Thảm cảnh thừa tiền không có “người” để mua của bóng chuyền Việt Nam

Thái Hà
thứ sáu 5-6-2020 11:01:02 +07:00 0 bình luận
Bóng chuyền Việt Nam thời gian qua có những thay đổi mạnh mẽ về bộ mặt song ẩn sâu đằng sau nó là thảm cảnh thừa tiền không có “người” mà mua của những đội bóng lắm tiền nhiều của.

Nhìn qua một lượt những vụ chuyển nhượng đình đám của bóng chuyền Việt Nam trong năm qua đều thấy một điểm chung “họ đều là những cựu binh”.

Những cái tên mới nổi hoặc là được đội bóng chủ quản ràng buộc bằng những bản hợp đồng cũ hoặc cũng chưa đủ tầm để đội bóng cần người để ý. Nói như vậy để thấy rằng thực trạng bóng chuyền Việt Nam không phải đi lên mà đang có phần chững lại trong công tác đào tạo trẻ hoặc phát triển những tài năng sớm lộ diện.

Nguyễn Thị Xuân là cái tên HOT nhất trong mùa chuyển nhượng năm nay

Điểm qua một vòng các đội bóng nam và nữ dự giải bóng chuyền VĐQG năm nay đều sử dụng quân số cũ như đương kim vô địch Thông tin Liên Việt PostBank hay đôn một nửa đội hình trẻ lên như Ngân hàng Công thương (nữ), Biên Phòng (nam). Họ là những tên tuổi của làng bóng chuyền Việt Nam và đang có những bước đầu thành công với đào tạo trẻ.

Đó là con số ít đội bóng có được một nền tảng tạm gọi là vững chắc cho tới thời điểm này. Có rất nhiều đội bóng trước khi bước vào mùa giải mới còn loay hoay tìm người để vá chỗ trống như VLXD Bình Dương (nam) đến “phút thứ 89” mới mượn được chuyền hai Nguyễn Huỳnh Anh Phi từ Đăk Lăk.

Chuyền hai Nguyễn Huỳnh Anh Phi chuyển tới VLXD Bình Dương trong những ngày gần đây

Những đội bóng “lắm tiền nhiều của” thì đào tạo trẻ lại chưa cân xứng với lứa kế cận, chính vì vậy mà họ rất cần những tài năng về đầu quân để xây dựng đội hình. Nhưng than ôi..., tiền nhiều cũng khó có thể tìm kiếm được VĐV tài năng đáp ứng nhu cầu của đội.

Thế mới thấy cái khó của bóng chuyền Việt Nam trong thời gian này. Nhiều cầu thủ chất lượng  đang nắm giữ vai trò chủ chốt trong đội hình tại CLB chủ quản nên khả năng ra đi là cực thấp. Những cầu thủ thực sự muốn ra đi lại không nhiều, hoặc là vướng mắc hoặc là đã hết động lực cống hiến, số đó không nhiều.

Những đội bóng như Thông tin Liên Việt PostBank rất ổn định vì lứa kế cận đủ sức cáng đáng

Cái thiếu ở nhiều CLB bóng chuyền nước nhà thì ai cũng thấy, quân số chưa bao giờ đảm bảo đến mức có hai đội hình sẵn sàng chinh chiến. Điều này đến từ kinh tế, song không phủ nhận một điều là tài năng bóng chuyền trẻ đang khan hiếm dần.

Đến những cựu binh còn 5 lần 7 lượt trở lại cứu đội bóng hay có những VĐV sắp hết thời bỗng dưng tăng giá đến chóng mặt. Phải chăng sự khan hiếm nguồn cầu thủ đang trở nên cấp bách đến mức báo động cho toàn ngành.

Bùi Thị Huệ về với Than Quảng Ninh trong mùa bóng 2020

Để nuôi dưỡng, chăm bẵm và đào tạo nên một VĐV bóng chuyền đỉnh cao không chỉ là yếu tố may mắn mà đó là cả quá trình dài tìm tòi, phát hiện nuôi dưỡng và phát triển.

Không chỉ có vậy, việc ràng buộc cầu thủ với đội bóng chủ quản cũng cần rõ ràng và có cơ chế cụ thể để có được sự cống hiến như cách làm của đội bóng Quân đội đang là đương kim vô địch bóng chuyền nữ Việt Nam. Có như thế, viêc giữ quân và phát triển đội mới trở thành tiêu chí và định hướng cụ thê của người làm bóng chuyền.

Đinh Thị Trà Giang là cái tên HOT trong mùa chuyền nhượng vừa qua

Nhìn về quá khứ, những đội bóng ăn xổi ở thì như Hòa phát Hưng Yên hay Bảo Long Hà Tây là những điển hình về làm bóng chuyền kiểu... thương mại. Họ bê nguyên một đội bóng làng nhàng về và đánh bóng một cách nhanh chóng để thi đấu với tên hiệu của đơn vị chủ quản.

Nhiều tiền có thể mua, nhưng thời điểm này có nhiều tiền chưa chắc đã mua được dù chỉ là 1 cầu thủ thường thường bậc trung chứ chưa nói tới một tài năng xuất chúng như cách đây hơn chục năm, khi Đức Long Gia Lai đã mua được chủ công lừng lẫy của bóng chuyền Việt Nam thời điểm đó Nguyễn Hữu Hà.
 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm