Cách đây tròn 10 năm, khi giải bóng chuyền VĐQG bước vào thời kỳ sôi động với sự góp mặt của các ngoại binh khiến cho giải đấu trở thành miếng đất màu mỡ cho các VĐV thời vụ. Sau 6 năm sử dụng, lực lượng VĐV ngoại tới với bóng chuyền Việt Nam là khá phổ biến. Từ mùa giải 2005 (sau khi có quy định tạm thời về chuyển nhượng VĐV ngoại được thông qua) các đội bóng chuyền nữ Giấy Bãi Bằng, Hải Dương, hay nam Ninh Bình là những đội tiên phong sử dụng.
Mỗi CLB bóng chuyền thi đấu tại giải VĐQG được phép thuê 2 VĐV ngoại nhưng chỉ một người được ra sân thi đấu. Như vậy, với các quy định này, nhiều đội đã có phương án nhập tịch cho VĐV điển hình như Supachai (Đinh Hoàng Trai - Tràng An Ninh Bình) hay Irina (Lê Kim Nhung - Vietsov Petro).
Hiện tại giải bóng chuyền VĐQG đã không cho các đội bóng sử dụng ngoại binh (kể từ mùa giải 2013). Sau 8 năm vắng bóng lực lượng này, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng nên quay lại sử dụng VĐV ngoại để phù hợp với xu thế phát triển và tạo điều kiện cọ xát, nâng cao trình độ của các VĐV trong nước. Quá trình mở cửa cho ngoại binh thi đấu vẫn đang được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam nghiên cứu và triển khai trong thời gian tới.
Giải bóng chuyền VĐQG thời điểm cách đây 10 năm còn giữ nguyên 12 đội/nội dung khiến mỗi bảng đấu có tới 6 đội bóng. Các đội bóng nam tham dự mùa giải 2011 là: Tràng An Ninh Bình, Sacombank Biên phòng, Sanest Khánh Hòa, Quân đoàn 4, Đức Long Quân khu 5, Bến Tre (bảng A). Các đội: Long An, Thể Công, Tập đoàn Dầu khí, Quân khu 9, Quân khu 7, Công an Phú Thọ nằm tại bảng B.
Các đội bóng nữ là: BTL Thông tin LienvietPostBank, VTV Bình Điền Long An, Truyền hình Vĩnh Long, Lilama Hải Dương, Phòng không Không Quân, Tiến nông Thanh Hóa (bảng A). Các đội bóng Vietso Petro, PV Oil Thái Bình, Giấy Bãi Bằng, Ngân hàng Công Thương, Hà Nội BIDV, Quảng Ninh nằm tại bảng B.
Trong số các đội bóng này, hiện nay Quân đoàn 4, Đức Long Quân khu 5, Truyền hình Vĩnh Long, Phòng không Không Quân, Tập đoàn Dầu khí, Quân khu 9, Quân khu 7, Công an Phú Thọ, Vietso Petro, Giấy Bãi Bằng và Hà Nội BIDV đã không còn xuất hiện trên bản đồ bóng chuyền Việt Nam hay thay tên đổi họ hoặc đã xuống hạng.
So với thời điểm hiện tại, số lượng đội bóng tham dự giải bóng chuyền VĐQG đã được giảm xuống còn 10 đội/nội dung và tiến tới sẽ còn giảm xuống theo đúng lộ trình mà Tổng thư ký Lê Trí Trường có trao đổi trong buổi Lễ giới thiệu và gặp mặt báo chí chuẩn bị khai mạc giải bóng chuyền VĐQG PV GAS 2020 là còn 8 đội/nội dung.
Giải bóng chuyền VĐQG cách đây 10 năm vẫn sử dụng cách tính điểm căn cứ vào tổng điểm sau cả hai vòng đấu, các đội nhất và nhì mỗi bảng sẽ thi đấu vòng chung kết; các đội xếp thứ 3 và 4, 5 và 6 sẽ chia nhóm thi đấu xếp hạng. Đội xếp hạng thứ 11 và 12 chung cuộc phải xuống chơi hạng A mùa giải sau.
Hiện tại giải bóng chuyền VĐQG có 10 đội nam và 10 đội nữ được chia thành 2 bảng A, B thi đấu giai đoạn 1 ở hai địa phương rồi tiếp tục tạo thành các bảng C, D để thi đấu giai đoạn 2 ở hai địa phương khác. Sau khi vòng 1 khép lại, các đội xếp ở vị trí 1, 3 và 5 của bảng A và B sẽ lần lượt nhóm lại với các đội xếp hạng 2 và 4 ở bảng B và A để tạo thành bảng C và D.
Các đội sẽ tiếp tục thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm, sau đó cộng tổng thành tích ở hai vòng bảng để tìm ra những cái tên lọt vào vòng chung kết. Mùa giải 2021, tại vòng chung kết và xếp hạng, các đội hoàn thành 2 vòng đấu, kết quả thi đấu được tổng hợp và xếp hạng từ 1-10. Bước vào bán kết sẽ là hai cặp đấu 1 vs 4 và 2 vs 3 theo bảng xếp hạng. Vòng đấu tranh vé trụ hạng sẽ là hai cặp đấu 7 vs 10 và 8 vs 9. Hai đội thua bước vào trận chung kết ngược để tìm ra đội bóng phải xuống chơi tại giải hạng A mùa giải sau.