trước khi vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021 diễn ra, việc Kim Huệ - Ngân hàng Công thương - Tập đoàn FLC được dậy sóng sau vụ chuyển nhượng bất thành. Đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương trước mùa giải 2021 đối diện sự tan rã khi lần lượt HLV Nguyễn Tuấn Kiệt, VĐV Lưu Thị Huệ và Vi Thị Như Quỳnh ra đi. HLV Phạm Kim Huệ lên nắm quyền chỉ đạo và ra mắt trong trận đấu giao hữu với đội bóng Bamboo Airways Vĩnh Phúc.
Ngay sau trận đấu này, những thông tin về vụ chuyển nhượng HLV Kim Huệ và các học trò sang đội bóng mới nổi của Hãng hàng không Tre Việt rộ lên. Theo đó, HLV Kim Huệ cùng 3 VĐV Thu Hoài, Phương Anh và Ninh Anh được đội bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc nhắm đến cho mục tiêu lên hạng vào mùa giải 2022.
Diễn biến vụ việc được đẩy cao khi đồng loạt 3 VĐV và vị nữ tướng nộp đơn xin nghỉ tại Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Coseco (đơn vị chủ quản của đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương). Tưởng như mọi sự đã an bài với những quyết định đó, nhưng đến phút cuối, mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. HLV Kim Huệ và 3 học trò tiếp tục gắn bó với đội bóng đã tạo nên tên tuổi của mình.
Đúng ngày khai mạc vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG Cúp Bamboo Airways năm 2021, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam ra thông báo gửi tới các đội bóng về vấn đề kỷ luật cảnh cáo HLV Kim Huệ và 3 học trò. HLV Kim Huệ tỏ ra bức xúc với thông báo cảnh cáo mà theo cô là “vô lý”. Cô quyết tâm kiện để “đòi lại danh dự” sau khi vòng 1 giải bóng chuyền VĐQG kết thúc.
Nhìn từ tất cả các vụ đã qua có thể thấy rằng việc “ĐỘI BÓNG - CẦU THỦ” tự ý thỏa thuận và ra quyết định với nhau trong làng bóng chuyền là khá phổ biến. Tất cả số họ không dựa vào quy chế, quy định pháp luật mà thường tự phát để rồi khi vướng vào những khúc mắc, cơ quan quản lý rất khó có thể đưa ra một quyết định chính xác cho việc họ không tuân thủ quy định của pháp luật.
Kỳ 1: Từ trường hợp Kim Huệ tới nghịch cảnh bi hài của bóng chuyền Việt
Kỳ 2: Những cuộc "đi đêm" đình đám làm dậy sóng bóng chuyền nội
Kỳ 3: Quy chế chuyển nhượng 10 năm không áp được trường hợp nào
Kỳ 4: Nghịch cảnh bóng chuyền Việt qua chia sẻ của "người trong cuộc" đặc biệt