Mồi câu tiền BQTH "khủng" từ Trung Quốc làm hỏng Premier League?

thứ năm 15-12-2016 15:24:44 +07:00 0 bình luận
Trung Quốc sẽ rót khoản tiền khủng mua bản quyền truyền hình Premier League, nhưng đáng lo là nó có thể gây chia rẽ giữa các CLB và phá nát giải Ngoại hạng?

Trung Quốc sẽ rót khoản tiền khủng mua bản quyền truyền hình Premier League, nhưng đáng lo là nó có thể gây chia rẽ giữa các CLB và phá nát giải Ngoại hạng?

Đang có khó khăn trong việc duy trì sự đoàn kết giữa 20 CLB Premier League về một thỏa thuận truyền hình chung, bất chấp giá trị khổng lồ 8,3 tỷ bảng của gói bản hợp đồng hiện tại (2016-19) đem lại sự sung túc cho các đội bóng.

Phó chủ tịch điều hành của Man Utd, Ed Woodward mới đây đã mở rộng cuộc đàm phán riêng giữa nhóm 6 CLB lớn (Big Six) ở giải Ngoại hạng về hợp đồng bản quyền truyền hình mới từ đối tác Trung Quốc. Đây là vấn đề đang gây tranh cãi do xung đột lợi ích giữa các CLB lớn và phần còn lại.

Các CLB Premier League sẽ thực hiện hợp đồng bản quyền truyền hình ở nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay, tính trên một quốc gia và vùng lãnh thổ, với gói 3 năm có giá trị 564 triệu bảng từ PPTV - dịch vụ video streaming của Trung Quốc - bắt đầu từ mùa giải 2019/20. Con số này tăng gấp mười hai lần thỏa thuận hiện tại.

Gói BQTH từ Trung Quốc gây xung đột lợi ích giữa các CLB lớn và phần còn lại

Gói BQTH từ Trung Quốc gây xung đột lợi ích giữa các CLB lớn và phần còn lại 

Tuy nhiên, Man Utd, vốn có quyền lợi thương mại riêng ở Trung Quốc, cần phải thuyết phục được các ông lớn khác gồm Man City, Arsenal, Tottenham, Chelsea và Liverpool về đề nghị mới từ đất nước đông dân nhất thế giới này.

Vấn đề then chốt khác là cuộc dàn xếp của nhóm Big Six gây ra sự phân hóa sâu sắc với 14 CLB còn lại tại Premier League. Theo đó, 14 CLB này không mấy hài lòng trước sự chia rẽ khi 6 ông lớn "ly khai", tạo thành "Super League thu nhỏ" trong lòng giải đấu lớn nhất xứ sương mù nhằm kiểm soát nguồn thu và đặc biệt là cách thức phân chia nguồn thu từ BQTH.

Trên thực tế, việc PPTV muốn chi trả nhiều tiền bản quyền hơn cho nhóm Big Six có thể sẽ phá vỡ hệ thống phân phối nguồn lợi bản quyền kiểu tập trung hiện tại ở Premier League.

Gói bản quyền truyền hình mới từ Trung Quốc có giá trị 564 triệu bảng

Gói bản quyền truyền hình mới từ Trung Quốc có giá trị 564 triệu bảng 

Theo công bố mới đây, gói bản quyền truyền hình mới 2016-2019 có giá trị 5,13 tỷ bảng, có nghĩa là mỗi CLB sẽ nhận được ít nhất 99 triệu bảng tiền thưởng bất kể kết thúc ở vị trí nào trong mùa 2015/16. Vì vậy, các CLB trung bình và nhỏ lo sợ rằng, gói bản quyền mà người Trung Quốc ưu ái cho các ông lớn sẽ tác động tiêu cực đến lợi ích của mình.

Nếu được phân chia công bằng như hiện nay, bất kỳ CLB nào cũng có thể rủng rỉnh tiền bạc để tiến hành tăng cường lực lượng. Điều này đã góp phần tạo ra những hiện tượng như Leicester ở mùa giải trước, phá vỡ thế độc quyền của các CLB, giúp giải đấu thêm tính cạnh tranh và giảm bớt sự nhàm chán.

Tiền thưởng Premier League

 

Lấy ví dụ, trong mùa giải trước, tổng số tiền thưởng của đội nhận cao nhất là Arsenal ở mức 99,8 triệu bảng, trong khi đội xếp cuối Norwich là 66,3 triệu, có nghĩa không quá chênh lệch. Ở mùa 2014/15, Leicester đứng thứ 14 vẫn kiếm được 68,7 triệu bảng, khoản kinh phí quan trọng giúp họ tăng cường lực lượng để một năm sau lên ngôi vô địch.

Gói bản quyền truyền hình trong nước tại Premier League đang được phân chia công bằng, nhưng gói bản quyền nước ngoài có thể không

Gói BQTH trong nước tại Premier League đang được phân chia công bằng, nhưng gói bản quyền nước ngoài có thể không 

Bài học từ La Liga hay Serie A chỉ ra rằng, khi việc phân chia tiền bản quyền truyền hình có lợi cho các CLB lớn ngày càng tạo ra sự phân hóa rõ rệt ở giải VĐQG. Khi chức vô địch luôn thuộc về Barcelona, Real Madrid, Juventus, mức độ hấp dẫn của giải đấu ngày càng thụt lùi so với Premier League, vốn luôn được đánh giá cao về tính cạnh tranh.

Chẳng hạn, ở mùa giải này, Barcelona và Real Madrid nhận số tiền phân chia tương ứng là 150 và 148 triệu euro, nhiều gần gấp 3 lần những đội xếp cuối như Las Palmas (62 triệu), Granada (63). Tương tự, tại Serie A, Juventus được phân chia nhiều nhất với 122,8 triệu euro ở mùa 2015/16, bỏ xa đội thứ hai Milan (96,5 triệu) và so với đội xếp cuối là một trời một vực khi Carpi chỉ có 25,2 triệu.

Tất nhiên, phải thừa nhận rằng, tính ưu việt của việc phân chia tiền bản quyền truyền hình tại Premier League xuất phát từ chính số tiền khổng lồ mà nhờ đó các ông lớn sẵn sàng “chia sẻ” với phần còn lại.

Giá trị bản quyền truyền hình Premier League đã tăng vọt kể từ bản hợp đồng trong nước 5 năm đầu tiên chỉ đạt 191 triệu bảng từng được ký kết với Sky vào năm 1992. Con số này đã tăng lên 670 triệu bảng trong 4 năm từ 1997 đến 2001, trước khi đạt mốc 1,2 tỷ bảng cho giai đoạn 2001-2004.

Giá trị gói bản quyền

 

Giá trị bản quyền này sau đó giảm còn 1,024 tỷ bảng ở giai đoạn 2004-2007 nhưng tăng vọt lên 1,706 tỷ bảng vào giữa những năm 2007 và 2010. Trong 3 năm 2010-2013, trị giá của nó là 1,773 tỷ, trước khi tạo sự đột phá mãnh liệt với mức 3,018 tỷ bảng trong thỏa thuận vừa kết thúc ở mùa giải trước và 5,136 tỷ được điều chỉnh trong thỏa thuận hiện nay.

Giá gói BQTH

 

Bản quyền truyền hình ở nước ngoài của Premier League cũng chứng kiến sự gia tăng tương tự, từ mức 38 triệu bảng ban đầu trong giai đoạn 1992-1997 cho đến con số khổng lồ 3,2 tỷ bảng với  bản hợp đồng 3 năm bắt đầu vào đầu mùa giải này. Như vậy, so với gói 3 năm trước đó, nó đã tăng 45% và số tiền được các đài truyền hình trên toàn thế giới chi trả dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Ngoài bản hợp đồng khổng lồ với phía Trung Quốc, hệ thống truyền hình NBC của Mỹ đã trả 658 triệu bảng (1 tỷ USD) cho gói bản quyền 6 năm 2016-2022, trong khi kênh truyền hình châu Phi SuperSport trả 296 triệu bảng cho giai đoạn 2016-19 ở khu vực Nam Sahara.

Tuy nhiên, nhiều tiền đôi khi lại gây ra rắc rối mà ở đây "núi tiền" từ Trung Quốc đang phát sinh mâu thuẫn không hề nhỏ và có thể "làm hỏng" sự bền vững hiện nay ở Premier League.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm