Tại sao những vụ kiện của bóng chuyền gần đây đều gắn liền Ngân hàng Công thương?

Việt Bình
thứ năm 29-4-2021 14:52:51 +07:00 0 bình luận
Vài ngày qua, HLV Kim Huệ vướng vào vụ kiện của Công ty Cổ phần Từ thiện xã hội FLC sau khi chuyển nhượng không thành và cô nhận án phạt cảnh cáo từ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.

Hiện tại Hoa khôi của bóng chuyền Việt Nam vẫn muốn làm tới cùng để đòi danh dự bởi theo cô thì mình “vô tội”. Những tình tiết của vụ việc vẫn trong vòng luẩn quẩn khi chỉ mình Kim Huệ lên tiếng trong khi các bên liên quan vẫn chưa có phát ngôn chính thức tính tới thời điểm này.

Lật lại những vụ VĐV kiện lên Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam gần nhất có lẽ là vụ việc cấp thẻ thi đấu cho VĐV Đinh Thị Thúy sau khi cô chuyển sang thi đấu cho Kinh Bắc Bắc Ninh từ đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương.

Đinh Thị Thúy được Sở VH-TT&DL Hà Nam đã chấm dứt hợp đồng đào tạo và chuyển nhượng Thúy sang Ngân hàng Công thương từ ngày 22/10/2012. Đến ngày 1/5/2019 thì đáo hạn hợp đồng, sau thời điểm này cô không ký tiếp hợp đồng với đội bóng và chuyển sang thi đấu cho Kinh Bắc Bắc Ninh.

Đinh Thị Thúy khoác áo CLB bóng chuyền nữ Kinh Bắc Bắc Ninh

Tháng 5/2019, CLB bóng chuyền nũ Kinh Bắc - Bắc Ninh làm thủ tục xin Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cấp thẻ VĐV cho Đinh Thị Thúy. Cho đến thời điểm trước SEA Games và Vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG, cô vẫn chưa nhận được thẻ thi đấu bởi CLB Ngân hàng Công thương gửi đơn lên Liên đoàn cho rằng Thúy chưa hoàn tất thủ tục thanh lý hợp đồng. Vụ kiện tốn nhiều giấy mực của báo giới cho đến trước vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG PV GAS 2019 (thi đấu trong tháng 1/2020 do đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games 30) Đinh Thị Thúy mới được cấp thẻ VĐV.

Gần đây hơn chính là đội bóng Ngân hàng Công thương có gửi thông báo tới Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam và các đội bóng về việc đề nghị không tiếp nhận chủ công trẻ Vi Thị Nhu Quỳnh vì tự ý rời bỏ khỏi nơi tập luyện (Đội bóng) không có lý do.

Cụ thể, kết thúc mùa giải 2020, Vi Thị Như Quỳnh về tập luyện tại đội bóng đất Mỏ sau khi nộp đơn xin nghỉ vì hết hợp đồng với CLB. Trong cuộc trao đổi cùng HLV Nguyễn Tuấn Kiệt (khi đó vẫn là HLV trưởng của CLB Ngân hàng Công thương) ông cho biết, Vi Quỳnh đã hết hạn hợp đồng nên cô đã tới tập luyện tại đội bóng xếp hạng 6 mùa giải trước.

Vi Thị Như Quỳnh tham gia giải trẻ trong màu áo Ngân hàng Công thương

Ngày 3/3/2021 Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Coseco - đơn vị chủ quản của đội bóng Ngân hàng Công thương đã ra thông báo gửi lên Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và tất cả các CLB bóng chuyền trên cả nước về việc "VĐV Vi Thị Như Quỳnh là học viên năng khiếu của Đội bóng chuyền nữ Vietinbank đã vi phạm tổ chức kỷ luật tự ý rời bỏ khỏi nơi tập luyện (Đội bóng) không có lý do.

Ngày 29/1/2021 Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Coseco đã có thông báo lần 1, ngày 23/2/2021 đã có thông báo lần 2 cho học viên Vi Thị Như Quỳnh cùng người giám hộ là bà Vi Thị Hương (Mẹ đẻ) yêu cầu Vi Thị Như Quỳnh khẩn trương tập trung về đội bóng chuyền nữ Vietinbank để tiếp tục thực hiện học tập, luyện tập. Nhưng đến ngày 3/3/2021 học viên Vi Thị Như Quỳnh vẫn chưa tập trung về đội bóng theo quy định đã ban hành”.

Sau thời điểm đó, 3 bên đã ngồi lại với nhau thỏa thuận và Vi Thị Như Quỳnh đủ điều kiện khoác áo CLB Than Quảng Ninh và chính thức thi đấu tại Cúp bóng chuyền Hoa Lư Bình Điền năm 2021 trong tháng 3 vừa qua sau khi đã đền bù thỏa đáng.

HLV Kim Huệ tại giải U23 quốc gia lần thứ I năm 2020

3 vụ việc khác nhau nhưng đều liên quan tới vấn đề mấu chốt là chuyển nhượng VĐV và đội bóng Ngân hàng Công thương. Theo những chia sẻ của “người cũ” tại đội bóng thì “từ ngày 1/11/2019 toàn bộ VĐV, HLV của đội bóng đã ký một thỏa thuận thanh lý chấm dứt toàn bộ hợp đồng đào tạo và hợp đồng lao động. Chính vì lý do này mà Trần Tú Linh đã được chuyển nhượng sang đội bóng Hóa chất Đức Giang Hà Nội.

Với trường hợp của Vi Thị Như Quỳnh, sau ngày 1/11/2019 thì Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Coseco ký hợp đồng đào tạo với chủ công này 1 năm. Như vậy tính tới ngày 31/10/2020 hợp đồng của cô và Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Coseco đã hoàn tất. Sau đó cô chưa đặt bút ký thêm một bản hợp đồng lao động nào với đơn vị này”.

Như vậy có thể thấy rằng với cơ chế quản lý VĐV khá lỏng lẻo của Ngân hàng Công thương rất dễ bị mất quân nếu như có đội bóng nhăm nhe muốn lấy người. Trong vụ việc HLV Kim Huệ cùng 3 học trò vướng vào những rắc rối một phần tới từ những cơ chế ấy và phần khác nằm ở việc CLB Ngân hàng công thương. Đội bóng ngành Ngân hàng đã đăng ký thi đấu HLV và VĐV tham gia giải VĐQG 2021 lên Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, do vậy Kim Huệ cùng 3 VĐV sẽ khó lòng tham dự ngay giải hạng A toàn quốc diễn ra ngay sau đó nếu như thanh lý được hợp đồng và chuyển sang đội bóng mới.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm