Premier League 2015/16 & Sơ đồ "độc" 4-4-2-0

thứ tư 18-5-2016 15:39:19 +07:00 0 bình luận
Sơ đồ 4-4-2 và một biến thể khác của công thức này đã giúp nhiều CLB gặt hái thành công ở Premier League mùa này, trong đó có cả tân vương Leicester.

Trên thực tế, giải Ngoại hạng Anh cũng chưa bao giờ được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt chiến thuật nói chung. Mặc dù vậy, đằng sau chức vô địch gần như “không tưởng” của Leicester City ở mùa giải năm nay, chính là những khởi nguồn dành cho một trào lưu chiến thuật hoàn toàn mới tại Premier League.

Premier League và sự trở lại của sơ đồ 4-4-2

Leicester bước lên ngôi vô địch Premier League bằng lối chơi đơn giản, trực diện

Tổ chức chặt chẽ nhưng không cần… kiểm soát bóng

Khoảng 4-5 năm về trước, thời điểm mà thứ bóng đá tiki-taka đầy mê hoặc của Barcelona và ĐT Tây Ban Nha truyền cảm hứng cho toàn bộ châu Âu, phần lớn các đại diện Premier League khi ấy đều quyết định lựa chọn theo đuổi phong cách kiểm soát bóng thuần túy. Tuy nhiên, bước sang mùa giải 2015/2016, cả hai đội bóng gây ấn tượng mạnh nhất ở giải Ngoại hạng là Leicester City và Tottenham Hotspur đều thực sự vươn tới thành công nhờ đi ngược lại với xu hướng vừa nêu trên.

Về mặt lý thuyết, lối chơi của Leicester và Tottenham cũng hoàn toàn khác nhau trong những thời điểm mà họ không kiểm soát bóng. Cụ thể, thầy trò HLV Claudio Ranieri thường sử dụng một đội hình lùi rất sâu với cặp trung vệ Huth-Morgan gần như chỉ hoạt động quanh quẩn khu vực cấm địa, trước khi tìm kiếm cơ hội từ những tình huống phản công nhanh. Tất nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng CLB chủ sân King Power đã chủ động gây áp lực tương đối tốt mỗi khi đối phương bắt đầu luân chuyển bóng sang phần sân của mình. Mặc dù vậy, với thời lượng kiểm soát bóng trung bình 44,8%, chỉ nhiều hơn Sunderland (43,3%) và West Brom (42,2%), rõ ràng hệ thống chiến thuật của nhà tân vô địch Premier League hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi khả năng cầm giữ bóng nói chung.

Dễ dàng nhận thấy, thành công kỳ diệu của Leicester cũng ghi nhận những đóng góp rất lớn đến từ N’Golo Kante, cầu thủ sở hữu số lần tắc bóng (4,7) và đánh chặn chuẩn xác (4,2) trung bình mỗi trận nhiều nhất tại giải Ngoại hạng Anh mùa này. Ngôi sao người Pháp chính là nguồn cảm hứng vô cùng quan trọng giúp cho HLV Ranieri có thể vận hành một lối chơi đơn giản, giàu năng lượng mà không cần phải kiểm soát bóng quá nhiều.

Về phần Spurs, cách thức tiếp cận trận đấu của đội bóng thành London lại có phần trái ngược hoàn toàn so với Leicester City. Thay vì cố gắng duy trì cự ly đội hình thấp để tập trung phòng ngự, HLV Mauricio Pochettino thường xuyên yêu cầu các học trò phải chủ động dâng cao và gây sức ép liên tục ngay trên phần sân đối phương. Thậm chí, bộ đôi trung vệ bên phía Tottenham cũng thường xuyên hoạt động rất xa khung thành đội nhà, có nhiều thời điểm còn sát với vạch vôi giữa sân.

Premier League và sự trở lại của sơ đồ 4-4-2

Tottenham gây ấn tượng mạnh mẽ ở mùa giải năm nay với phong cách pressing giàu năng lượng

Theo thống kê, CLB chủ sân White Hart Lane chính là đội bóng cầm bóng tốt thứ ba tại Premier League mùa này (55,3%), sau Arsenal và M.U. Tuy nhiên, sẽ là hết sức sai lầm nếu như chúng ta cho rằng lối chơi của Spurs phụ thuộc vào khả năng giữ bóng. Thực tế cho thấy, việc Tottenham sở hữu được nhiều bóng đơn giản là bởi vì thầy trò HLV Pochettino đã làm quá tốt công việc giành bóng trong chân đối phương, chứ không phải chuyền bóng qua lại một cách ổn định (chỉ xếp thứ 7 về tỷ lệ chuyền bóng chuẩn xác).

Công bằng mà nói, cả Leicester lẫn Tottenham đều là những đội bóng chơi trực diện thay vì cố gắng kiểm soát bóng một cách… luẩn quẩn. Thực tế cho thấy, nguyên nhân tiên quyết giúp hai CLB này xây dựng được một hệ thống tổ chức chặt chẽ chính là nhờ vào khả năng duy trì cự ly đội hình vô cùng gắn kết giữa các tuyến. Chính bởi vậy, mặc dù xuất hiện những khác biệt nhất định về biên độ pressing (Leicester gây áp lực tầm thấp, Tottenham sử dụng high-pressing) nhưng cả hai vị chiến lược gia, Ranieri lẫn Pochettino đều không nhất thiết phải phụ thuộc vào vấn đề kiểm soát bóng để vận hành hệ thống chiến thuật của mình.

Từ Leicester đến Watford…

Dễ dàng nhận thấy, thành công của Leicester City tại Premier League mùa này đã gắn liền với sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Thế nhưng, trong trường hợp phải phân tích kỹ lưỡng hơn nữa, tất cả sẽ thấy rằng Watford cũng là một đội bóng có những đóng góp cực kỳ quan trọng vào sự hồi sinh của lối chơi mang đậm tính “truyền thống” này.

Giai đoạn trước thềm mùa giải, Watford chính là ứng cử viên số một cho suất xuống hạng, với tỷ lệ đặt cược khả năng vô địch lên tới… 1 ăn 10.000. Mặc dù vậy, bằng tài năng cũng như tư duy chiến thuật đầy mới mẻ của mình, HLV Sanchez Flores thậm chí đã giúp CLB chủ sân Vicarage Road đứng thứ 6 trên bảng xếp hạng Premier League sau giai đoạn Boxing Day đồng thời lọt vào đến tận bán kết FA Cup. Đáng tiếc là cho đến cuối mùa, nhà cầm quân người Tây Ban Nha vẫn bị ban lãnh đạo Watford sa thải, một kết cục thực sự có phần hơi bất công đối với Flores.

Cần phải nhấn mạnh rằng, cả Leicester lẫn Watford đều xuất phát dưới sơ đồ chiến thuật hai tiền đạo (4-4-2), ít nhất là trên phương diện giấy tờ. Theo đó, lần lượt Shinji Okazaki và Troy Deeney, những người làm nhiệm vụ hỗ trợ và liên kết lối chơi phía sau Jamie Vardy và Odion Ighalo đã chứng minh rằng, hệ thống chiến thuật hai trung phong vẫn có thể trở nên hữu dụng ngay trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, vốn ngày càng đề cao vai trò của tuyến giữa. Trên thực tế, mọi thứ phức tạp hơn rất nhiều khi mà cả Okazaki lẫn Deeney đều hoạt động như những cầu thủ đa năng, sẵn sàng lùi sâu về bên phần sân nhà để tham gia phòng ngự các đồng đội.

Premier League và sự trở lại của sơ đồ 4-4-2

Watford chính là một đại diện tiêu biểu cho sơ đồ 4-4-2 với cặp tiền đạo Deeney-Ighalo

Thậm chí, ngay cả Vardy và Ighalo, những cây săn bàn chủ lực bên phía Leicester và Watford cũng được yêu cầu phải chủ động tranh chấp, hỗ trợ tuyến tiền vệ phía sau. Vô hình trung, điều này cũng giúp cho sơ đồ chiến thuật 4-4-2 của Ranieri và Sanchez Flores càng trở nên “cô đặc” hơn bao giờ hết. Xét trên lý thuyết, Okazaki không hề thi đấu như một tiền đạo thuần túy. Thay vào đó, cầu thủ người Nhật Bản chủ yếu làm nhiệm vụ phòng ngự và đôi lúc hoạt động như một “mồi nhử” trong phạm vi 1/3 sân đối phương, tạo điều kiện để Vardy hay Mahrez khai thác những khoảng trống cần thiết. Thực tế, Okazaki dù ghi được 5 bàn thắng nhưng không hề đóng góp bất kỳ pha kiến tạo nào ở Premier League 2015/2016.

Vai trò của Deeney trong màu áo Watford lại là một kiểu mẫu hoàn toàn khác. Sở hữu tổng cộng… 235 tình huống thắng bóng bổng, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào ở giải Ngoại hạng, không ít người sẽ có cảm giác rằng Deeney giống như một “target man” truyền thống (tiền đạo mục tiêu). Xuyên suốt trong mùa giải vừa qua, chân sút người Anh đã thực hiện tới 7 pha kiến tạo giúp cho Ighalo lập công, một hiệu suất phối hợp chỉ kém bộ đôi Dele Alli-Harry Kane (Spurs) và Mesut Oezil-Olivier Giroud (Arsenal).

…và sơ đồ chiến thuật 4-4-2-0

Mặt khác, do lối chơi của cả Leicester City lẫn Watford đều đòi hỏi hai tiền đạo phải hoạt động lùi sâu nhằm mục đích tương tác tối đa với tuyến tiền vệ hay hậu vệ phía sau nên sơ đồ chiến thuật 4-4-2 ban đầu cũng dần chuyển thành… 4-4-2-0, hoặc đôi khi là 4-4-1-1 (hạn chế hơn) tùy theo từng thời điểm nhất định. Một cách tổng thể hơn nữa, đây cũng chính là yếu tố tiên quyết giúp cho phong cách của những Ranieri hay Sanchez Flores trở thành một trào lưu cách mạng chiến thuật hoàn toàn mới tại Premier League năm nay, một thứ công thức 4-4-2 “siêu nhỏ gọn” và chặt chẽ giống như Atletico Madrid dưới thời Simeone chứ không phải 4-4-2 truyền thống (mở rộng biên độ hai cánh) mà chúng ta từng nhiều lần chứng kiến trong quá khứ.

Một thông tin hết sức thú vị khác là việc ban lãnh đạo Leicester City đang quan tâm đến Deeney đồng thời có ý định chiêu mộ chân sút thuộc biên chế Watford ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay. Lý do nào thực sự khiến HLV Ranieri thay vì tập trung đến các ngôi sao đình đám khác lại chỉ muốn đưa về sân King Power chữ ký của cầu thủ người Anh? Sẽ chẳng hề khó hiểu nếu như chúng ta biết rằng Ranieri có thừa sự thông thái để nhận ra Deeney chính là nhân tố phù hợp dành cho những ý tưởng chiến thuật của mình tại Leicester, một “số 9 ảo” kiểu mới sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu trong hệ thống 4-4-2-0.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm