Đã có nỗi ám ảnh đeo bám các HLV giành chức vô địch Premier League những năm gần đây và đó là lời cảnh báo với Antonio Conte cùng Chelsea đang băng băng về đích.
Người đồng hương Claudio Ranieri vừa phải trả giá bằng những kết quả tồi tệ với Leicester ở mùa giải này. Nhà ĐKVĐ Premier League đứng chênh vênh ở vị trí thứ 17 và kết cục là “Gã thợ hàn” bị sa thải chỉ 9 tháng sau khi đăng quang, dù hiện vẫn còn cơ hội lọt vào tứ kết Champions League.
Việc Ranieri bị sa thải là một xu hướng đáng báo động của các nhà cầm quân dù giành được thành công tại Premier League trong những năm gần đây.
Kể từ năm 2012, 4 trong số 5 HLV giành chức vô địch ở giải đấu hàng đầu nước Anh đã bị mất việc – gồm Roberto Mancini và Manuel Pellegrini của Manr City, Jose Mourinho của Chelsea và bây giờ tới lượt Ranieri của Leicester.
Chỉ có Sir Alex Ferguson tránh được kết cục như vậy khi ông quyết định về hưu ngay sau khi cùng Man Utd giành chức vô địch. Tuy nhiên, “Quỷ đỏ” thời hậu Ferguson trồi sụt ra sao thì tất cả đều đã rõ. Họ rơi tự do cùng David Moyes, Ryan Giggs, Louis van Gaal và thành tích với Mourinho mùa này cũng chỉ ở mức tạm chấp nhận được.
Dĩ nhiên, sức ép đối với một HLV dẫn dắt đội bóng giành chức vô địch là rất lớn. Như trường hợp của Pellegrini. Ông đã may mắn cùng Man City đăng quang nhờ Liverpool “tự sát” để có thể trụ hết mùa giải thứ hai.
Nhưng chính trong quãng thời gian này, niềm tin của CLB dành cho chiến lược gia người Chile giảm sút, để rồi bước sang mùa thứ ba, ông đã sớm biết trước số phận của mình khi Man City tuyên bố Guardiola sẽ là HLV mới từ tháng 2 năm ngoái.
Ngoài áp lực về thành tích trong việc duy trì thành công sau chức vô địch, một HLV còn phải đối phó với nguy cơ về những bất ổn trong phòng thay đồ. Mourinho đã không thể giải quyết được mâu thuẫn này mà cuối cùng phải ra đi đằng sau những thông tin về việc bị một số ngôi sao như Diego Costa, Eden Hazard “đâm sau lưng”.
Tình cảnh của Ranieri có lẽ cũng không khác là mấy bởi ông rời sân King Power trong nỗi cay đắng về cả sự bội ơn từ CLB lẫn những ánh mắt hả hê của một số người. Cảm giác khó chịu kéo dài âm ỉ trong lòng đội bóng khi Kasper Schmeichel, Jamie Vardy nhiều lần “mặt nặng mày nhẹ” với ông thầy người Italia.
Conte cũng có thể đối diện với hoàn cảnh phức tạp như thế trong một đội bóng có những ngôi sao cá tính lớn như Diego Costa, Eden Hazard. Trên thực tế, việc va chạm từng xảy ra ở mùa giải này mà may mắn là cả hai bên đã nhanh chóng dẹp yên.
Giờ Conte và Chelsea đang tiến gần đến chức vô địch Premier League, nhưng sẽ không nói trước được điều gì ở mùa giải tới, nhất là sau sự phức tạp ở những đội bóng đăng quang những năm gần đây.
Người hâm mộ Chelsea có thể chỉ trích bình luận viên Gary Neville là “độc mồm” khi dự đoán rằng, Conte sẽ rơi vào tình cảnh như Ranieri bởi chức vô địch đã trở thành “chén thuốc độc mới” ở xứ sương mù.
Tuy nhiên, về phần mình, Conte lại không hề lo ngại đối với bất kỳ khả năng nào bị sa thải. Ông tin rằng, sức mạnh của HLV người Italia xuất phát từ chính nỗi sợ hãi bị sa thải.
Sa thải HLV diễn ra thường xuyên hơn ở Italia so với ở Anh và Conte nói rằng, nỗi sợ bị sa thải là động lực để các HLV xử sở mỳ ống làm việc chăm chỉ.
“Ở Italia, chúng tôi được sử dụng để... bị sa thải và chúng tôi sống với tình trạng này”, Conte cho biết. “Nó không dễ dàng, nhưng biết điều này bạn sẽ phải mạnh mẽ hơn và đạt 120% năng suất làm việc. Bởi vì bạn biết cuộc sống của mình có thể sẽ rất ngắn”.