Premier League là thiên đường về lương với chi phí lên tới hơn 2 tỷ bảng mỗi mùa. Thế nhưng, dù lương cao thì giải đấu này vẫn phải đối diện tình trạng nợ nần.
Theo đánh giá hàng năm của công ty kiểm toán Deloitte, hóa đơn tiền lương tại Premier League đã đạt đến con số đáng kinh ngạc lên tới 2,04 tỷ bảng, nghĩa là nhiều hơn cả hai giải đấu phía sau gồm Italia (986 triệu bảng) và Tây Ban Nha (977) gộp lại.
Sở dĩ tiền lương ở xứ sở sương mù tăng cao như vậy là nhờ doanh thu rất lớn. Nó sẽ còn vượt xa mốc 2,04 tỷ bảng nói trên khi thỏa thuận mới về phân chia bản quyền truyền hình mới có hiệu lực từ mùa Hè này.
Doanh thu của các CLB Anh đã lấn át các đội bóng khác thuộc nhóm 5 CLB hàng đầu châu Âu trong nhiều năm. Số liệu ở mùa giải 2014/15 cho thấy 20 CLB Premier League có thu nhập 3,3 tỷ bảng, trong khi giải Bundesliga xếp phía sau chỉ đạt 1,8 tỷ bảng. Ở mùa giải vừa kết thúc, doanh thu của Premier League đạt khoảng 3,7 tỷ.
Thế nhưng, khi việc phân chia tiền bản quyền truyền hình mới có thời hạn 3 năm trị giá 8,3 tỷ bảng được tiến hành, con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,5 tỷ. Nói cách khác, mỗi CLB ở mùa tới sẽ có doanh thu bình quân hơn 220 triệu bảng. Nếu tỷ lệ chi tiêu về tiền lương đối với thu nhập tương tự như bây giờ, tổng quỹ lương sẽ là khoảng 2,5 tỷ bảng.
Như vậy, kể từ mùa giải tới, mỗi CLB Premier League sẽ kiếm được gần bằng với những gì một đội bóng ở Tây Ban Nha, Ý và Đức thu về gộp lại với nhau.
Khi Premier League bắt đầu vào mùa giải 1992/93, lương cơ bản của mỗi CLB đạt trung bình 77.000 bảng một năm, tương đương với 1.480 mỗi tuần. Cộng thêm tiền thưởng, con số này tăng lên khoảng 100.000 bảng một năm, hoặc khoảng 2.000 bảng mỗi tuần.
Vào thời điểm hiện tại, mức lương cơ bản tại Premier League là khoảng 1,8 triệu bảng (34.000 mỗi tuần) và tăng lên 2,3 triệu bảng khi bao gồm cả tiền thưởng thường xuyên (44.000 mỗi tuần), mặc dù có sự khác biệt lớn giữa CLB lớn nhất và CLB nhỏ nhất.
Báo cáo của Deloitte mới đây cho thấy các CLB có thể đủ khả năng chi tiêu khi Premier League là giải đấu có lợi nhuận cao nhất trong năm thứ hai liên tiếp, điều xảy ra ở 17 trong tổng số 20 CLB. Sự giàu có chủ yếu đến từ doanh thu bản quyền truyền hình. Thế nhưng, lợi nhuận nói trên chỉ xảy ra trong một hoặc hai mùa giải và không thể che lấp được thực tế đã tồn tại suốt nhiều năm, đó là tình trạng nợ nần tăng theo lũy tiến.
Tính đến nay, Chelsea đã phải chịu hậu quả do thói chi tiêu thái quá dưới thời ông chủ Roman Abramovich với 1,1 tỷ bảng nợ gắn liền với một khoản vay không lãi suất. Dù thấp hơn nhưng khoản nợ của một ông lớn khác là Man United cũng lên tới 255 triệu bảng.
Ngoài ngoại lệ là Man City giữ được sự cân bằng thì hầu hết các CLB, từ nhỏ đến lớn đều đang phải “ôm” khoản nợ kéo dài dù được hỗ trợ lớn từ doanh thu bản quyền truyền hình. Có thể kể đến Sunderland nợ 139 triệu bảng, Liverpool 9 triệu, Newcastle 81 triệu, West Ham 67 triệu, Southampton 48 triệu, Stoke 33 triệu, Everton 31 triệu.
Rõ ràng, thiên đường Premier League có thể hấp dẫn mọi cầu thủ về chi phí tiền lương lớn hơn bất cứ giải đấu nào khác, nhưng đằng sau nó vẫn là những bóng mây u ám về tài chính mà các CLB phải đối mặt.