Cấm hay không hình thức sở hữu bên thứ ba trong bóng đá?

thứ sáu 30-9-2016 17:14:09 +07:00 0 bình luận
Việc cựu HLV ĐT Anh Sam Allardyce tiết lộ về việc "lách luật" trước lệnh cấm hình thức sở hữu bên thứ ba một lần nữa dấy lên câu hỏi: Có nên cấm hay không?

Việc cựu HLV ĐT Anh Sam Allardyce tiết lộ về việc "lách luật" trước lệnh cấm hình thức sở hữu bên thứ ba của FIFA một lần nữa dấy lên câu hỏi: hình thức này có nên bị cấm hay không?

CLB Oud-Heverlee Leuven (OHL) của Bỉ đã đồng ý đóng vai trò cầu nối giúp cho một công ty đầu tư sở hữu các cầu thủ tại Anh. Hay nói cách khác, công ty đầu tư sẽ đóng vai trò như một bên thứ ba sở hữu cầu thủ, bên cạnh CLB chủ quản và chính bản thân cầu thủ đó.

Phóng viên của tờ Telegraph đã có cuộc trao đổi với ông Jimmy Houtput, Chủ tịch của OHL, qua điện thoại. Theo ông Houtput, công ty đầu tư trên sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để mua cầu thủ. Trong trường hợp cầu thủ đó được bán cho một CLB khác, công ty này sẽ nhận được 90% giá trị chuyển nhượng, phần còn lại dành cho CLB bán cầu thủ.

Ông Jimmy Houtput.

Ông Jimmy Houtput.

Trên thực tế, bê bối của ông Jimmy Houtput và đội bóng tí hon của Bỉ có lẽ sẽ không ai để ý tới nếu như vụ việc cựu HLV ĐT Anh Sam Allardyce đã tiết lộ những cách “lách luật” trước lệnh cấm hình thức “sở hữu thứ ba” của FIFA không bị vỡ lở.

Cụ thể, nếu muốn mua một cầu thủ nào đó về CLB của mình, ông Allardyce sẽ trả tiền trực tiếp cho một người đại diện, sau đó để anh ta liên hệ với cầu thủ, sắp xếp một cuộc chuyển nhượng, và cuối cùng, tiền hoa hồng sẽ chảy vào túi chủ đầu tư. Điều này sẽ loại bỏ khái niệm quyền sở hữu kinh tế của cầu thủ. 

Hình thức sở hữu thứ ba.

Một trong những thương vụ đính đám nhất liên quan tới hình thức "sở hữu thứ ba" chính là phi vụ chuyển nhượng tiền đạo Neymar từ Santos sang Barcelona. Tháng 6/2013, BLĐ Barcelona chính thức công bố, 57 triệu euro là số tiền đội bóng này phải bỏ ra để có được sự phục vụ của chân sút người Brazil này. Tuy nhiên, Santos khẳng định, họ chỉ nhận được đúng ... 17,1 triệu euro từ việc bán Neymar. Rắc rối nằm ở chỗ, trước khi cập bến Barca, tiền đạo này thuộc sở hữu của nhiều bên, gồm Santos và 2 công ty đầu tư khác có tên DIS và Teisa.

Tiền đạo Neymar.

Theo thỏa thuận, Santos sẽ nhận 55% số tiền chuyển nhượng của Neymar, 40% thuộc về DIS và 5% thuộc Teisa. Do vậy, sự chênh lệch quá lớn về con số mà Barca và Santos đưa ra đã khiến cho DIS và Teisa nghi ngờ về chuyện "ăn chia không đều". Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi tờ Globo tiết lộ rằng, theo như thỏa thuận riêng giữa Barca và Santos thì đội bóng Brazil sẽ nhận 2 triệu euro nếu Neymar lọt vào Top 3 cho danh hiệu Quả bóng Vàng và các khoản thu từ hai trận đấu giao hữu được tổ chức giữa các đội bóng với điều kiện đi kèm Barca phải trả 4,5 triệu bảng nếu Neymar không ra sân.

Trước thông tin trên, ông Roberto Moreno, Giám đốc điều hành của DIS cho biết, ông sẽ yêu cầu các bên liên quan công bố đầy đủ các tài liệu chi tiết của thương vụ này. Mọi chuyện đã chính thức khép lại vào tháng 6 năm nay khi Barcelona chấp nhận nộp phạt 5,5 triệu euro và thừa nhận đã tiêu tốn gần 100 triệu euro để đưa Neymar về sân Nou Camp. 

Điều này một lần nữa chứng minh một điều, hình thức “sở hữu thứ ba” (TPO) vẫn còn tồn tại trong làng bóng đá thế giới, dù cho hình thức này đã bị Liên đoàn bóng đá Anh (FA) nghiêm cấm cách đây 6 năm và chính thức bị Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) loại khỏi “môn thể thao Vua” vào năm ngoái.

Việc Falcao chuyển tới Atletico Madrid cũng nhờ hình thức ''sở hữu bên thứ bên thứ ba''.
Việc Falcao chuyển tới Atletico Madrid cũng nhờ hình thức "sở hữu bên thứ bên thứ ba".

Cựu chủ tịch UEFA, ông Michel Platini, từng dùng từ "nô lệ" để miêu tả về TPO, nhưng những người ủng hộ hệ thống này lại cho rằng nó sẽ giúp ích cho các CLB không mạnh về tài chính vẫn có thể hoạt động trên TTCN.

Tuy nhiên, không phải đội bóng nào cũng có sẵn tiền mua ngôi sao, trường hợp của Falcao là một ví dụ điển hình. Porto và Atletico phải nhờ sở hữu thứ ba mới có thể mua được chân sút này và nhờ đó họ thành công trên sân cỏ. Do đó, TPO đã giúp cho chuyện mua "sao" không còn là cuộc chơi của những "Ông lớn" như Real Madrid, Man City hay Man United. 

Hình thức "sở hữu bên thứ ba" có những tác động có lợi với nền bóng đá thế giới, nhưng cũng có mặt tiêu cực nếu như các tổ chức như FIFA hay FA không đưa ra được những quy định rạch ròi, rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Liệu cấm hình thức "sở hữu bên thứ ba" có phải là cách tốt nhất khi hoàn toàn phù hợp với tiêu chí “rút ngắn khoảng cách giữa các đội bóng” mà UEFA đang hướng tới?

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm