Khi được đề nghị nói về tương lai Di Maria, HLV Louis van Gaal không trả lời trực tiếp. Thay vào đó, ông nói: “Mọi cầu thủ phải thích nghi với triết lý và Di Maria không ngoại lệ. Cậu ấy vẫn có thể làm được như vậy, dĩ nhiên, vì cầu thủ nào cũng có thể, nhưng quan trọng trong đầu cậu ấy thực sự muốn làm. Khi bạn sẵn sàng tiếp thu phương pháp huấn luyện, bạn có thể thay đổi. Nhưng thay đổi cách hành xử rất khó”.
Một lời cảnh cáo rất rõ ràng của Van Gaal gửi tới Di Maria. “Không phải Di Maria không có tài năng. Cậu ấy phải chơi theo cách chúng tôi muốn. Không phải cách tôi muốn, nhưng trong cách chúng tôi muốn như một CLB”. Vậy là đã rõ. Ý của Van Gaal chỉ trích đôi chân trị giá gần 60 triệu bảng không chịu hạ cái tôi để hòa nhập cùng tập thể.
Old Trafford dường như không phải miền đất lành cho những cầu thủ tấn công người Argentina. Trước Di Maria, Juan Sebastian Veron, rồi Carlos Tevez từng được đặt rất nhiều kỳ vọng khi ra mắt người Man Utd, rốt cuộc đều sớm ra đi.
“Tôi thừa nhận tôi thấy làm việc với các cầu thủ Argentina khá khó khăn. Họ luôn có tinh thần yêu nước sâu sắc. Họ lúc nào cũng có lá cờ quấn quanh người. Tôi không vấn đề gì với chuyện đó, nhưng những người tôi từng huấn luyện không đặc biệt cố gắng học tiếng Anh. Với Veron chỉ có từ “Ngài”, Sir Alex Ferguson viết về Juan Veron trong cuốn hồi ký của ông. Còn về Tevez, nhà cầm quân huyền thoại người Scotland từng cho rằng tiền đạo này “chỉ chơi vì bản thân”.
Không bàn đến sự đóng góp về chuyên môn của 2 cái tên kể trên, bởi thực tế Tevez ít nhiều đã có quãng thời gian gây ấn tượng hơn người đàn anh Veron. Lý do chung khiến bộ đôi này và giờ là Di Maria đang chật vật khó có cửa sống tại Man Utd là không có được cảm tình từ Sir Alex Ferguson trước kia và Van Gaal hiện tại vì cái tôi quá lớn. Họ tự cho phép bản thân có một vị thế đặc biệt và có lẽ trong thâm tâm, Veron, Tevez hay Di Maria nghĩ rằng những người xung quanh mới phải thay đổi phù hợp với mình.
Cái tôi là cá tính riêng của mỗi người. Khẳng định cái tôi cá nhân để làm nổi bật sự hiện diện bản thân, không bị hòa lẫn vào giữa đám đông là nhu cầu bình thường, không hề xấu. Nhưng đề cao bản thân quá cao, nghĩ mình là số 2 không có kẻ số 1 sẽ trở thành kẻ ích kỷ và tự những người như vậy đẩy họ vào một góc.
Cuộc sống vận hành không chỉ bởi từng cá nhân, mà cần sự kết nối giữa cá nhân – người khác – chúng ta.
Q. NGUYÊN