Premier League 2016/17: Cơn sốt bắt đầu… (Bài 1)

thứ ba 9-8-2016 13:25:54 +07:00 0 bình luận
Khảo sát của Sports Market Intelligence chỉ ra rằng, quá nửa trong số 2,3 tỷ NHM bóng đá trên khắp toàn cầu tự nhận mình là “fan ruột” của Premier League.

Khảo sát của Sports Market Intelligence chỉ ra rằng, quá nửa trong số 2,3 tỷ NHM bóng đá trên khắp toàn cầu tự nhận mình là “fan ruột” của Premier League. 

Tỷ người chờ một quả bóng

Con số “fan ruột” của giải Ngoại hạng mà Sports Market Intelligence (SMI) khảo sát đưa ra hồi năm ngoái là quanh ngưỡng 1,2 tỷ. Trong đó, tại quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc, ước lượng có tới 174 triệu NHM Premier League. Tại đất nước Hồi giáo đông dân nhất, Indonesia, con số này là 96 triệu và tại Ấn Độ là hơn 89 triệu.

Ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, 1/3 người dân ở đây cho biết họ theo dõi Premier League thường xuyên, tương đương hơn 55 triệu. Còn ở những quốc gia như Mỹ, Thái Lan, Nga hay Mexico, mỗi nước có từ 20-30 triệu “fan ruột” giải Ngoại hạng.

Chừng đó đủ thấy Premier League đang được mong chờ nhường nào, từ châu Á tới Lục địa đen, từ Bắc Mỹ đến tận châu Đại dương, đặc biệt khi ngày khai màn mùa giải 2016/17 đã cận kề, cuối tuần này, thứ Bảy ngày 13/8.

Premier League 2016/17: Cơn sốt bắt đầu… (bài 1)
Cuối tuần này trái bóng Premier League sẽ bắt đầu lăn.

 Rõ ràng, nếu Premier League đã trở thành “hiệu ứng toàn cầu”, có thể thu hút sự chú ý của cả tỷ NHM trên khắp nơi thì ngay tại quê hương của giải đấu, “cơn sốt” đương nhiên rất sôi sục.

Một khảo sát khác của SMI chỉ ra rằng, nếu cả 20 CLB ở Premier League đồng loạt đá sân nhà trong cùng một ngày, họ sẽ thu hút sự chú ý của 3% dân số Anh, hay nói cách khác sẽ có hơn 1,5 triệu người Anh tìm cách tiếp cận các trận đấu.

Nếu đem so sánh với La Liga hay Bundesliga, con số ở đây chỉ vào khoảng 1,6% dân số (Đức, TBN) và ở Serie A hay Ligue 1 thì tỷ lệ chỉ là 1% dân số (Ý, Pháp). Đúng là không có giải VĐQG nào có thể bén gót Premier League, xét cả về độ phủ sóng, lẫn thu hút sự quan tâm từ phía NHM.

 Độc bá mạng xã hội

“Bóng đá thực sự là môn thể thao toàn cầu, đặc biệt là bóng đá châu Âu và nổi bật nhất là Premier League”, tiến sỹ Roger Pielke Jr nhận xét khi công bố bản nghiên cứu chuyên sâu về 17 giải đấu thể thao chính, hấp dẫn, được theo dõi nhiều nhất hành tinh, hồi năm ngoái.

Trong thời đại các trang mạng xã hội lên ngôi như hiện tại, khi từ khóa như “Premier League” được “toàn cầu hóa” thì cũng dễ hiểu khi nó tạo ra hiệu ứng rộng lớn trên những Facebook, Twitter, Instagram...

Premier League 2016/17: Cơn sốt bắt đầu… (bài 1)

ảnh quote"Tài khoản Facebook chính thức của Premier League hiện có 37,92 triệu lượt người theo dõi, nhiều hơn bất kỳ giải đấu thể thao nào khác trên thế giới"

Theo nghiên cứu của Roger Pielke Jr, trong số 10 CLB thể thao nổi tiếng nhất thế giới, có lượng người theo dõi qua các tài khoản chính thức của mỗi CLB như Facebook hay Twitter, thì có tới 5 đội bóng đến từ Premier League.

Ở các môn thể thao còn lại, không môn nào có quá 2 CLB lọt vào Top 10.

Cụ thể hơn, những đại diện của EPL nằm trong Top 10 kể trên là Man Utd, Liverpool, Arsenal, Chelsea và Man City. Trong khi đó, hai CLB được theo dõi nhiều nhất trên MXH ở La Liga là Barcelona cùng Real Madrid. Và Bundesliga, Serie A mỗi giải chỉ có duy nhất 1 đại diện góp mặt.

Premier League 2016/17: Cơn sốt bắt đầu… (bài 1)

Đáng nói, ngay cả giải bóng rổ nhà nghề NBA cũng chỉ có 1 CLB nằm trong Top này, đó là LA Lakers xếp thứ 9, ngoài ra Chicago Bulls và Miami Heat xếp lần lượt thứ 12, 13. Với giải bóng chày Mỹ (MLB), cái tên danh tiếng nhất: New York Yankees chỉ nằm trong Top 20. Và với môn bóng đá Mỹ (bóng bầu dục), đội khá khẩm nhất như Dallas Cowboys chỉ xếp thứ 22.

Phủ sóng toàn cầu

Khi gói bản quyền truyền hình Premier League 3 mùa tới (2016-2019) được chốt lại, nó không chỉ mang ý nghĩa về giá trị với số tiền kỷ lục lên tới 8,3 tỷ bảng mà đi kèm với đó, tất nhiên, là độ phủ sóng giải đấu tiếp tục được mở rộng.

Từ vùng cận sa mạc Sahara ở châu Phi đến rừng già Nam Mỹ, từ những vùng núi cao ngất ở châu Á tới các hòn đào tại châu Đại dương hay giữa Carribean, giờ “sóng Ngoại hạng” đã bao phủ.

Premier League 2016/17: Cơn sốt bắt đầu… (bài 1)
NHM đang mong ngóng từng ngày đến giờ khai mạc Premier League.

Hồi đầu năm nay, BTC giải Ngoại hạng thông báo, các trận đấu của giải giờ đã xuất hiện trên sóng truyền hình của 730 triệu hộ gia đình trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới.

Premier League đã trở thành “món ăn toàn cầu”. Như thế, nếu mùa đầu tiên 1992/93, bản quyền phát sóng các trận đấu EPL bán ở thị trường nước ngoài chỉ có giá vỏn vẹn 8 triệu bảng/năm thì trong gói 3 mùa tới đây đã được chốt xong, con số đã tăng lên… 140 lần.

Nếu các trận đấu ở Premier League được đem bán thành công trên khắp thế giới mang về tiền tỷ cho BTC thì ở chiều ngược lại, sân chơi Ngoại hạng cũng trở thành thế giới thu nhỏ khi thu hút cầu thủ giỏi từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây thi đấu.

Premier League 2016/17: Cơn sốt bắt đầu… (bài 1)
Giải Ngoại hạng là thế giới thu nhỏ khi thu hút cầu thủ giỏi từ khắp thế giới đổ về.

Tính đến năm ngoái, có tới 107 quốc gia thành viên FIFA có cầu thủ góp mặt ở Premier League.

Không quá khi nói rằng mỗi cầu thủ, đến từ những nước khác nhau, đã mang theo bản sắc văn hóa nước họ đến Premier League và qua đó NHM cũng biết tới những Gibralta, Curacao, Barbados, Seychelles hay Pakistan…, chứ không chỉ mỗi hợp đồng chuyển nhượng kỷ lục thế giới Paul Pogba.

Và như thế, có thể hiểu vì sao Premier League có sức lan tỏa rộng khắp đến vậy. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm