Giải bóng chuyền VĐQG nội dung nam, chưa có CLB nào trong 20 năm qua có được thành tích vô tiền khoáng hậu khi 2 năm liên tiếp đứng trên đỉnh cao nhất. Thành tích mà các chàng trai bóng chuyền TP.HCM đã làm được trong mùa giải 2019 vừa qua đã đi vào lịch sử của bóng chuyền Việt Nam.
Thành tích ấy gắn liền với tên tuổi của “phù thủy” Bùi Huy Châm. Đây là vị HLV đã có những thành tích rất đáng tự hào với bóng chuyền nước nhà không chỉ trên cương vị HLV mà thời còn là cầu thủ. Người ta nhắc đến ông với sự ngưỡng mộ không chỉ ở tài năng, đức độ mà còn là niềm đam mê trọn đời với bóng chuyền.
Phóng viên: Cơ duyên nào đưa ông đến với bóng chuyền?
HLV Bùi Huy Châm: Tôi tập bóng chuyền từ khá sớm, năm 14-15 tuổi đã bắt đầu chơi bóng chuyền. Sinh ra tại Nam Định và tập với đội bóng Nam Định, tuy nhiên bóng chuyền Nam Định ngày đó chưa phát triển nên tôi chuyển hướng sang Thái Bình nơi nền bóng chuyền ở đây phát triển khá mạnh để tập luyện và thi đấu.
Phóng viên: Trong hơn 50 năm gắn bó với bóng chuyền, động lực nào để ông có thể cống hiến trọn đời cho môn thể thao này?
HLV Bùi Huy Châm: Bóng chuyền là môn thể thao tập thể, ở đây có sự gắn kết của những cá nhân trong một tập thể chơi bóng. Cũng giống như bóng đá, bóng rổ...ngoài kỹ thuật cá nhân ra thì cần ó sự gắn bó trong đội hình. Nếu trình độ lên cao nữa thì đội bóng cần phải có lối đánh, khi có đẳng cấp rồi thì nó có sự phân biệt rất rõ ràng giữa VĐV cấp thấp và những VĐV cấp cao. Chính vì thế trong suốt thời gian chơi bóng bản thân tôi luôn có ý thức phấn đấu tập luyện và học hỏi cách huấn luyện của các thầy để bổ sung kiến thức cho bản thân. Chính vì tình yêu và niềm đam mê với thành tích thể thao mà tôi gắn bó với bộ môn này.
Phóng viên: Tại sao ông sinh ra ở miền Bắc, nhưng lại chọn cho mình sự nghiệp tại Miền Nam?
HLV Bùi Huy Châm: Giai đoạn năm 1975 khi tôi còn thi đấu khá tốt thời gian đó tôi kiêm luôn công tác giảng dạy, tuy nhiên sau khi giải phóng tôi được điều động từ trường ĐH TDTT vào trong Sài Gòn để phát triển phong trào bóng chuyền nên lối rẽ này đã gắn kết tôi với mảnh đất phía nam đất nước. Đầu tiên là huấn luyện cho trường ĐH TDTT có thành tích rất cao, tiếp sau đó là đội Quân đoàn 4.
Phóng viên: Ông đã từng huấn luyện rất nhiều đội bóng trong suốt cuộc đời mình, những kỷ niệm nào khiến ông thấy nhớ nhất?
HLV Bùi Huy Châm: Sau quãng thời gian huấn luyện cho trường ĐH TDTT, tiếp sau đó là đội Quân đoàn 4 thì tôi đi học nước ngoài. Thời gian này tôi cũng huấn luyện khá nhiều đội và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, đây chính là niềm say mê của bản thân tôi.
Phóng viên: Tại sao ông lại gắn bó với bóng chuyền TPHCM?
HLV Bùi Huy Châm: Sau khi tôi đi học về năm 1984, tôi huấn luyện cho Long An, Bến Tre và Vĩnh Long và đưa đội bóng lên giải A1. Sau khoảng thời gian đó tôi đi học và làm công tác huấn luyện ở nước ngoài. Khi về nước tiếp tục huấn luyện cho Vĩnh Long trong vòng 2 năm rồi chuyển về TPHCM đến nay vừa trong 5 năm với những dấu mốc đáng nhớ nhất.
Phóng viên: Kinh nghiệm nào giúp ông trở thành người mát tay khi đụng đến đâu là ở đó có thành tích?
HLV Bùi Huy Châm: Các HLV ở Việt Nam rất giỏi nhưng tôi không quan tâm đến cách làm của họ như thế nào. Tuy nhiên với bản thân tôi tôi nắm đội thì không quan tâm đến thắng thua mà quan tâm nhất tới lối đánh và chọn lối đánh phù hợp cho đội bóng. Sau đó mới chọn tới các VĐV và từng vị trí và kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho đội bóng. Cái đích của tôi là chiến thắng nên các VĐV của tôi có ý chí rất cao và thường hoàn thành rất tốt trách nhiệm với đội bóng nên thường đội sẽ có những kết quả rất tốt.
Phóng viên: Cảm nhận của ông về các VĐV bóng chuyền Việt Nam và mong muốn của ông về sự phát triển của bóng chuyền Việt Nam?
HLV Bùi Huy Châm: Các VĐV xưa thường dựa vào kỹ thuật cá nhân của mình và không thường xuyên sử dụng chiến thuật nên kết quả cũng không cao. Hiện nay, các VĐV trẻ được đào tạo bài bản về cả kỹ chiến thuật nên tôi nghĩ rằng tính gắn kết trong đội hình là rất lớn. Chúng ta chưa có vàng ở ĐNÁ thì phải phấn đấu bởi chúng ta có tiểm lực. Mong muốn của tôi với Liên đoàn là nâng cao trình độ đào tạo VĐV theo cách chuyên nghiệp và nâng cao huấn luyện VĐV trẻ thì chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành nước có trình độ bóng chuyền khá tốt trong khu vực và tại Châu Á.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện !