Sát thủ tầm cao - Từ Thanh Thuận xung quanh chuyện nghề và xuất ngoại

Thái Hà
thứ hai 14-9-2020 6:37:48 +07:00 0 bình luận
Chủ công hàng đầu của làng bóng chuyền nam Việt Nam - Từ Thanh Thuận mới đây rộ lên những thông tin anh nhận được sự quan tâm của đội bóng nước ngoài và thực hư câu chuyện đó ra sao?

Chàng trai sinh ngày 15/7/1992 tại Tiền Giang sở hữu chiều cao 1,93 m với tầm đánh 3,52m và tầm chắn 3,40m hiện đang chơi cho CLB bóng chuyền nam Sanest Khánh Hòa. Nhà vô địch của giải VĐQG PV Gas 2017, từ một cậu bé không biết gì về bóng chuyền, đến năm lớp 11 được HLV Trần Văn Sơn phát hiện và đào tạo. Từ Thanh Thuận gặp nhiều khó khăn trong thời gian đầu vì đến với bóng chuyền khá muộn nhưng nhờ có ý thức và sự cố gắng vượt bậc trong chuyên môn Từ Thanh Thuận đã thật sự toả sáng trở thành chủ công số 1 của bóng chuyền nam Việt Nam.

Năm 2016, Thanh Thuận hết hợp đồng với XSKT Vĩnh Long và sau những khúc mắc, anh chính thức khoác áo CLB Sanest Khánh Hòa và chỉ 1 năm sau đó bản thân anh giành được chiếc cúp vô địch tại giải bóng chuyền VĐQG 2017. Với chức VĐ năm đó Thanh Thuận chính thức sưu tập đủ cho mình trọn bộ danh hiệu của bóng chuyền Việt Nam với: cúp VĐQG, cúp PV Đạm Cà Mau, cúp Hùng Vương, Đại hội TDTT toàn quốc… 

Thanh Thuận trong màu áo đội tuyển quốc gia

Sở hữu những cú đập và phát bóng như trái phá, cùng những pha tấn công đa dạng trên lưới cũng như sau vạch 3m Thanh Thuận cùng dàn sao như Văn Kiều, Trung Trực giúp CLB Sanest Khánh Hòa năm nào cũng là ứng viên hàng đầu cho ngôi cao nhất tại các giải đấu của bóng chuyền Việt Nam.

Nhận xét về chủ công này, HLV Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Thanh Thuận là tài năng hiếm có của bóng chuyền VN, tương tự chủ công Ngô Văn Kiều trước đây. Trong những thời điểm tuyển VN bị đối thủ dồn vào thế khó, Thanh Thuận luôn tìm được lời giải cho VN nhờ khả năng ghi điểm linh hoạt”.

Từ Thanh Thuận tại giải bóng chuyền VĐQG PV Gas 2020

Mặc dù chơi cực hay tại giải quốc nội và Thanh Thuận từng được Maseco TPHCM mượn tăng cường để đấu giải VĐQG, khi đội nam Vĩnh Long đang chơi ở giải hạng A. Nhưng sau thời điểm đó Thanh Thuận "phải kêu cứu" vì đơn vị chủ quản là Vĩnh Long không cho ra đi, dù hết hạn hợp đồng vào đầu năm 2016.

Sau một thời gian đấu tranh, Thanh Thuận đầu quân cho Sanest Khánh Hòa. Về với đội bóng chuyền phố biển, Thanh Thuận như cá gặp nước khác hẳn với trước đây. Những cú biên, những quả xa lưới của Thuận trở nên tuyệt hay và ngày một hoàn thiện ở mức hoàn hảo. Từ Thanh Thuận lại khơi dậy niềm tin cho ĐTQG khi đàn anh Văn Kiều ngày một sa sút vì tuổi tác.

Thanh Thuận chơi rất hay tại giải VĐQG PV Gas 2020

Trong dịp đầu năm 2020 thông qua một công ty môi giới cầu thủ có gửi thư sang LĐBCVN dạm hỏi về trường hợp của Thanh Thuận, song bản thân anh cũng không muốn ra đi. Trả lời cầu hỏi về việc này Thanh Thuận cho rằng “Bản thân em muốn cống hiến cho CLB và đội tuyển nên em cũng không nghĩ tới việc ra nước ngoài thi đấu”. Sau thời điểm đó, đội bóng tham gia giải bóng chuyền VĐQG PV Gas 2020 vào tháng 6. Thanh Thuận cùng đồng đội đã xuất sắc giành ngôi đầu bảng B và tràn trề cơ hội tại vòng 2 trên sân nhà Khánh Hòa.

Mới đây, khi giải bóng chuyền VĐQG đang nghỉ cho những giải khác và một phần vì dịch Covid-19 lại thêm một công ty môi giới cầu thủ khác dạm hỏi. Đáp lại điều này Thanh Thuận chỉ nhắc lại một điều “không muốn ra nước ngoài thi đấu” mặc dù nhận được cái gật đầu từ đơn vị chủ quản.

Chàng trai trẻ ngày nào giờ đang là cánh chim đầu đàn của bóng chuyền Việt Nam

Trước đây Ngô Văn Kiều, người đồng đội của anh cũng nhận được sự quan tâm của đội bóng Samator của Indonesia và anh trở thành bản hợp đồng xuất ngoại thành công nhất với bóng chuyền nam Việt Nam. Ty nhiên đến Thanh Thuận thì tay đập ghi điểm nhiều nhất Asiad 2018 luôn muốn cống hiến hết mình cho CLB và đội tuyển quốc gia. Điều này giúp anh trở thành VĐV được yêu mến nhất tại CLB cũng như trên tuyển.

Bản thân Từ Thanh Thuận hiện nay trở thành hình mẫu lý tưởng cho nhiều VĐV trẻ tại Sanest Khánh Hòa như: Quang Đoàn, Quốc Đoàn hay Văn Tiên… chia sẻ về nghề Thanh Thuận nói “Khi mình không có chuyên môn tiếng nói của mình sẽ là vô giá trị. Nhưng khi có được chỗ đứng và tiếng nói thì đừng chỉ nghĩ đến quyền lợi bản thân mà phải vì lợi tích chung, vì quyền lợi của tập thể, tôi học điều đó từ chị Kim Huệ. Trong chuyên môn, tôi cũng lấy anh Hữu Hà hay chị Kim Huệ làm tấm gương, bởi họ luôn nỗ lực tập luyện, luôn cháy hết mình bất chấp tuổi tác hay sự nổi tiếng”.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm