Khi những đại diện hoặc môi giới cầu thủ còn bị gọi là “cò” bóng đá, chẳng khó hiểu cách nhìn của người đời về cái nghề có vẻ không làm mà hưởng này.
Sir Alex như nước, "siêu cò" như dầu
Thời còn làm nghề, Sir Alex Ferguson - HLV vĩ đại nhất lịch sử Premier League nói thẳng ông ghét cay ghét đắng Mino Raiola - tay đại diện sắm vai trò then chốt đưa Paul Pogba rời Man Utd.
Trong quyển tự truyện “Leading” phát hành hồi năm ngoái, Sir Alex Ferguson từng nhắc lại điều này: “Có 1-2 tay môi giới mà tôi không ưa. Mino Raiola là một trong số đó. Tôi cảm thấy gã này chẳng đáng tin ngay từ hồi biết hắn… Hắn với tôi như dầu với nước vậy”.
Có chung cảm nghĩ như Sir Alex Ferguson về giới đại diện cầu thủ có lẽ rất nhiều, đặc biệt là những CĐV của Premier League hoặc Bundesliga.
Bởi theo tiết lộ mới đây từ FA, tổng số tiền mà Premier League lót tay cho đại diện cầu thủ chỉ riêng trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2016 đã là 46,58 triệu bảng, còn riêng Man Utd chi ra tới hơn 10 triệu bảng chỉ trong mùa qua.
Tóm lại mọi đội bóng ở Premier League đều mất phí cho “cò” mà nhẹ nhất là Everton cũng phải tới nửa triệu bảng chỉ tính đầu năm nay.
Trong khi ấy, Bundesliga với 18 đội cũng mất tới 127,73 triệu euro chi cho các nhà môi giới cầu thủ trong 3 kỳ chuyển nhượng gần đây. Schalke dẫn đầu với 16,69 triệu euro, còn Bayern Munich bỏ ra 16,67 triệu euro.
Sở dĩ nhiều người không ưa mấy người đại diện cầu thủ, nhất là các “siêu cò” như Mino Raiola hay Jorge Mendes là do ngoài phí môi giới, họ còn hưởng 10% từ tổng giá trị hợp đồng mà khách hàng được gia hạn.
Đại diện đúng nghĩa phải coi cầu thủ như con
Nhưng tới đây, hãy thử lật ngược vấn đề: Nếu chỉ biết lợi dụng cầu thủ hoặc HLV để kiếm tiền như loài dơi khát máu, tại sao các tay môi giới vẫn còn đất sống màu mỡ tới tận bây giờ?
Theo một số đại diện cầu thủ thuộc loại có “số má” thậm chí còn kém xa Mino Raiola và Jorge Mendes, nghề làm đại diện cầu thủ hiện nay chẳng khác nào làm cha mẹ của các cầu thủ trẻ - những người có nền tảng học vấn thấp, thậm chí trưởng thành trong môi trường không có giáo dục nhất định.
Hậu quả là những cầu thủ trẻ ấy thiếu hẳn kỹ năng sống cần thiết để khống chế bản thân khi đột nhiên được nắm trong tay khoản tiền cực lớn. Thậm chí, lớn tuổi như Jamie Vardy mà khi được lên chơi ở Premier League cũng từng không giữ được đôi chân trên mặt đất.
Vì vậy, các tài năng trẻ cần phải có người đại diện để giúp họ thu hoạch tối đa trong cái nghề có tuổi ước chỉ 15 năm.
Clifford Bloxham - thành viên của hãng Octagon làm đại diện cho Gareth Southgate, Frank Lampard, Graeme Le Saux và Daniel Sturridge… khẳng định: “Chẳng có cầu thủ 21 tuổi nào đủ chính chắn định hướng cho tương lai, nên cần có chúng tôi giúp họ đi đúng hướng”.
Người đại diện có tâm sẽ đưa khách hàng đi vào con đường của Gary Lineker, còn những người “chộp giật” chỉ khiến các tài năng trẻ sa lầy như Paul Gascoigne.
Jamie Moralee – hiện cùng Pete Smith điều hành New Era Global Sports Management tâm sự: “Tôi từng thấy những tài năng trẻ sống trong hồ bơi tràn ngập rượu vang, nhưng lúc bước qua tuổi 38 thường chẳng xoay nổi tiền mua giày cho con cái. Do đó, nhiệm vụ của những người đại diện là giúp cầu thủ duy trì được cuộc sống mà họ quen hưởng thụ sau khi giải nghệ”.
Chính vì vai trò quan trọng của giới đại diện cầu thủ, một số CLB thậm chí còn thuê luôn “siêu cò” hỗ trợ chiêu mộ cầu thủ.
Công việc thầm lặng chỉ người trong cuộc mới hiểu
Theo tiết lộ của Pete Smith, một đại diện cầu thủ hợp cách phải có mối quan hệ gần gũi với thân chủ tới mức họ có thể ngủ lại nhà người kia, biết rõ khách hàng thường bỏ bao nhiêu thỏi đường vào tách trà, hoặc mê đánh bạc tới cỡ nào…
Để đạt đến mức độ thân thiết ấy, người đại diện có khi chỉ về nhà vào lúc 3-5 giờ sáng. Trách nhiệm càng nặng nề khi họ phải lo giải quyết hậu quả nếu khách hàng trót gây ra rắc rối.
Jamie Moralee cùng Pete Smith từng rơi vào cảnh ấy khi phải minh oan cho Rio Ferdinand trong một lần anh bị công chúng hiểu lầm. Ảnh hưởng của vụ này chẳng hề nhỏ, vì thời trung vệ của Man Utd còn thi đấu, có tới 5 triệu NHM thường xuyên theo dõi trang Twitter của anh.
Hoặc trong vụ tranh cãi về phân biệt chủng tộc giữa Anton Ferdinand với John Terry, New Era Global Sports Management luôn có đại diện sát cánh bên thân chủ Anton Ferdinand từ buổi đầu đến ngày cuối tại tòa.
Bên cạnh công việc như một vệ sĩ cho cầu thủ, phần việc quan trọng nhất của các đại diện là phải giúp thân chủ có được hợp đồng tốt nhất cũng như đáp ứng được kỳ vọng của cầu thủ đó.
Đây chẳng phải chuyện đơn giản, như Jamie Moralee giải thích: “Các cầu thủ thường không hiểu được chuyển biến của thị trường kinh tế toàn cầu. Vì vậy mà đôi khi, chúng tôi buộc phải từ chối thỏa hiệp với các lãnh đạo CLB mà họ muốn tới, nhưng không phải vì quyền lợi của mình. Cái khó là trong những trường hợp như vậy, chúng tôi phải cố tránh làm mất lòng bất cứ ai, vì điều đó có thể ảnh hưởng tới các cuộc thương thảo liên quan đến khách hàng khác trong tương lai”.
Điều này phần nào lý giải tại sao ngay cả HLV Jose Mourinho cũng cần tới Jorge Mendes làm đại diện. Bởi lẽ, giới “quần đùi, áo số” thừa sức làm tốt công việc chuyên môn, nhưng nếu muốn họ đạt được lợi ích cao nhất khi thương lượng với các Giám đốc điều hành CLB thì quả thật nằm mơ, chưa thiệt thòi đã là may.
Bởi vậy, Rachel Anderson – nữ đại diện cầu thủ hiếm hoi có giấy phép hành nghề của FIFA xem ra không quá lời khi cho biết: “Chúng tôi không chỉ tìm kiếm hợp đồng và vụ chuyển nhượng tốt nhất cho khách hàng, mà còn phải quan tâm đến các nhà tài trợ và lo giao tiếp với truyền thông thay họ”.